Hiện tượng sôi bụng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Dấu hiệu sôi bụng ở trẻ
Khi trẻ sơ sinh bị sôi bụng thường có biểu hiện như quấy khóc, không thèm bú sữa mẹ, bú nhiều trẻ thường bị nôn, ọc ra ngoài. Vào ban đêm trẻ hay khóc nhiều và ngủ nhiều vào ban ngày. Ngoài ra, trẻ bị sôi bụng cũng có thể kèm theo tiêu chảy nhẹ hoặc nặng. Tình trạng sôi bụng ở trẻ có thể khỏi sau 1 ngày nhưng cũng có thể kéo dài cả tuần.
Trẻ bị sôi bụng thường quấy khóc, không chịu ngủ. (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân của chứng sôi bụng ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chính của việc trẻ bị sôi bụng là do chế độ dinh dưỡng. Trẻ bú mẹ hoàn toàn bị sôi bụng có thể do mẹ ăn đồ lạ, thức ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu hoặc cay nóng.
Trẻ bú sữa công thức thì có thể bị sôi bụng do chưa quen với loại sữa mới hoặc bình sữa, núm vú bé dùng không được vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài ra, bình sữa không phù hợp, cách pha sữa hay bế cho bé bú không đúng có thể khiến không khí lọt vào bình sữa của bé. Bé nuốt phải không khí khi bú cũng có thể dẫn đến hiện tượng sôi bụng.
Massage nhẹ nhàng giúp trẻ tiêu hóa dễ hơn. (Ảnh minh họa)
Cách chữa trị và đề phòng chứng sôi bụng ở trẻ
Khi trẻ có hiện tượng sôi bụng, quấy khóc, mẹ nên thay đổi tư thế bế bé, vỗ nhẹ lên lưng để bé ợ hơi ra hoặc đặt bé nằm ngửa xuống giường sau đó gập đầu gối bé liên tục.
Để đề phòng chứng sôi bụng, mẹ nên cho bé sử dụng các thực phẩm từ sữa không có chứa nhiều lactose. Lactose là nguyên nhân khiến trẻ bị đi ngoài, tiêu chảy khi cơ thể không tiêu hóa được, cắt giảm lactose trẻ sẽ tránh được tình trạng sôi bụng, đi ngoài.
Bình sữa của trẻ nên được vệ sinh sạch sẽ, tiệt trùng cẩn thận. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, mẹ cũng nên lưu ý ăn uống cẩn thận, đảm bảo vệ sinh trong thời gian cho con bú. Một số loại thực phẩm mẹ ăn khi bé bú cũng góp phần tạo ra không khí, khiến trẻ sơ sinh bị sôi bụng như cà chua, cam, quýt, bông cải xanh, cải bắp, súp lơ, giá đỗ, các sản phẩm làm từ đậu nành và sữa trong khẩu phần ăn hàng ngày. Vì vậy mẹ nên hạn chế ăn những thực phẩm này để phần nào giảm lượng khí sinh ra trong bụng trẻ.
Nếu con dùng sữa công thức thì mẹ nên học pha sữa đúng cách để giảm lượng khí lọt vào bình xuống mức thấp nhất. Luôn rửa sạch, tiệt trùng bình sữa, dụng cụ pha, núm vú trước khi cho bé bú.