Chăm con nhưng lại hiếm khi để ý đến cảm giác của trẻ, rất nhiều chị em đang mắc lỗi nghiêm trọng.
Mẹ có tự tin rằng mình hiểu con ngay cả khi bé chưa biết nói? Chắc hẳn mẹ đã nhiều lần đặt ra câu hỏi rằng: “Con làm sao mà cứ khóc mãi thế nhỉ?” hay “Tại sao trẻ con vừa khóc lại cười luôn được rồi?”. Nếu bé biết nói, mẹ sẽ rất ngạc nhiên vì những thông điệp đầu tiên bé gửi đến đó sẽ là:
“Con khóc không phải vì đói”
Một điều dễ nhận thấy ở trẻ sơ sinh đó là khi đói, bé sẽ khóc rất to. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là: cứ trẻ khóc thì đồng nghĩa với việc trẻ đang đói.
Không hề chủ quan khi nhận định rằng rất nhiều bà mẹ luôn có tâm lý lo lắng rằng con mình ăn chưa đủ no hay con mình đang bị đói, bất kể là bé vừa mới ăn xong hay đã 2,3 tiếng rồi chưa ăn. Tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Lần đầu làm mẹ, cứ mỗi khi Nhím khóc, tôi lại không hiểu vì sao và vội vàng: “Chắc cháu lại đói rồi bà ơi, bà pha sữa cho cháu nhé”. Vậy nhưng rất nhiều lần, khi đưa bình sữa vào miệng thì bé nhất định không chịu há miệng. Từ sau đó, tôi đã rút ra kinh nghiệm:
Đối với những trường hợp như vậy, thì mẹ không nên vội kết luận rằng ngay là trẻ khóc tức là trẻ đòi ăn, mà trước hết hãy quan sát trẻ để tìm ra nguyên nhân thực sự khiến trẻ khóc là gì. Việc chăm chút cho trẻ lúc nào cũng no đủ là một việc tốt tuy nhiên nếu ép trẻ ăn quá nhiều thì sẽ phản tác dụng. Một khi trẻ phản ứng với thức ăn bằng cách mắm chặt môi, lắc đầu, đẩy thìa bột, nhè thức ăn,… thì có nghĩa là trẻ không muốn ăn, hãy tin và tôn trọng ý kiến không thành lời đó của trẻ.
“Mẹ để con nói với”
Các bà mẹ đều không nghi ngờ về tầm quan trọng của việc nói chuyện với em bé. Nhưng có một điều mà nhiều mẹ chưa làm được đó là lắng nghe và theo dõi giao tiếp phản hồi của trẻ. Tôi thường ôm con và độc thoại liên hồi mà không để ý bé có thích hay không. Kết quả là đôi khi, con đã tè ướt sũng cả bỉm mà mẹ cũng chẳng biết gì.
Chị em đừng cho rằng nói chuyện với trẻ chỉ là độc thoại, hãy chú ý đến từng tiếng càu nhàu, một nụ cười, một cú đá chân,… tất cả những biểu hiện này đều có giá trị. Lời khuyên dành cho mẹ đó là, hãy coi trẻ là một đối tượng giao tiếp, kiên nhẫn chờ đợi những phản ứng của trẻ (theo những cách của riêng trẻ) thay vì vội vàng hành động theo suy nghĩ chủ quan của mình để lấp đầy sự im lặng.
“Con không muốn đi giày”
Mẹ có nhận thấy là trẻ mới tập đi thường rất ghét bị mẹ xỏ giày vào chân? Bé sẽ ngồi bệt xuống, trước hết là để ngắm nghía đôi giày, sau đó là để tìm mọi cách bỏ nó ra khỏi chân.
Sự thật là hầu hết các loại giày đều không cần thiết cho đôi bàn chân nhỏ bé của trẻ, thậm chí nó còn làm cản trở quá trình tập đi của bé. Một đôi chân trần hoặc có đi một đôi tất vải mỏng mềm mại giúp cử động bàn chân của trẻ dễ hơn và giúp trẻ có cảm nhận tốt nhất khi tiếp xúc với sàn.
“Mẹ bỏ con xuống cho con chạy”
Đừng sợ trẻ ngã mà ngăn cản khi con muốn tự đi (ảnh minh họa)
Năm đầu tiên nuôi con tôi đã mắc một sai lầm lớn đó là vì lo con còn nhỏ, chưa đủ cứng cáp nên lúc nào cũng nâng niu con đúng như câu thành ngữ “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Tôi cầu kỳ từ cách bế con, không bế xốc nách vì sợ con vòng kiềng; không bế đứng và chỉ bế ẵm vì sợ xương cổ con chưa cứng; không cho con đi xe tròn tập đi cũng vì lo chân con sẽ bị vòng kiềng. Nhưng sau này tìm hiểu tôi mới biết nên để trẻ phát triển một cách tự nhiên và vận động theo khả năng của trẻ. Kết quả là Nhím do năm đầu tiên ít vận động nên không được cứng cáp như các bạn cùng lứa”.
Lỗi của bản thân tôi cũng là một lỗi khá phổ biến của các mẹ. Chị em nên hiểu rằng xương và hệ thống dây chằng của các bé rất mềm mại và đàn hồi tốt, do đó khi cảm thấy trẻ đã tự nâng được đầu dậy có nghĩa là mẹ có thể bế đứng trẻ hoặc là từ tháng thứ 6 trở đi đối với các trẻ bình thường thì mẹ cũng hoàn toàn có thể cho trẻ bắt đầu tập đi.
“Mẹ ơi mẹ hát cho con nghe đi”
Hát cho trẻ nghe là một cách hiệu quả để dỗ dành trẻ, giúp trẻ thư giãn và cũng là một sợi dây kết nối sự gắn kết giữa hai mẹ con. Con gái tôi – Nhím rất thích được lắng nghe giọng hát của mẹ ngay từ khi chưa lọt lòng. Lúc con còn nhỏ, mỗi lần con khóc tôi chỉ cần vừa hát, vừa vỗ tay hay làm trò ngộ nghĩnh là con lại tròn mắt nhìn mẹ rồi nín. Với con, tôi hát đủ cả các thể loại, từ các bài hát ru dân gian đến nhạc thiếu nhi hay cả các ca khúc nhạc trẻ. Có lẽ một phần nhờ phương pháp này mà Nhím biết nói từ rất sớm và phát triển ngôn ngữ khá tốt.
“Con muốn mẹ vui vẻ”
Mẹ có biết rằng cảm xúc rất dễ lây, ngay cả giữa những người không quen biết chứ chưa nói đến các thành viên trong một gia đình. Khi đi siêu thị và gặp một nhân viên bán hàng gắt gỏng, chắc chắn mẹ cũng không thể vui vẻ. Điều đặc biệt là cảm xúc của cha mẹ cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của con cái, ngay cả khi trẻ còn là một em bé vẫn đang được bế ẵm.
Mẹ tưởng rằng đơn giản mặc cho con một cái tã sạch và cho bé ăn no bụng là tcon có thể tươi tỉnh cười vui. Tuy nhiên, nếu mẹ không gợi chuyện, không cười cùng với trẻ thì việc trẻ cười là rất hiếm. Nếu mẹ thực sự cảm thấy mệt mỏi vì một vài chuyện, không thể hoạt bát nô đùa với con thì điều cần thiết nên làm đó là nghỉ ngơi và thư giãn để lấy lại niềm vui. Bởi một nguyên nhân quan trọng đó là: Em bé của mẹ luôn muốn mẹ vui vẻ.