Trở thành Quán quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên, thế nhưng nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ khi biết đến cuộc sống đầy khó khăn, vất vả của gia đình Quang Anh hiện tại.
Để có tiền cho Quang Anh ăn học, thuê phòng trọ, bà Lê Thị Nghĩa (mẹ Quang Anh) đã phải theo con ra Hà Nội ngày đi rửa bát thuê, tối đến lại làm lao công cho một công ty môi trường...
Quang Anh hiện nay.
Chăm chỉ, ngoan ngoãn để không phụ lòng mẹ
Tìm tới gia đình Quán quân Giọng hát Việt nhí năm 2013 tại TP Thanh Hoá vào dịp nghỉ lễ 30/4, hàng xóm cho biết, mẹ Quang Anh - bà Lê Thị Nghĩa - không về quê. Vậy là chúng tôi tìm đến nhà của bố em, sống ngay gần đó. Ông Nguyễn Văn Tâm niềm nở mời chúng tôi vào nhà. Thế nhưng, vừa nghe nhắc đến cuộc sống hiện tại của Quang Anh và gia đình, ông Tâm giọng buồn hẳn. Ông nói: “Sau khi đoạt Quán quân Giọng hát Việt nhí, Quang Anh thi đậu vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Để con có đầy đủ điều kiện học tập cũng như có người chăm sóc, mẹ Quang Anh đã khăn gói cùng con ra Hà Nội thuê trọ rồi làm thêm để có đồng ra đồng vào. Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, hai mẹ con cũng không về nhà được vì trùng dịp Quang Anh ôn thi, còn mẹ cháu cũng phải đi làm không được nghỉ”.
Trong câu chuyện thân tình với chúng tôi, ông Tâm chia sẻ rằng, vợ chồng ông chia tay nhau từ khi Quang Anh mới 5 tuổi, do hoàn cảnh gia đình bấy giờ khó khăn sau đận cháy nhà, rồi vay nặng lãi, vợ chồng hay mâu thuẫn, không hiểu nhau… Thế nhưng, dù không còn sống chung dưới một mái nhà nhưng ông vẫn thường xuyên đi lại và dành tất cả tình yêu thương cho Quang Anh, không để em phải thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa.
Nói là vậy, ông Tâm cũng thừa nhận sự đắn đo, do dự khi Quang Anh nằng nặc đòi dự thi chương trình Giọng hát Việt nhí năm 2013. Phần do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chương trình lại diễn ra tận trong Nam, xa xôi tốn kém nên ban đầu, ông khá băn khoăn khi để con dự thi. Vì hiện tại, ông Tâm đã có gia đình riêng phải lo toan, còn bà Nghĩa khi đó sống với đồng lương công nhân vệ sinh môi trường khá khiêm tốn. Ông bảo, từ nhỏ, Quang Anh đã có niềm đam mê ca hát nên gia đình để em tiếp xúc với các chương trình văn nghệ, các trường trình ca hát do nhà trường, khối phố, hay phường tổ chức… Tuy nhiên, đó là những chương trình mà Quang Anh có thể đăng ký tham dự, hoặc được mời diễn, còn Giọng hát Việt nhí lại vượt ra khỏi tầm tay của gia đình.
Căn nhà Quang Anh được gia đình cho thuê làm kinh doanh.
Khó khăn là vậy, nhưng ông và vợ cũ lại không nỡ dập tắt ước mơ, hy vọng của con với cuộc thi. Để có thể cho Quang Anh tham dự cuộc thi, ông và vợ cũ đã phải gác công việc thay nhau đưa con ra Bắc vào Nam dự thi. “Hôm diễn ra chung kết Giọng hát Việt nhí, cả khu phố đã rộn lên cổ vũ, reo hò. Các gia đình cùng nhau tập trung trước một màn hình chiếu lớn giữa phố để ngồi xem, cổ vũ và nhảy lên vui sướng khi giây phút MC công bố kết quả”, ông Tâm tự hào nhớ lại giây phút soi sáng cuộc sống khó khăn của con trai mình.
Nói cười rồi lại ngậm ngùi khi trở về với thực tại sau ngày đăng quang. Thi đậu vào Học viện Âm nhạc Quốc gia với số điểm ưu nhưng nỗi lo xa nhà, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn đè nặng lên vai người mẹ. Để có tiền thuê trọ, cho Quang Anh theo học, mẹ Quang Anh đành phải xin nghỉ ở Công ty Môi trường Thanh Hoá, khăn gói ra Hà Nội thuê trọ, kiếm việc làm thêm. Ngôi nhà ở Thanh Hóa thì bà ngoại Quang Anh ở, trông nom nhà cửa, đồng thời cho thuê để có thêm đồng ra đồng vào.
Tất cả vì tương lai của con
Bố Quang Anh (bên trái) trao đổi với phóng viên. Ảnh: Ngọc hưng.
Ông Tâm cho biết, Quang Anh vốn cá tính, hiếu động, không chỉ có năng khiếu ca hát bẩm sinh từ nhỏ mà còn học giỏi, chơi tốt các môn thể thao như bóng đá, cầu lông.... Ông Tâm nhớ rõ, khi Quanh Anh mới lên 3 tuổi, vợ chồng ông khi đó vốn yêu văn nghệ nên đã đầu tư mua một dàn karaoke về hát. Cứ tối đến, cả xóm nghèo xung quanh lại tập trung quây quần hát hò vui vẻ. Nghe mãi thành quen, Quang Anh đã thuộc các bài hát từ bao giờ không ai hay biết, chỉ khi em cầm míc hát (bấy giờ em chưa biết chữ) thì ai cũng ngỡ ngàng. Ngạc nhiên hơn, khi Quang Anh có chất giọng hay, nhiều hàng xóm, bạn bè của bố mẹ khi đến nhà hát karaoke, hay liên hoan tiệc tùng đều kéo Quang Anh vào hát trước, nghe cháu hát xong thì mọi người mới bắt đầu hát. Năm 7 tuổi, Quang Anh xin bố mẹ đi thi Liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ. Dù bị loại nhưng cậu bé không hề nản chí và quyết tâm thi tiếp vào năm sau. Năm đó, đang bị ốm, phải truyền nước nhưng Quang Anh vẫn nhất quyết đi thi và đạt được 2 giải: Giải Nhất và giải Nghị lực.
Sau khi đoạt Quán quân Giọng hát Việt nhí năm 2013, hầu như ngày nào gương mặt, tên tuổi Quang Anh cũng xuất hiện trên các mặt báo, truyền hình, đi đâu người dân cũng biết. Sự nổi tiếng của em làm bố mẹ nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng, bạn bè, người thân nhưng đôi khi cũng gây không ít khó khăn, phiền phức như tất cả mọi cử chỉ, hành động của gia đình đều phải cẩn trọng, để ý tránh làm ảnh hưởng đến tên tuổi, sự nghiệp của Quang Anh…
Hiện tại, việc học của Quang Anh khá bận rộn. Ngoài học chuyên ngành ở Học viện, Quang Anh còn học văn hoá, học thêm tiếng Anh, năng khiếu bên ngoài. Quang Anh kể, học trống rất vất vả vì tiếng ồn lớn, nhiều hôm ngày 4 ca, không về ăn cơm cùng mẹ mà phải ăn ở căng tin trường. Cũng bởi thời gian học tập gần như kín mít nên hầu như các show mời diễn, Quang Anh ít tham dự. Thỉnh thoảng Quang Anh đi hát vào thời gian rỗi, không trùng với lịch học. Khi về quê thì em chủ yếu đi hát để làm từ thiện, hoặc các chương trình kỷ niệm trong tỉnh… “Lúc đầu, cũng có nhiều nơi mời đi hát, gia đình cũng muốn có thu nhập từ việc ca hát của Quang Anh cho mẹ đỡ vất vả. Nhưng nhờ định hướng của một số nhạc sỹ đỡ đầu cho Quang Anh đã xác định, việc quan trọng đối với con trước mắt là phải học tập để có chiều sâu về nhận thức văn hoá, thấy bố mẹ vất vả mà nỗ lực học tập, trưởng thành”, ông Tâm cho biết.
Ông Tâm cho biết thêm, học phí của Quang Anh trước mắt chưa phải là áp lực lớn đối với gia đình, nhưng đến tháng 9 năm nay khi hết thời gian nhận hỗ trợ học bổng từ cuộc thi Giọng hát Việt nhí thì sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, với tình yêu thương con, ông cũng như mẹ Quang Anh sẽ nỗ lực hết mình để con trai có thể hoàn tất 7 năm học một cách tốt nhất tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Ra Hà Nội, bà Lê Thị Nghĩa xin vào một công ty môi trường, thời gian làm từ 17h đến 24h mỗi ngày. Thời gian rỗi ban ngày, bà lại xin rửa bát thuê cho một nhà hàng… Trong cuộc trao đổi chốc lát với mẹ Quang Anh qua điện thoại khi bà đang giờ làm việc, bà Nghĩa vẫn toát lên sự vui vẻ, lạc quan về cuộc sống hiện tại của hai mẹ con ở Hà Nội. “Thương mẹ vất vả nên Quang Anh rất hiếu học, ngoan hiền, nghe lời mẹ”, bà Nghĩa tự hào nói về con trai. |