Đây là thói quen được nhiều mẹ Việt thực hiện cho con mỗi ngày mà không biết rằng chính là thủ phạm gây ra một loạt các ca nhập viện khẩn cấp ở Hoa Kỳ.
Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên HealthDay News, mỗi năm tại Hoa Kỳ có hàng nghìn trẻ em phải nhập viện cấp cứu điều trị sự cố vết thương ở tai vì sử dụng tăm bông.
Cụ thể, phân tích dữ liệu của liên bang trong suốt 21 năm từ năm 1990 - 2010 cho thấy có khoảng 263.000 trẻ em được điều trị tại các cơ sở cấp cứu vì tai nạn thương tích tai do bông gòn, cụ thể là tăm bông dạng que. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 12.500 ca và mỗi ngày có tới 34 trẻ gặp trấn thương. Thật đáng sợ.
Tăm bông chính là thủ phạm gây ra hàng ngàn vụ nhập viện cấp cứu tại Hoa Kỳ. Ảnh minh họa
Trong số các ca đó, có 73% trường hợp các vết thương được gây ra do sử dụng tăm bông để ngoáy tai, 10% do trẻ chơi đùa với tăm bông và 9% còn lại là do trẻ bị ngã trong khi tăm bông vẫn còn nằm trong ống tai.
Phân tích sâu hơn, nhóm nghiên cứu cho biết phần lớn các thương tích xảy ra do trẻ tự dùng tăm bông để ngoáy tai (77%), số ít là do bố mẹ dùng tăm ngoáy cho con (16%) hoặc các anh chị em ruột (6%) sử dụng bông tăm bông để lau tai cho em.
Về độ tuổi hầu hết các ca gặp nạn đều rơi vào trẻ dưới 8 tuổi, có khoảng 40% trẻ dưới 3 tuổi.
Trong số các ca nhập viện, hầu hết đều được điều trị và khỏi bệnh. Tuy nhiên các vết thương này vẫn để lại nhiều biến chứng như gây ra cảm giác chóng mặt, làm giảm khả năng nghe của tai và các vấn đề về thính giác.
Tuyệt đối không tự ý dùng tăm bông ngoáy tai cho con mà nên đưa con tới cơ sở y tế gần nhất. Ảnh minh họa
"Là một chuyên gia về tai mũi họng tôi cho rằng 2 quan niệm sai lầm lớn nhất của các bậc phụ huynh là việc làm sạch ống tai tại nhà cho con và dùng tăm bông để ngoáy tai. Cả hai đều không đúng và không an toàn”, Dr. Kris Jatana, chuyên gia – bác sĩ tại Nationwide Children's Hospital (Viện Nhi khoa Toàn quốc tại Columbus, Ohio) cũng là thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Ông Jatana chia sẻ thêm: "Các ống tai thường có thể tự làm sạch. Sử dụng tăm bông để ngoáy tai không chỉ đẩy chất sáp vào gần với ống tai hơn mà còn có thể gây ra những tai nạn, vết thương cho tai”.
Vì vậy, để làm sạch ống tai cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tốt nhất là các bậc phụ huynh nên đưa con ra cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý dùng tăm bông để ngoáy tai cho con sẽ gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Để an toàn mẹ chỉ nên: Dùng một chiếc khăn bông mỏng, mềm lau nhẹ xung quanh vành tai cho con sau đó xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn, từ từ đưa sâu vào bên trong tai và tiếp tục xoắn lại. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của chiếc khăn và ra ngoài. Chiếc khăn mềm sẽ không làm hại đến màng tai của bé mà ráy tai vẫn được làm sạch. Trong trường hợp ráy tai nhiều, vón cục, mẹ hãy dùng nước muối sinh lý an toàn cho trẻ, nhỏ vào tai 1-2 giọt, 3-4 lần trong ngày để ráy tai mềm và vỡ ra. Sau đó thực hiện các bước như trên là được. |
* Bài viết tham khảo thông tin từ Mom Junction, Health Day