"Ngọc nữ" Hellen Thủy có xứng đáng là Thần tượng Bolero hay không đang là câu hỏi nhiều khán giả đặt ra sau khi cô đăng quang ngôi vị cao nhất. Ngoài giọng hát bị cho là không phù hợp, Hellen Thủy còn dính nghi vấn được ưu ái vì nhiều lý do.
Nhờ vào huấn luyện viên?
So với ba thí sinh còn lại là Triều Quân, Ngọc Sơn và Phương Liên thì Hellen Thủy có lợi thế sở hữu bề ngoài sáng sân khấu, được đào tạo thanh nhạc bài bản tại Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Cô cũng đã từng thi Sao Mai 2015 và có mặt trong Top 9 Toàn quốc dòng nhạc Dân gian.
Tuy nhiên, đăng quang chưa lâu, quán quân Thần tượng Bolero đã vấp phải sự phản đối khán giả, thậm chí nhiều người còn kêu gọi tẩy chay chương trình vì chiến thắng được cho là thiếu thuyết phục này.
Thực tế, ngay trong lần xuất hiện đầu tiên trên sân khấu Thần tượng Bolero, Hellen Thủy ngay lập tức đã gây tranh cãi vì tiết mục được cả 4 huấn luyện viên tìm mọi cách "tranh giành".
Ở vòng thi Bán kết, "ngọc nữ" tiếp tục đối diện với nhiều chê bai khi hát ca khúc "Duyên phận" và "Vùng lá me bay" thiếu mượt mà, truyền cảm.
Quán quân Hellen Thủy
Kết quả chung cuộc của học trò Đàm Vĩnh Hưng được nhiều khán giả lý giải rằng nhờ lượng fan tăng đột biến trước đêm chung kết mới "hậu thuẫn" cho kết quả bất ngờ của Hellen Thủy. Chưa kể, không ít phán đoán cho rằng, ngay cả lượng fan tăng đột biến cũng là nhờ vào sức ảnh hưởng của Đàm Vĩnh Hưng nếu không "ngọc nữ" không thể vượt mặt các ứng viên ở đội Ngọc Sơn và Quang Lê.
Về phần Đàm Vĩnh Hưng, nam ca sĩ cho rằng tranh cãi trái chiều là điều bình thường ở showbiz. Trong khi đó, Hellen Thủy tâm sự cô sẽ tiếp thu những ý kiến trái chiều. "Sau này, tôi sẽ cố gắng để có thể hát chuẩn Bolero và được khán giả đón nhận", quán quân chia sẻ.
Phản ứng trước chuyện này, trong clip livestream trên Facebook cá nhân, Đàm Vĩnh Hưng không ngần ngại kêu gọi fan vào Fanpage chính thức của Thần tượng Bolero để lại bình luận tốt hay khen ngợi thầy trò mình. Bên cạnh đó, nam ca sĩ không quên gửi lời cảm ơn các FC và fan để nhắn tin bình chọn cho học trò.
Chứng kiến Hellen Thuỷ giành kết quả bình chọn cao nhất, trên mạng xã hội, đặc biệt là các phản hồi trên Fanpage chương trình còn xuất hiện tin đồn cho rằng gia đình có tiềm lực về kinh tế nên đã "mua giải".
Tuy nhiên, nữ ca sĩ khẳng định mình xuất thân từ một gia đình làm nông ở Bình Thuận. Gia đình cô nghèo đến mức bố mẹ phải rất vất vả mới có thể lo cho con ăn học chu đáo. Mỗi buổi đi học về, Hellen Thủy vẫn phụ bố mẹ làm nông, chân lấm tay bùn chứ không có điều kiện được "hậu thuẫn" về kinh tế.
Bolero không cần cách tân?
Đó là câu hỏi đang được đặt ra khi lối hát cách tân Hellen Thủy theo đuổi suốt cuộc thi được tôn vinh. Đương nhiên, cả huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng với quá trình "hát Bolero một cách khác biệt" cũng gây tranh cãi.
Một số chuyên gia âm nhạc cho rằng, nếu xét về chất giọng, sự truyền cảm và độ mùi mẫn đặc trưng của dòng nhạc thì Helen Thủy thua Hồ Phương Liên của đội huấn luyện viên Ngọc Sơn.
Với bản mash up đến ba ca khúc: Chuyện tình không dĩ vãng - Người tình không đến - Ai khổ vì ai trong đêm chung kết, Helen Thủy buộc phải nhiều lần dùng giọng gió để hoàn thành tiết mục.
Trong khi đó, quan niệm của nghệ sĩ, khán giả của dòng nhạc Bolero thì yếu tố cơ bản nhất, người hát phải thể hiện một cách mộc mạc, giản dị nhất. Với quan niệm đó, Helen Thủy đã không thuyết phục được đa số công chúng.
Câu hỏi giữ đúng chuẩn mực của Bolero hay cách tân, sáng tạo đến bây giờ những quan niệm đối nghịch vẫn chưa ngã ngũ, kể cả trong giới học thuật.
Như vậy để thấy rằng, dẫu gì, Hellen Thủy cũng đã chọn một con đường khó, khán giả không dễ tiếp nhận và sự nỗ lực của cô có phần khác biệt với lý do khiến Bolero tồn tại tới tận ngày hôm nay. Đó cũng lý giải vì sao vừa đăng quang mà cô gái này đã bị "ném đá" nhiều đến vậy.
HLV Đàm Vĩnh Hưng và "học trò"
Nếu so sánh các chương trình truyền hình có chủ đề Bolero, có thể nhận thấy rằng, cuộc thi Thần tượng Bolero tuy có tên gọi "hoành tráng" bậc nhất song tinh thần của dòng nhạc thì lại đuối hơn tất cả chương trình còn lại.
Ví dụ, Đài Truyền hình Vĩnh Long, tuy ở quy mô địa phương nhưng các chương trình như: Tình Bolero, Tình Bolero Hoan ca... là một điểm nhấn đáng nể. Ở đó kết hợp được tính phong phú và thống nhất.
Phong phú ớ chỗ, nhiều thí sinh xuất thân khác nhau, phần lớn họ không được đào tạo bài bản; ban giám khảo cũng đa dạng, không nhất thiết phải là nghệ sĩ biểu diễn mà có cả hoa khôi, hoa hậu... nhưng thống nhất ở tinh thần Bolero thể hiện từ cách bài trí sân khấu, cách chọn gương mặt MC, cách quyết định gương mặt đăng quang ngôi vị cao nhất.
Nhờ đó, những chương trình này thường không vấp phải tai tiếng, hoài nghi sau khi đêm chung kết khép lại.
Cũng bởi câu chuyện mỗi chương trình có một tiêu chí, mục đích riêng nên trong quá trình chọn quán quân, nếu xảy ra tranh cãi thì mọi "gạch đá" đều không nên chỉ nhằm vào thí sinh.
Trên hết, ngoài ban giám khảo, khán giả thì những người tổ chức chương trình là yếu tố không kém phần quan trọng trong việc cân nhắc về gương mặt chiến thắng. Thông thường, đã là một cuộc thi, một chương trình sống nhờ rating... xác xuất của cái gọi là ngẫu nhiên hay may mắn thường vô cùng hiếm gặp.