Luật sư nêu ý kiến về vụ việc cô bé Phạm Thị Mỹ Linh xảy ra tai nạn khi thi lột dừa với võ sư Kungfu Kim Tuấn trong chương trình Song đấu.
Trong chương trình Song đấu phát sóng tuần qua đã diễn ra màn thi đấu kịch tính giữa võ sư Kungfu Nguyễn Kim Tuấn (50 tuổi) và cô bé Phạm Thị Mỹ Linh (16 tuổi). Cả hai cùng so găng với màn "Ai lột dừa nhanh hơn".
Võ sư Kim Tuấn đã từng ghi danh vào kỷ lục lột dừa bằng răng nhanh nhất Việt Nam. Trong khi cô bé Mỹ Linh đến từ Bến Tre có công việc thường ngày là lột vỏ dừa kiếm tiền phụ giúp gia đình. Mỗi ngày em có thể lột 1.200 trái dừa bằng cây nầm (dụng cụ lột vỏ dừa bằng thép, có hình dạng giống như dao phay).
Cô bé Mỹ Linh đến từ Bến Tre, hàng ngày phải mưu sinh bằng nghề lột vỏ dừa.
Đối đầu với Mỹ Linh trong chương trình "Song đấu" là kỷ lục gia Kim Tuấn.
Ở cuộc đấu này, võ sư Kim Tuấn tiếp tục lột vỏ dừa bằng răng, còn Mỹ Linh sử dụng tay và chiếc nầm. Trong quá trình thi, Mỹ Linh đã bị thương ở tay và thua trước võ sư Kim Tuấn. Bên cạnh đó, võ sư Kim Tuấn cũng bị gãy một chiếc răng.
Ngay sau khi màn lột dừa của Song đấu phát sóng, đã có nhiều ý kiến phẫn nộ, trái chiều về vụ việc. Nhiều ý kiến không đồng tình với việc đưa trò chơi nguy hiểm này lên sóng truyền hình, đặc biệt là tuyển chọn những đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi như cô bé Mỹ Linh.
Clip màn thi lột dừa giữa võ sư Kim Tuấn và cô bé Phạm Thị Mỹ Linh.
Bản quyền video thuộc VTV
Rất nhiều khán giả đã dấy lên tranh cãi về vệc nhà sản xuất Song đấu tuyển chọn trẻ em như Mỹ Linh tham gia trò chơi nguy hiểm trên truyền hình có phạm luật hay không.
Màn thi đấu gay cấn giữa hai "siêu nhân".
Một độc giả đã thu hút hàng nghìn chia sẻ của cư dân mạng khi nêu quan điểm: "Đó là trò giải trí bất nhẫn. Trong khi người lớn cổ vũ hò reo thì Mỹ Linh phải hì hục lột dừa với mũi nầm sắc bén. Dưới ánh đèn sân khấu, trước hàng trăm cặp mắt phấn khích của khán giả trường quay, trước một đối thủ dạn dày kinh nghiệm, làm sao một bé gái 16 tuổi suốt ngày quanh quẩn mưu sinh trong xóm lại có thể bình tĩnh, giữ được tâm lý thoải mái như lúc lột vỏ dừa ở nhà? Mỹ Linh phải chịu quá nhiều áp lực. Nhìn mũi nầm nhọn hoắc, tôi hết sức lo lắng, cuối cùng điều tồi tệ mà tôi nghĩ đã xảy ra: Em bị nầm đâm vào tay, phải buông trái dừa ôm bàn tay chảy máu, chịu thua và chịu đau! Tôi còn đau hơn em khi MC Đại Nghĩa và cả khán phòng khi đó vẫn cứ sôi sùng sục, mải mê cổ vũ cho võ sư Kim Tuấn, không thấy ai có phản ứng gì trước tai nạn của Mỹ Linh!" |
Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng:
"Theo luật về quyền của trẻ em thì trẻ dưới 18 tuổi như Mỹ Linh phải được chăm sóc và bảo vệ về mặt tinh thần - thể chất, và cao hơn, tính mạng sức khỏe của mỗi người là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, chắc chắn khi tham gia trò chơi này, Ban tổ chức đã yêu cầu bố mẹ (người giám hộ hợp pháp) của bé ký các cam kết ràng buộc trách nhiệm. Còn nếu trong trường hợp Ban tổ chức không nhận được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của bé là trái quy định pháp luật, bởi các giao dịch của người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) phải được sự đồng ý của những người này".
Luật sư Tuấn Anh cũng lưu ý: "Mọi người nên phân biệt giữa việc bắt Mỹ Linh lao động và Mỹ Linh đăng ký tham gia trò chơi để xác lập kỷ lục. Nếu chỉ vì một chấn thương nhỏ trong lúc thi đấu mà bức xúc thì tôi nghĩ khó lập được những kỷ lục. Bởi có trẻ còn ít tuổi hơn nhiều, nhưng có những khả năng đặc biệt. Tất nhiên, khi tham gia chương trình thì Ban tổ chức phải bảo đảm độ an toàn cho những người chơi, đánh giá hết mức độ nguy hiểm của trò chơi và lường trước được tình huống đó".
Bé Mỹ Linh đã bị nầm đâm vào tay chảy máu.
Võ sư Kim Tuấn chiến thắng nhưng bị gãy răng.
Tuy nhiên, bản thân luật sư Tuấn Anh nhận thấy, dưới góc độ truyền thông - xã hội thì việc phát sóng các chương trình có sử dụng trẻ em để "câu view" như ở Việt Nam chưa thực sự ổn:
"Bởi nếu chương trình thành công sẽ thu hút được mọi người, còn nếu chỉ cần một chút ảnh hưởng đến các em, thì ngay lập tức sẽ nhận được những thông tin phản hồi mang tính tiêu cực. Nếu dùng các em với mục đích "câu view" thì tôi nghĩ là không nên, các chương trình truyền hình nên cân nhắc.
Hãy để cho các em chơi các trò chơi phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý, tránh các trò chơi cảm giác mạnh, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và sự phát triển tâm sinh lý bình thường của trẻ em. Mặc dù là có thể ngoài đời thực, các em làm thường xuyên việc này nhưng phát sóng lên truyền hình cho cả triệu người xem thì tôi e rằng không ổn", luật sư Tuấn Anh nhận định.
Nhiều khán giả cho rằng, MC Đại Nghĩa cũng như các quân sư và người chơi lúc này chỉ chú ý đến chiến thắng của võ sư Kim Tuấn mà bỏ quên Mỹ Linh...
Thực tế, cô bé được băng bó ngay tại trường quay, tuy nhiên khi lên sóng chương trình đã cắt cảnh này.
Về phía Ban tổ chức, trả lời trên báo chí, bà Đỗ Kim Nhung - điều hành sản xuất chương trình cho biết: “Việc đảm bảo độ an toàn cho đấu sĩ là điều ưu tiên đầu tiên nằm trong kế hoạch sản xuất của chúng tôi. Tại phim trường ê-kíp tôi luôn có bác sĩ túc trực 24/24 khi ghi hình và người chơi tham gia chương trình đã được BTC mua bảo hiểm. Trước đó trong lúc tuyển chọn, đấu sĩ phải gửi về cho BTC giấy chứng nhận kỷ lục, chuyên môn thành thạo”.
Ban tổ chức cũng chia sẻ, tại trường quay, các bác sĩ đã ngay lập tức băng bó và chữa trị kịp thời cho cô bé. Nhưng vì thời lượng phát sóng không cho phép nên hình ảnh tai nạn của bé Mỹ Linh chỉ lướt qua.
Trong chương trình, "quân sư" Trấn Thành đã tặng Mỹ Linh và võ sư Kim Tuấn 10 triệu đồng. Võ sư Kim Tuấn đang bị bệnh tim nhưng đã rất cố gắng mang đến màn trình diễn kịch tính.
Song đấu là chương trình truyền hình lần đầu tiên tại Việt Nam tôn vinh những khả năng phi thường của con người ở nhiều lĩnh vực bằng những màn song đấu đầy kịch tính. Trấn Thành và Việt Hương đảm nhận vị trí "quân sư" trong show này. Chương trình đã lên sóng đến tập thứ 3. Sau màn lột dừa gây tranh cãi trong chương trình Song đấu, theo ê-kíp chương trình, show vẫn sẽ tiếp tục lên sóng với nhiều màn đối đấu gay cấn tiếp theo.