Mẹ nên lưu ý phòng ngừa để trẻ không mắc căn bệnh này bởi đây là bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe của bé.
Bệnh chàm (Eczema) là tình trạng da bị viêm mãn tính thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, trong đó 15% là trẻ sơ sinh. Bệnh được biểu hiện ở ngoài da gây ngứa rát, mẩn đỏ, thậm chí là xuất hiện màng trắng hình thành mụn nước.
Dấu hiệu bé bị chàm
Khi bị chàm, da của bé thường nổi đỏ thành từng mảng, khô và dễ bị viêm nhiễm. Nặng hơn, vùng da bị viêm sẽ trở nên đỏ và phát triển mụn nước.
Bé thường cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và gãi liên tục song hành động này khiến bệnh trở nên nặng hơn nhiều. (Ảnh minh họa)
Các nguyên nhân khiến bé bị chàm
Do di truyền
Trong gia đình, nếu có người bị bệnh chàm, đặc biệt là bố hoặc mẹ thì nguy cơ di truyền sang con càng cao.
Do cơ địa
Bé bị rối loạn chức năng như bài tiết, thần kinh, tiêu hóa, nội tiết cơ thể thay đổi cũng là nguyên nhân gây ra bệnh chàm.
Ngoài ra, da trẻ nhỏ rất nhạy cảm, nếu da bé không được cấp ẩm đầy đủ sẽ dẫn tới tình trạng khô ráp gây ngứa và viêm nhiễm. Nhất là vào mùa hè, da trẻ thường khô và thiếu nước nên rất dễ mắc phải bệnh chàm.
Do dị ứng với thực phẩm lạ
Bé có thể bị dị ứng sữa lạ, hoặc không được bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ.
Mẹ thường lo lắng khi bé bị bệnh chàm và cố vệ sinh sạch sẽ cho con bằng cách tắm nước nóng nhiều lần, thậm chí là sử dụng nhiều loại kem dưỡng da cho bé. Tuy nhiên, mẹ không biết rằng nếu tiếp xúc quá nhiều da bé trở nên nhạy cảm hơn, các mụn chàm dễ vỡ và có xu hướng rối loạn miễn dịch khiến bệnh nặng thêm.
Lưu ý phòng và điều trị bệnh cho con
- Thời gian tắm cho bé không quá 15 phút, cách tốt nhất là rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm.
- Mẹ nên sử dụng kem dưỡng ẩm sau khi tắm cho bé, giúp da mềm và có độ ẩm thích hợp.
Nếu sử dụng điều hòa trong ngày hè, mẹ nên để nhiệt độ phòng khoảng từ 24 - 26℃ để bé không đổ mồ hôi khiến vết chàm viêm nhiễm và lan nhanh. (Ảnh minh họa)
- Nếu bé bị chàm, tránh cho bé tiếp xúc những nơi công cộng, đặc biệt là bể bơi.
- Bé thường khó chịu, ngứa ngáy liên tục khi bị chàm. Cách đơn giản là dùng khăn lạnh chườm lên vết tấy đỏ để bé cảm thấy dễ chịu.
- Mẹ có thể sử dụng loại kem chống dị ứng, hoặc kem đặc trị chàm cho bé. Tuy nhiên, khi trẻ có dấu hiệu thuyên giảm mẹ nên sử dụng với liều lượng vừa phải tránh để bệnh tái phát, thậm chí là hình thành bệnh mới như nám, nhiễm trùng thứ phát, viêm da kích thích tố phụ thuộc…
- Đặc biệt khi bé bị chàm kèm theo sốt kéo dài, mẹ nên đưa bé tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để kiểm tra.