Người điên sót lại của thế kỷ 20 là lời mà một đồng nghiệp dành “tặng” cho Kim Oanh.
Lòng vòng cũng lắm nguyên do…
Định hình là một diễn viên chuyên vào những vai lẳng, ác cả trên phim ảnh lẫn sân khấu… nhưng từ 5 năm nay, Kim Oanh lại gắn liền với một vị trí mới: Biên tập tại phòng Sân khấu của VTV. Đó là điều lý giải cho đường đi nghe có vẻ lòng vòng của chị: Từ diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ chuyển sang VTV, đi học Đạo diễn điện ảnh chính quy và hiện đang chuẩn bị tốt nghiệp Thạc sĩ Sân khấu.
Đơn giản, chị muốn học đạo diễn sân khấu, nhưng thời điểm ấy, là một diễn viên được việc của nhà hát Tuổi Trẻ, nếu vừa đi học vừa làm ở nhà hát thì không thể sắp xếp được thời gian. Và đến khi, thấy cần phải học, chị đầu quân cho VTV để có thể ổn định về mặt thời gian. Về đài, chị vẫn làm sân khấu, nhưng là phòng sân khấu trên truyền hình. Vậy là cần phải biết cách điều khiển máy móc, cộng tác với quay phim, thế là quyết định học đạo diễn điện ảnh. Và vì vẫn làm phòng Sân khấu nên tốt nghiệp, chị lại theo cao học ngành Sân khấu.
Sân khấu nhớ quá thì… chơi!
Sân khấu ở truyền hình hoàn toàn khác với những năm tháng đồng hành trên sàn diễn của Kim Oanh. Nếu ở nhà hát, vở diễn phải có vấn đề, kịch tính mạnh mẽ mới hấp dẫn thì ở truyền hình, quá gai góc lại thành nhạy cảm. Tưởng khao khát đã gạt đi khi rẽ con đường khác, hóa ra nó luôn âm ỉ trong mình.
May mắn, Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn không quên chị. Hai nghệ sỹ Chí Trung và Anh Tú thi thoảng vẫn mời chị cộng tác nhưng tất nhiên, vở mới, vai hay thì không đến lượt bởi phải dành cho người của nhà hát. Điều đó làm chị hơi buồn. Đơn giản, chị vẫn nghĩ mình là một diễn viên, vẫn muốn được hóa thân với những vai mình thích. Vậy thì chơi, tự đầu tư vở diễn, thích vai gì thì tự chọn, mời đạo diễn, mời bạn diễn, những người yêu sân khấu cùng chơi nghề.
Kim Oanh làm sân khấu vì thích. Nhiều người bảo, sao Oanh không trở thành bà bầu như Hồng Vân ở miền Bắc? Vừa chơi, vừa kinh doanh lại nuôi được quân của mình. Chị bảo: “Không bao giờ mình làm được như chị Hồng Vân, chị kiếm tiền và sống bằng sân khấu, còn Kim Oanh cũng sống bằng sân khấu nhưng là sống bằng… tinh thần”. Những vở diễn Oanh hướng tới là kịch tâm lý, Oanh thích nhân vật phải dữ dội bên trong và có những cú sốc tình cảm, tâm lý. Oanh thích nhiều vật bi kịch, nhưng sẽ từng bước làm. Kịch bản ít người là lựa chọn số 1, vì Oanh không phải nhà đầu tư lớn. Nhân vật càng ít lại càng có sức nặng, khi không có gì để khỏa lấp sân khấu, người diễn viên thả sức sáng tạo và từng bước chinh phục khán giả - vị quan tòa toàn quyền phán quyết.
600 triệu là con số thực tế để có thể ra đời vở diễn Mùa hạ cay đắng của chị. Nhưng may mắn, được Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh và Nhà hát Tuổi Trẻ hỗ trợ nên số tiền chị bỏ ra chỉ là hơn 100 triệu. Vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu toàn quốc 2012 và được giải Bạc. Thế nên, nếu nói về tiền thì lỗ nặng nhưng về tinh thần thì… lãi to bởi qua đó, ngoài khẳng định vai diễn thì còn là tấm lòng của những bạn bè ở Nhà hát tuổi trẻ, nơi cô đã rời đi nhưng tình cảm thì mãi còn vương lại.
Đừng nhìn mặt mà bắt hình dong
Trên phim, toàn vai đanh đá. Ngoài đời, nhìn chẳng dễ bắt nạt. Liệu Oanh “cong” có phải là biệt hiệu xuất phát từ sự cong cớn? Thế nhưng, trong cuộc sống, chị thường chọn cách “nhìn lại mình” khi đối mặt với những va đập của cuộc sống, của thị phi.
Năm 2009, vở diễn đầu bị phá. Chị đành phải bỏ. Tiền, công sức, niềm tin cũng tan vỡ theo. Nhiều người nói: “Làm con Oanh nó thù thì chết!”. Nhưng chị lại rất thông cảm, chỉ trách mình không biết chọn người hoặc “chắc do mình ăn ở không ra gì”. Chị bảo, mình là người luôn đặt niềm tin vào người khác và vào việc mình chuẩn bị làm, kể cả khi biết người ta lừa mình chị vẫn không mất lòng tin vào cuộc sống. Trong 10% thành công của mình chị luôn dành lời cảm ơn cho những người ghét mình, “dìm hàng”, nói xấu. Đơn giản, đó là chất kích thích đẩy chị lên, thôi thúc, khiến chị phải tiếp tục tiến lên. Cũng vì thế mà nhiều người ghét chị chăng? Những người yêu chị ít lắm, như anh Anh Tú, anh Chí Trung, chị Ngọc Huyền… họ hiểu chị yêu nghề, sẵn sàng hy sinh thời gian, tiền bạc cho nó. Chị luôn trân trọng tình cảm của họ dành cho Kim Oanh.
“Đam mê thì dễ, yêu thì khó”. Lời của nghệ sỹ Anh Tú lúc nào cũng là kim chỉ nam với tôi: “Em phải yêu nghề thì nghề mới yêu em, đừng bao giờ chưa yêu mà bảo nghề nó bạc. Nghề không bạc với ai nếu người ấy yêu nghề thực sự”. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là yêu, là dành thời gian, tâm huyết, sướng khổ cùng “nó”. Có ai thấy ta sướng, khổ cùng họ mà lại bỏ ta đi. Họ có thể bỏ ta… khi chưa nhận ra, nhưng đã nhận ra thì sẽ không bao giờ bỏ… |