Hiện tượng trẻ sơ sinh hay vặn mình khi đi ngủ thường hay gặp ở lứa tuổi từ 5 – 6 tuần tuổi. Đây có thể nói là một hiện tượng sinh lý bình thường, trẻ sẽ hết khi trên 4 tháng tuổi.
Nếu trẻ sơ sinh thường xuyên bị vặn mình, gồng đỏ mặt, thậm chí bé hay giật mình khi ngủ thì bậc cha mẹ cần phải quan tâm hơn vì điều này nếu kéo dài có thể sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ.
Tại sao trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ?
Hầu hết các trẻ từ sau khi sinh đến khi được vài tuần tuổi đều có biểu hiện vặn mình khi ngủ. Vì trẻ chưa quen với cuộc sống ở bên ngoài từ cung của mẹ.
Khi bé ra đời thì các tế bào thần kinh chưa biệt hoá, vỏ não và thể vân chưa phát triển nên hoạt động dưới vỏ chiếm ưu thế. Do đó, trẻ thường có những biểu hiện múa vờn, vận động tay chân thường xuyên vì phản ứng của vỏ não có xu hướng lan tỏa khi bị kích thích.
Còn một nguyên nhân khác có thể do trẻ ngủ trên đệm quá cứng, gối đầu cao hoặc tư thế ngủ không được thoải mái. Ngoài ra cũng cần để ý xem đó liệu có phải là dấu hiệu của biểu hiện sinh lý bình thường hay là biểu hiện của các bệnh lý khác.
Biểu hiện trẻ sơ sinh hay vặn mình
Được chia thành 2 trường hợp, một trường hợp biểu hiện sinh lý và một trường hợp là biểu hiện do bệnh lý.
Biểu hiện trẻ sơ sinh hay vặn mình do sinh lý
Có rất nhiều yếu tố sinh lý từ môi trường tác động đến bé khiến trẻ sơ vặn mình và giật mình như:
- Nơi ngủ không thoải mái, có nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn lớn xung quanh.
- Trẻ đói: Dạ dày trẻ sơ sinh rất nhỏ, mỗi lần bú chỉ bú được 1 lượng sữa ít. Do vậy, mẹ cần cho bé bú thường xuyên hơn. Không nên cho bé bú quá nhiều vì sẽ khiến trẻ sơ sinh hay vặn mình và ọc sữa sau mỗi lần bú.
- Phản ứng khi rặn tiểu hoặc đại tiện: Khi trẻ muốn tiểu hoặc đại tiện thì thường hay vặn mình và rặn như đang muốn làm hết sức để tống cái gì đó ra ngoài.
- Tã của trẻ bị ướt do trẻ đi tiểu nhiều. Trẻ dưới 1 tuổi có thể sẽ đi tiểu từ 16 đến 20 lần/ngày. Trẻ trên 1 tuổi giảm còn hơn 12 lần/ngày. Còn tùy thuộc số lượng nước hay sữa đưa vào, nhiệt độ môi trường xung quanh, đổ mồ hôi nhiều hay ít…
- Mẹ quấn khăn cho bé quá chật chội: trẻ hay có những vận động tay chân vô thức, nếu bị quấn chặt quá sẽ gây khó chịu và gây ra phản ứng như vặn mình, gồng mình.
Biểu hiện trẻ sơ sinh hay vặn mình do bệnh lý
- Trẻ sơ vặn mình và ọc sữa, các biểu hiện như đổ mồ hôi trộm, ngủ không sâu giấc, quấy khóc, giật mình… thì có thể là do thiếu Canxi, hệ tiêu hóa không tốt.
- Ngoài ra còn có những bệnh lý khác như da của trẻ bị thương tổn như ngứa, nóng rát làm cho bé khó ngủ yên giấc hay do côn trùng chui vào tai, gây ra phản ứng vặn mình, gồng mình.
8 cách chữa trẻ sơ sinh hay vặn mình các mẹ cần lưu lại
Trẻ sơ sinh thường hay bị vặn mình khi ngủ đó là những dấu hiệu sinh lý bình thường. Song nếu thấy trẻ vặn mình quá thường xuyên hay kèm theo đó là các dấu hiệu bé quấy khóc, đổ mồ hôi trộm, giật mình thì mẹ cần phải lưu ý và cần theo dõi để đưa bé đến gặp bác sĩ nếu cần thiết.
Các mẹ cũng có thể áp dụng cách sau để làm giảm tình trạng trẻ sơ sinh hay vặn mình.
1. Thay tã êm ái, quần áo rộng thoải mái
Chọn cho bé những loại tã thấm hút tốt để tạo cảm giác thoải mái cho trẻ. Mặc cho bé những bộ quần áo ngủ rộng rãi nhất và đủ ấm.
Cần giặt giũ chăn nệm của bé thường xuyên, vệ sinh phòng sạch sẽ để bé không bị cảm giác ngứa ngáy hay khó chịu.
2. Xoa dịu bé, để bé thoải mái không vặn mình
Khi thấy trẻ hay vặn mình thì mẹ có thể ôm bé vào lòng âu yếm để bé được dễ chịu hơn. Mẹ có thể hát ru, xoa dịu hoặc nói chuyện cùng với bé để bé cảm thấy an toàn và được che chở hơn.
3. Tắm nắng thường xuyên
Trẻ sơ sinh hay vặn mình có thể là dấu hiệu bệnh lý, điển hình là do bị thiếu canxi thường gặp nhất ở trẻ sinh non. Do đó, để tránh việc trẻ sơ vặn mình, gồng đỏ mặt và khóc thét nửa đêm thì mẹ cần phải bổ sung canxi cho bé.
Cách làm đơn giản nhất chính là cho trẻ tắm nắng thường xuyên, thời gian tắm nắng thích hợp nhất là khoảng 7 giờ sáng, bởi lúc này ánh sáng mặt trời còn khá dịu và đủ ấm.
4. Mẹ cần ăn uống đầy đủ, không nên kiêng khem
Với những bé sơ sinh, nguồn canxi lúc này được cung cấp hoàn toàn từ sữa mẹ, mẹ cần phải ăn uống đầy đủ những thực phẩm giàu canxi như cá hồi, cá thu, cá ngừ…
Thực đơn cần phải đa dạng cùng với việc cung cấp canxi đủ sẽ là một cách gián tiếp giúp trẻ không bị vặn mình nữa.
5. Không sử dụng những mẹo lạ để chữa vặn mình
Xông hơi, chườm nóng, đắp lá… là những cách chữa dân gian nào khi chưa có sự kiểm định của bác sĩ cũng đều có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.
Do đó, khi thấy những bất thường của trẻ thì tốt nhất nên đưa bé đến các cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ thăm khám và tư vấn.
6. Quan tâm đến cảm xúc của con
Các bé sơ sinh hay những bé 1, 2 tháng tuổi vặn vẹo đều rất bình thường, đó là cách để bé giãn các cơ và khớp khi nằm một chỗ quá lâu và triệu chứng này sẽ tự mất khi bé được 4 tháng tuổi.
Trẻ sơ sinh vặn mình cũng là cách để bé ‘thể hiện cảm xúc’ rằng bé đang mỏi, khó chịu, bé đói, mệt hay bị ướt tã… Chính vì thế, mẹ cần lưu ý đến những cảm xúc của con để có biện pháp khắc phục.
7. Kiểm tra nhiệt độ phòng
Việc để nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ của trẻ, gây ra hiện tượng trẻ vừa ngủ vừa hay vặn mình, giấc ngủ không sâu và hay quấy khóc.
8. Kiểm tra trên làn da của trẻ
Các vùng da có bị đỏ, viêm loét, hay nổi mẩn đỏ gì không? Nên kiểm tra các lỗ tự nhiên (hậu môn, vùng kín...) xem có gì bất thường không. Bé có bị sốt hay không?
Khi nào cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ?
Khi trẻ có một trong những biểu hiện sau cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay:
- Hạ canxi máu: Với biểu hiện là tăng kích thích thần kinh cơ, dễ bị kích thích, ngủ không yên giấc, hay bị giật mình, gồng mình kèm thêm các biểu hiện như: rụng tóc, nôn mửa, đổ mồ hôi trộm, nấc, quấy khóc, chậm lên cân...
- Da của trẻ bị tổn thương cũng nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có cách xử lý ngay.
- Trẻ sơ sinh hay vặn mình khó ngủ, sút cân và hay quấy khóc.
Tất cả những biểu hiện về bệnh lý thì bậc cha mẹ không được tự ý chữa trị cho bé với tất cả các hình thức nào mà phải đưa trẻ tới gặp bác sĩ. Đối với những biểu hiện sinh lý bình thường nếu trẻ không lên cân, tình trạng quấy khóc kéo dài thì cũng nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ để có được những biện pháp chữa trị phù hợp.