Các bác sĩ nhi khoa hàng đầu sẽ cho bạn biết một số bí mật cực lớn về bé.
Sau 9 tháng 10 ngày hồi hộp đợi chờ, bé yêu nhà bạn cuối cùng cũng đã chào đời. Lần đầu bế con trên tay, bạn nghẹn ngào rồi vỡ òa hạnh phúc... Nhìn kỹ con, bạn phát hiện đôi má phúng phính có nổi nốt đỏ li ti, trong phần lòng trắng mắt có vệt máu hay tiếng thở nghe khò khè...? Bạn tự hỏi: liệu con có vấn đề sức khỏe gì không? Hãy cứ bình tĩnh, các bác sĩ nhi khoa hàng đầu sẽ cho bạn biết một số bí mật CỰC LỚN về bé.
Nhiều loại xương hơn người lớn
Bạn vẫn nghĩ rằng người lớn cao to hơn nên sẽ có nhiều xương hơn, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Một em bé được sinh ra với hơn 300 xương. Nhưng trong quá trình trưởng thành sau này, nhiều xương đã liên kết với nhau thành một khối dần tạo nên hệ thống xương với 206 chiếc như người trưởng thành.
Da bị "bà mụ cắn"
Da của bé, đặc biệt là gương mặt, sẽ chưa phải là một bức tranh hoàn hảo về màu sắc. Đôi khi bạn bắt gặp những đốm đỏ trên mí mắt, trên cổ hay cằm bé, còn gọi là vết “bà mụ cắn”. Cứ yên tâm là các đốm này sẽ nhạt dần đi và biến mất hẳn khoảng sau 18 tháng tuổi.
Da bé sơ sinh có thể sẽ không hoàn hảo như hình ảnh bạn thấy trên các tạp chí (Ảnh minh họa).
Khóc không nước mắt
Bé có thể khóc rất nhiều, nhưng thực tế không hề rơi nước mắt. Mặc dù tuyến lệ đang làm việc, nhưng chúng sản xuất chỉ đủ nước mắt để bôi trơn và bảo vệ đôi mắt của bé. Những giọt nước mắt đầu tiên của bé có thể xuất hiện khi bé 1-3 tháng.
Những vệt máu đỏ trong mắt
Không phải mắt bị chảy máu mà sau khi chào đời, mẹ có thể nhận thấy những vệt máu đỏ nổi trên phần lòng trắng trong mắt bé. Đây là hiện tượng xuất huyết trong tạm thời và sẽ biến mất mà không cần điều trị sau vài tuần hoặc vài tháng.
Nhận ra giọng mẹ sau khi sinh
Khi một em bé được sinh ra, thính giác của chúng chưa chuẩn 100%. Tai giữa vẫn còn một số chất lỏng có xu hướng làm giảm thính giác. Thế nhưng bé vẫn có thể nhận ra âm thanh từ giọng nói của mẹ. Bé có xu hướng gần gũi mẹ hơn những người khác nếu mẹ là người chăm sóc thường xuyên.
Thở khò khè
Hơi thở khò khè của trẻ sơ sinh có thể khiến bạn hoảng sợ. Nhưng hãy yên tâm, điều ấy là hoàn toàn bình thường. Mũi trẻ sơ sinh rất nhỏ, do vậy chỉ một chút đờm dãi cũng sẽ gây tắc và khiến tiếng thở tạo nên âm thanh khác thường. Trong trường hợp ấy, bạn chỉ cần nhỏ một chút nước muối sinh lý hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ để thông mũi là ổn.
Vừa thở vừa nuốt
Đã bao giờ bạn thử vừa thở vừa nuốt cùng một lúc chưa? Hãy thử đi, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ làm được điều này. Nhưng một em bé 6 tháng tuổi có thể thở và nuốt cùng một lúc đấy. Nhưng khả năng này mất đi khi trẻ được 9 tháng tuổi là lúc thanh quản bắt đầu phát triển.