Trong những câu chuyện phiếm của đồng nghiệp, tôi vẫn thường được tấm tắc khen là nhà có phúc, vợ đẹp, con ngoan.
Trong những câu chuyện phiếm của những chiến hữu mày râu cùng cơ quan, tôi vẫn thường được tấm tắc khen là nhà có phúc, vợ đẹp, con ngoan. Tôi chỉ cười, không nói gì, chứ thực ra trong lòng tôi vui sướng lắm chứ.
Tôi tự thấy hài lòng về gia đình mình, đặc biệt là 3 đứa con vừa ngoan ngoãn, học giỏi, lại vừa khỏe mạnh, đáng yêu. Nhưng đó không phải là tốt số hay có phúc, vì để nuôi dạy được những đứa con ưu tú như vậy là cả một quá trình “trường kỳ kháng chiến” đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và nhất là phải có “chiến thuật” của bố.
Mẹ không phải là ô-sin
Tôi chưa khi nào để vợ làm tất cả những công việc nhà một mình. Bình thường, dù không phân chia cụ thể nhưng chúng tôi ngầm quy định với nhau là nếu vợ tôi nấu cơm thì tôi sẽ là người rửa bát. Tôi không cho rằng coi rửa bát, nấu cơm sẽ làm giảm đi cái uy của một người đàn ông.
Vợ chồng tôi thỏa thuận tuyệt đối không bao giờ cãi nhau hoặc tranh luận gay gắt trước mặt con mà lúc đó, chúng tôi sẽ tự hiểu là “chúng ta sẽ nói chuyện sau, khi bọn trẻ đã đi ngủ”. Vì thế mà gia đình tôi hiếm khi xảy ra mâu thuẫn.
Và quan trọng hơn, đó là tôi luôn làm mọi thứ để vợ được hạnh phúc. Cả tuần chăm lo cho 4 bố con, có người phụ nữ nào là không mệt mỏi. Do đó, cuối tuần một là tôi đưa cả nhà đi chơi, hai là để vợ đi mua sắm, massage hoặc dành cho vợ một ngày nghỉ ngơi ở nhà, còn tôi sẽ đóng vai làm vợ 1 ngày. Với tôi, khi vợ hạnh phúc, thì các con cũng sẽ hạnh phúc. Và không lý do gì mà tôi không mãn nguyện khi thấy vợ con mình hạnh phúc cả.
Tôi luôn tranh thủ chơi với con để vợ có thời gian nghỉ ngơi (Ảnh minh họa)
“Luôn luôn lắng nghe – luôn luôn thấu hiểu”
Khi các con còn bé, bất cứ khi nào ở nhà, tôi cũng dành thời gian cho các con. Tôi thường lắng nghe tất cả những câu chuyện của con mình, kể cả nó có vớ vẩn hoặc nhàm chán đến đâu bởi tôi muốn tạo thói quen chia sẻ giữa hai bố con ngay từ khi con còn nhỏ.
Khi các con đã lớn, đi học bán trú cà ngày, tôi thì đi làm về muộn, mấy bố con ít có thời gian cho nhau. Do đó, cuối tuần, tôi thường dành cả ngày để cùng làm việc nhà, cùng nấu một bữa thân mật với vợ và các con. Hai vợ chồng tôi vừa ăn cơm vừa nghe kể những chuyện ở trường lớp của các con.
“Chia tay” rượu bia, “kết bạn” với thể thao
Trước khi kết hôn, tôi thoải mái sống với những thói quen thiếu lành mạnh của mình. Nhưng từ sau khi lấy vợ và có kế hoạch sinh con, tôi quyết định hạn chế rượu bia và đặc biệt là nói không với thuốc lá.
Không những thế, tôi còn chăm chỉ ăn uống điều độ và luyện tập thể thao. Các con tôi thấy bố làm gương cũng noi theo, sáng sáng cùng bố đạp xe, chiều tối ra cổ vũ bố đá bóng, ăn cơm xong cả nhà lại cùng nhau đi bộ dưới sân chung cư.
Dạy con tự đứng lên
Còn nhớ hồi Bin nhà tôi tập đi, những lần đầu vấp ngã, tôi còn đỡ con dậy. Nhưng với những lần sau, tôi sẽ khuyến khích để con tự đứng lên và bước tiếp chứ không chạy vồ đến để đỡ và xuýt xoa.
Từ đó trở đi, với bất cứ vấn đề gì, tôi thường không trực tiếp giúp con mà chỉ đưa ra cho con những gợi ý, hướng dẫn, lời khuyên để con có thể tự giải quyết vấn đề của mình.
Sẵn sàng nói “Xin lỗi/ Cảm ơn con”
Khi con hoàn thành tốt một việc nào đó, một lời khen ngợi không bao giờ là thừa. Nếu đó là việc con làm cho tôi, khiến tôi vui vẻ, thoải mái, tôi sẵn sàng nói cảm ơn con. Tôi muốn con nhận thấy giá trị của chính mình và biết rằng khi làm việc tốt con sẽ nhận được sự cảm kích từ người khác. Như thế cũng có nghĩa là tôi cũng gián tiếp khuyến khích con làm việc tốt.
Có thưởng thì phải có phạt. Nếu phạm lỗi, con cần phải biết xin lỗi và tìm cách sửa sai. Tuy nhiên phạt con cũng cần phải đúng cách, tôi không la mắng hay phạt con ở chốn đông người mà đợi khi về đến nhà mới phân tích và phạt con. Ngược lại khi tôi sai, ví dụ như khi trách nhầm con, tôi cũng sẵn sàng nói “Ba xin lỗi”. Tôi muốn con biết rằng ai phạm lỗi cũng cần phải xin lỗi và đó là điều đáng khen.
Cái gì cũng có giá của nó
Khi con còn nhỏ, tôi thường “giao kèo” với các con rằng nếu chúng muốn một món đồ chơi hay một bộ quần áo mới thì phải giúp bố mẹ làm một việc gì đó như quét nhà, đấm lưng, hay rửa rau thì mới được đáp ứng.
Khi các con lớn hơn, hàng tháng, tôi chỉ cho mỗi đứa một số tiền nhất định và chúng sẽ chỉ được tiêu trong khoản đó, không chấp nhận cho thêm dù là bất cứ lý do gì. Đương nhiên, nếu muốn có thêm thì chúng phải làm việc để được trả công.
Tôi kể ra đây một số điều không phải là để khoe khoang hay ba hoa gì cả. Tôi chỉ muốn chia sẻ một chút về gia đình mình và những gì tôi đã làm để giữ gìn hạnh phúc. Là đàn ông, tôi thấy đây đều là những việc đơn giản, ai cũng có thể làm được, chỉ có điều muốn hay không mà thôi.