Trong nhiều chương trình gameshow gần đây, những hoàn cảnh éo le, những chiêu trò sắp xếp làm nổi bật thân thế đau khổ của thí sinh khiến khán giả Việt thầm nghĩ "chẳng có lẽ chất lượng thí sinh được đánh giả chỉ bằng lòng thương cảm".
Những chương trình truyền hình thực tế du nhập về Việt Nam đã lâu và chúng trở thành một "món ăn" tinh thần lạ miệng khiến khán giả thích thú. Nhưng sau nhiều năm oanh tạc trên sóng truyền hình nhiều gameshow đã không thể níu chân khán giả. Một phần vì khán giả đã hết lạ miệng với những "món ăn" này, một phần nữa là nhà sản xuất đang khiến chất lượng thí sinh chỉ đánh giá qua lòng thương hại khiến công chúng quá liều sinh ngán.
Dẫu biết rằng, những chương trình ở những nước "mẹ đẻ" ra chúng, format vẫn diễn ra câu chuyện như vậy nhưng nếu lạm dụng quá đà thì sự việc này như một "con dao hai lưỡi" khiến công chúng quay lưng mà thí sinh tham gia bị tổn thương nặng nề. Đặc biệt, khi chiêu trò dàn dựng sắp xếp gia cảnh của thí sinh bị khai thác triệt để sẽ khiến khán giả quen thuộc kịch bản, tự biết diễn biến nên không còn thấy hấp dẫn nữa, thậm chí còn đặt ra các câu hỏi nghi ngở ở phía sau.
Nhãn tiền hai thí sinh bị tố dàn dựng
Đã có hai thí sinh bị khán giả tố cáo vì sự dối trá, đó là thí sinh Anh Thúy (cựu thành viên nhóm nhạc Mây Trắng) và thí sinh Mai Thái Anh. Tất cả đều góp mặt trong gameshow thực tế X-factor có tên tiếng Việt là Nhân tố bí ẩn.
Thí sinh Mai Thái Anh đã phải chọn quyên sinh vì quá áp lực?
Gần đây nhất, trong tập 3 của chương trình X-factor 2016, Mai Thái Anh đã gây được sự chú ý của khán giả. Tuy giọng hát không quá đặc biệt, nhưng Mai Thái Anh hút người xem bởi hoàn cảnh éo le của mình. Theo đó, chàng trai này tâm sự mình bị trầm cảm và âm nhạc giúp anh vượt qua nỗi buồn, nỗi cô đơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngay khi chương trình lên sóng, khán giả nhận ra Mai Thái Anh chính là chàng trai Trần Nguyên Bảo từng tham dự Vietnam Idol 2015.
Nhiều khán giả còn tố thí sinh này chính là chàng trai có quê ở Hưng Yên, cuộc sống của thí sinh này không giống như những gì anh chia sẻ trên X-factor. Chính điều này đã khiến dư luận lên án mạnh mẽ và ném đá để đến mức Mai Thái Anh phải quyên sinh vì quá áp lực.
Tuy nhiên điều đáng quan tâm nhất chính là thí sinh này đã viết một tâm thư trước khi quyết định dại dột. Trong thư, Mai Thái Anh viết: “Đến cuối cùng thì bản thân cũng chỉ là một vật dùng xong rồi bỏ, cũng chỉ là thứ để mọi người nhìn vào dè bỉu như cặn bã mà thôi. Suốt 20 năm bị cuộc đời quay lưng lại, có lẽ chắc cũng đã đến lúc quay lưng lại với cuộc đời rồi. Sức chịu đựng của một người cũng có giới hạn, mọi chuyện có lẽ nên kết thúc tại đây thôi, xem như là tìm một lối thoát cho bản thân. Chị ơi, em đến với chị đây!”.
Ca sĩ Anh Thúy cũng rơi vào vòng xoáy "gia cảnh" để câu kéo lòng thương hại của công chúng.
Cũng như thí sinh Mai Thái Anh, hai năm trước thí sinh Anh Thúy (Mây Trắng) cũng bị khán giả la ó quay lưng khi trong tập đầu tiên của chương trình X-factor thí sinh này đeo mặt nạ lên ứng thi. Và cô tự nhận bản thân mình là Huyền Minh để che mắt công chúng. Chính bởi giọng hát hay cùng hoàn cảnh éo le, thí sinh này đã được khán giả ủng hộ.
Nhưng sau rốt, người ta đã phát hiện ra cô là một ca sĩ và cô cũng chẳng có hoàn cảnh éo le như đã trình bày. Và một loạt "gạch đá" chính thức bay vào đầu nhân vật chính, còn chương trình vẫn "hot" như bình thường. Mặc dù nhà sản xuất lên tiếng thanh minh nhưng sau rốt khán giả vẫn chán ghét vì sự quản lý tuyển chọn thí sinh lỏng lẻo và trên hết, chương trình đang biến những sân chơi trở thành một sân khấu lấy nước mắt người xem.
Chất lượng thí sinh, giá trị con người nằm ở đâu?
Gameshow chính là một cuộc chơi dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, bộ môn thi đấu nào đều có kẻ thắng người thua và kết quả sẽ dành cho người có giá trị, tài năng nhất. Và theo quy luật truyền thống, giá trị của mỗi người thi đấu đều nằm ở cái cốt cách và tài năng cũng như những đặc điểm tốt đẹp khi họ thể hiện trên sàn đấu. Ấy vậy mà ở những gameshow thực tế trên truyền hình những năm trở lại đây, dường như các đơn vị tổ chức đang biến tướng người chơi thành những "con rối" không hơn không kém.
Khán giả đang sợ những giọt nước mắt của nhiều thí sinh.
Chương trình nào cũng xuất hiện những hoàn cảnh gây xúc động cho người xem, người thì bệnh tật, người có gia cảnh khốn cùng, người lại có hoàn cảnh éo le... Tất cả những đặc điểm tưởng chừng là tiêu cực nhất của mỗi thí sinh lại được xem là điểm cộng trong mắt người tuyển chọn. Rõ ràng, ở đây khi tham gia những sân chơi này, tài năng - cái giá trị lớn nhất của một cuộc chơi dường như lại bị xem nhẹ, hoặc vì không đủ để coi trọng nên các yếu tố khác được đưa lên làm điểm nhấn.
Hơn hết, khi thu hút người xem, người ta không ngại dàn dựng những bi kịch như trên. Điều này phần nào chứng tỏ giá trị của mỗi thí sinh trong mắt khán giả chính là lòng thương cảm. Ai được thương cảm nhiều thì giá trị cao hơn và ngược lại. Để rồi cuối cùng cái giá trị lớn nhất là tài năng bị lu mờ dần và thay vào đó là những câu chuyện bên lề đầm đìa nước mắt gây nhiễu sóng cho người xem.
Khi giá trị một con người được đánh giá bằng lòng thương cảm, phải chăng nhà sản xuất các gameshow đang vô tình hành xử thiếu tôn trọng thí sinh và khán giả. Và để rồi, lòng thương cảm, sự đánh giá bằng cảm xúc ấy khiến cho các sân chơi ít tài năng và nhạt nhẽo hơn bao giờ hết. Có lẽ nhà sản xuất cũng chẳng cần quan tâm đến điều đó bởi chỉ cần lượng người xem đông đảo họ đã hốt được doanh thu khủng từ quảng cáo còn thí sinh, khán giả thì thân ai tự người ấy lo!