Nếu bế hoặc đặt con ngủ không đúng tư thế có thể dẫn đến chứng đầu bẹt ở trẻ. Và đây là giải pháp dành cho mẹ.
Trẻ sơ sinh thường có hộp sọ khá mềm để não có thể phát triển trong một năm đầu đời.
Tuy nhiên đó cũng là lý do hình dáng đầu của bé rất dễ bị bóp méo không như mong muốn, chúng ta hay gọi là hiện tượng “đầu bẹt” ở trẻ sơ sinh. Hội chứng này thông thường xảy ra khi trẻ ngủ liên tục với cùng 1 tư thế trong 1 thời gian dài.
Tình trạng này xảy ra ở hầu hết trẻ sơ sinh với mức độ khác nhau nên các ông bố bà mẹ không cần quá lo lắng, chỉ cần một vài thói quen đúng sau đây có thể cải thiện tình hình và giúp giữ đầu bé phát triển bình thường:
1. Nguyên tắc đặt lưng khi ngủ
- Nằm ngửa khi ngủ vẫn là tư thế tốt nhất cho bé
- Cho dù việc nằm ngửa khi ngủ có thể khiến bé bị bẹt đầu thì đây vẫn là tư thể ngủ an toàn nhất, giúp giảm thiểu nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh – một hội chứng xảy ra khi trẻ sơ sinh (thông thường dưới 1 tuổi) tử vong khi ngủ mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Tôn trọng nguyên tắc đặt lưng khi ngủ. Ảnh minh họa
- Việc cho trẻ nằm ngửa khi ngủ trên nệm cứng, vững chãi, hạn chế gối, chăn màn, gấu bông… sẽ hạn chế nguy cơ trẻ bị ngộp thở dẫn đến đột tử khi ngủ.
Do đó, cho dù lo lắng về việc hình dáng đầu trẻ có thể bị ảnh hưởng, nguyên tắc đầu tiên vẫn là chúng ta cần tuyệt đối tuân thủ tư thế ngủ nằm ngửa an toàn cho bé.
2. Nguyên tắc đặt bụng khi chơi: khi trẻ đã biết lẫy, khuyến khích trẻ tập lẫy
Khi bé yêu đã đến tuổi lẫy, bé có thể sẽ rất thích thú được lật mình. Việc này rất tốt vì sẽ làm giảm thời gian bé nằm ngửa khiến đầu sau tiếp xúc với mặt phẳng, giảm nguy cơ bẹt đầu.
Ngoài ra, nó còn giúp cơ cổ, cơ tay và cơ vai của bé phát triển tốt hơn. Nên cho bé thực hiện động tác này trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 phút, ít nhất 3 lần/ ngày. Tuy nhiên cần hết sức lưu ý khi bé lẫy cần có người lớn giám sát chặt chẽ và không rời khỏi phòng.
Khuyến khích bé lẫy để bù lại thời gian bé nằm ngửa khi ngủ. Ảnh minh họa
3. Thường xuyên bế bé, đặc biệt nên cố gắng giữ bé ở tư thế thẳng đứng
- Thời gian bé ra khỏi giường, nôi… càng nhiều, càng giúp làm giảm áp lực lên phần đầu của bé.
- Việc bế bé ở tư thế thẳng đứng không chỉ giúp giảm áp lực lên mặt sau đầu mà còn giúp tạo điều kiện để bé có sự phát triển cơ cổ và cơ vai tốt.
- Bế bé còn giúp tăng sự gắn kết và tình yêu giữa ba mẹ và bé.
4. Đa dạng hóa các hoạt động trong ngày của bé
- Đừng để trẻ ở 1 nơi nào đó trong một thời gian quá dài.
- Những nơi như giường, nôi, ghế trẻ sơ sinh… không thích hợp để bé ở trong 1 thời gian liên tục kéo dài bởi hoạt động của đầu và cổ sẽ bị hạn chế
- Thường xuyên cho bé di chuyển đến những vị trí mới, những địa điểm mới cũng góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện các giác quan của bé.
5. Tránh gối, đệm và các vật dụng tương tự
Nhiều người cho rằng việc thêm gối, đệm vào dưới vùng đầu khi bé nằm sẽ hạn chế được tình trạng bẹt đầu. Tuy nhiên những rủi ro và các vật dụng này đem lại lớn hơn nhiều so với lợi ích của chúng:
- Những vật mềm như gối, chăn, đệm, thú nhồi bông… làm tăng nguy cơ khiến trẻ ngạt thở khi ngủ hoặc chơi đùa, dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
- Các vật này khiến đầu trẻ di chuyển khó khăn hơn, hạn chế sự phát triển của các cơ ở vùng đầu và cổ.
- Khi ngủ, luôn giữ trẻ ở tư thế nằm ngửa và ngủ trên một bề mặt vững chãi. Khi thức, nếu cần cho trẻ gối đầu tạm thời lên gối, đệm thì phải giám sát trẻ liên tục.
6. Thay đổi hướng nhìn của bé khi nằm
- Hôm nay bạn đặt đầu bé nằm về phía cuối giường thì ngày mai lại đặt đầu bé về phía ngược lại. Điều này sẽ khuyến khích bé nhìn theo các hướng khác nhau.
- Bên cạnh đó, việc làm này sẽ có ích khi bé có xu hướng nghiêng đầu sang một bên nhất định nào đấy để nhìn ngắm một vật khiến bé thích thú, ví dụ như cửa sổ. Một số em bé bị bẹt đầu về 1 bên khi cứ liên tục nhìn về 1 phía trong 1 thời gian dài.
- Thay đổi hướng nhìn bằng việc thay đổi vị trí khi nằm cũng giúp kích thích thị giác của bé phát triển.
Thay đổi hướng nằm của bé thường xuyên. Ảnh minh họa
7. Thỉnh thoảng sắp xếp lại phòng ngủ của bé
- Thỉnh thoảng thử đặt nôi của bé ở một vị trí mới trong phòng để bé có một góc nhìn mới, từ đó cũng tránh được việc bé nhìn về 1 phía trong thời gian quá dài.
- Thay đổi vị trí của bất cứ vật nào trong phòng khiến bé cảm thấy thích thú và hay ngắm nhìn. Tuy nhiên phải chắc chắn là các vật đều được lắp đặt an toàn, không bị rơi xuống và nằm ngoài tầm với của trẻ.
8. Ẵm trẻ lên tay khi cho ăn
Việc ẵm trẻ lên tay khi cho bú mẹ có vẻ là một động tác hết sức tự nhiên với các bà mẹ. Tuy nhiên với những bà mẹ dùng thêm sữa công thức cho con, hãy nhớ ẵm bé lên tay khi cho bú.
- Thay đổi hướng thường xuyên khiến cho áp lực tác động lên phía sau đầu bé không bị dồn lên một vị trí trong thời gian quá dài.
- Thay đổi hướng thường xuyên còn giúp phát triển đồng đều hai mắt của bé vì mỗi mắt sẽ luân phiên ngắm nhìn thế giới xung quanh.
Nên ẵm trẻ trên tay khi cho ăn. Ảnh minh họa
9. Hỏi bác sĩ nhi khoa nếu như bé có tình trạng đầu bẹt hoặc tai, mắt và trán trông khác thường
Một số tình trạng đầu bẹt được gây ra bởi chứng “Craniosynostosis“ - đó là một tình trạng nghiêm trọng đòi hỏi cần phải phẫu thuật.
- Khi trẻ bị chuẩn đoán là có triệu chứng “đầu bẹt”, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên làm theo các bước hướng dẫn bên trên và theo dõi cho đến khi tình hình cải thiện. Phần lớn các chỗ phẳng sẽ dần trở nên tròn hơn.
- Liệu pháp vật lý trị liệu cũng là một gợi ý có thể tham khảo.
- Một số trường hợp nghiêm trọng có thể sẽ cần đến mũ hoặc đai điều khiển tự chỉnh để định hình lại hộp sọ cho trẻ.