Bác sĩ Đinh Thị Bích Thủy cho biết, nên cho trẻ ăn phô mai như một loại thực phẩm bổ sung, không thay thế các thực phẩm chính như sữa mẹ và sữa.
Phô mai là một sản phẩm trong thành phần có chứa nhiều protein và chất béo từ sữa. Nó có nguồn gốc từ phương Tây và xuất hiện trong các món ăn hoặc các loại bánh ngọt khi vào Việt Nam.
Chủng loại và hương vị của phô mai rất đa dạng, phong phú. Với những tín đồ của mì Ý, pasta hay pizza thì không thể không biết đến phô mai. Không những vậy, phô mai còn là món khoái khẩu của rất nhiều trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn phô mai với liều lượng bao nhiêu, trường hợp nào không nên cho trẻ ăn thì rất ít người quan tâm.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Bích Thủy- Viện Dinh dưỡng Lâm sàng sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề khi cho trẻ ăn phô mai.
Hàm lượng dinh dưỡng trong phô mai
Phô mai là một trong các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đối với trẻ nhỏ, có mùi vị hấp dẫn và dễ kết hợp, chế biến thành nhiều món ăn trẻ thích thú. Theo bác sĩ Bích Thủy, phô mai cung cấp một lượng lớn chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện: canxi, protein, chất béo, đạm và các loại vitamin.
- Canxi
Canxi là một trong các thành tố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển xương của trẻ. Những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa như phô mai là nguồn bổ sung canxi tuyệt vời cho cơ thể của trẻ. Cứ 100gam phô mai cung cấp 600mg canxi.
“Với cùng một liều lượng, phô mai có chứa lượng canxi cao gấp 6 lần trong sữa, gấp 100 lần lượng canxi có trong các loại thịt. Ngoài ra, trong phô mai còn chứa vitamin D nhưng với một lượng thấp (100gr phô mai chứa 0,75μcg vitamin D) giúp cơ thể trẻ hấp thu canxi vào xương”, bác sĩ Thủy cho biết.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Bích Thủy- Viện Dinh dưỡng Lâm sàng |
- Protein
Protein là một thành phần thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Nó cung cấp năng lượng và giúp cơ thể bé hình thành cơ, xương cũng như các tế bào cơ thể. Trong phô mai chứa hàm lượng protein rất cao (100gam phomai cung cấp ≈11gam đạm), được xếp vào nhóm thực phẩm giàu protein.
- Chất béo
Chất béo giúp tổng hợp chất xám của hệ thần kinh, thiết lập màng tế bào, hấp thu và vận chuyển các chất dễ tan trong dầu như vitamin A, E, D, K. Trong 100gam phô mai có thể cung cấp cho cơ thể tới 23,5g chất béo.
- Các loại vitamin
“Nguồn vitamin B1 và B12 có trong phô mai ngoài việc giúp cơ thể khỏe mạnh, còn kích thích sự phát triển của tế bào da. Thêm vào đó, vitamin cũng hạn chế những căn bệnh phổ biến trên da của trẻ như ngứa và dị ứng. Đặc biệt, phô mai chứa nhiều vitamin A, có tác dụng trong việc duy trì thị lực, giúp tăng cường sức khỏe của niêm mạc và giác mạc. Do vậy, rất tốt trong việc đảm bảo vấn đề thị lực của trẻ”, bác sĩ Thủy chỉ rõ tác dụng của các loại vitamin có trong phô mai.
Bác sĩ Thủy cho biết thêm, phô mai kích thích việc sản xuất nước bọt trong miệng, giúp loại bỏ thức ăn dính lại trên răng. Ngoài ra, chất casein trong phô mai giúp bảo vệ men răng, ngăn chặn sâu răng ở trẻ nhỏ.
Sử dụng phô mai đúng cách cho trẻ nhỏ
Khi cho trẻ ăn phô mai, cần cho bé ăn đúng cách để hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Theo bác sĩ Bích Thủy, nên sử dụng phô mai như một loại thực phẩm bổ sung, không thay thế các thực phẩm chính như sữa mẹ và sữa. Tuyệt đối không cho trẻ ăn quá nhiều.
Đồng thời, không cho trẻ ăn phô mai trước khi đi ngủ hoặc trước bữa ăn vì cho ăn trước khi đi ngủ, trẻ rất khó tiêu hóa, dẫn đến việc khó tiêu, chướng bụng và khó ngủ. Còn ăn trước bữa ăn, trẻ sẽ no bụng và bỏ bữa chính.
Bác sĩ Bích Thủy nhấn mạnh: “Các mẹ có thể cho trẻ ăn phô mai khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm (6 tháng tuổi). Tuy nhiên, chỉ nên cho trẻ ăn từ từ từng ít một và thăm dò phản ứng của con. Nếu thấy trẻ xuất hiện dấu hiệu lạ, mẹ cần tạm ngưng và hỏi ý kiến bác sĩ”.
Trong phô mai chứa cholesterol, nhiều chất béo bão hòa và muối không tốt cho sức khỏe của trẻ. Vì vậy, các mẹ cần chú ý tới liều lượng khi cho trẻ ăn.
Trong phô mai chứa cholesterol, nhiều chất béo bão hòa và muối không tốt cho sức khỏe của trẻ. (Ảnh minh họa)
- Phô mai tươi màu trắng dạng kem
5-6 tháng: 13 g/lần
7-8 tháng: 20-24 g/lần
9-11 tháng: 24 g/lần
12-18 tháng: 24-29 g/lần
- Phô mai miếng, viên
7-8 tháng: 12-14 g/lần
9-11 tháng: 14 g/lần
12-18 tháng: 14-17 g/lần
Trường hợp không nên cho trẻ ăn
Bác sĩ Bích Thủy khuyến cáo, không phải trẻ nào tới thời kì ăn dặm cũng có thể cho ăn phô mai. Khi trẻ có vấn đề thuộc những trường hợp sau, các mẹ không nên cho trẻ ăn:
- Các trẻ có vấn đề tiêu hóa như đầy bụng, tiêu chảy: Phô mai có thể làm cho các bệnh này có khả năng trầm trọng hơn, có thể phản ứng mạnh dễ dẫn tới dị ứng.
- Trẻ bị suy thận, đau tim và những bệnh liên quan tới xương.
- Trẻ bị tiểu đường, thừa cân, béo phì, tăng canxi huyết.
- Trẻ có cơ địa dị ứng khi sử dụng phô mai.
Cách chọn phô mai chuẩn
Để chọn được một loại phô mai chuẩn dành cho trẻ, các mẹ nên dựa vào tiêu chí sau:
- Chọn chủng loại phù hợp ( tuổi, mùi vị), dành cho trẻ em, nhất là loại phô mai dành cho bé dưới 1 tuổi phải có hàm lượng chất béo không vượt quá 20%
- Chọn các loại phô mai nhạt (có hàm lượng muối thấp) như phô mai của Pháp…khi mở ra màu sắc bình thường, có mùi thơm.
- “Trong khi loại phô mai tươi rất đa dạng về chủng loại, tuy nhiên nó ít phổ biến hơn. Dù lựa chọn sử dụng phô mai thường hay phô mai tươi, khi mua cũng cần xem kỹ bao bì sản phẩm, nhà sản xuất thường ghi rõ thời gian sử dụng và cách bảo quản của từng loại, nên phô mai phải được bảo quản đúng hướng dẫn của nhà sản xuất ( tránh bị mốc)”, bác sĩ khuyến cáo.
- Chọn các nhà sản xuất có uy tín trên thị trường, không nên ham các loại phô mai quá rẻ có thể là không rõ nhà sản xuất, hàng sắp hết hạn sử dụng hoặc bắn lại hạn sử dụng khi đã hết thời hạn.