Nổi tiếng không chỉ bởi tài năng nghệ thuật và nhan sắc yêu kiều nhưng số phận bạc mệnh của những nữ nghệ sĩ Việt khiến công chúng bao thế hệ không khỏi xót xa.
Danh ca Thanh Hương
Giữa thập niên 50 (thế kỷ XX), danh ca Thanh Hương trở thành nghệ sĩ được săn đón nhất nhờ giọng ca lạ đầy lôi cuốn, tạo nên những cơn sốt với công chúng.
Thanh Hương là con gái của cặp nghệ sĩ nổi tiếng Năm Châu - Tư Sạng nên thừa hưởng tất cả nét đẹp từ dung mạo đến giọng ca. Cuối thập niên 50, trong cuộc bình chọn của báo chí, Thanh Hương sở hữu danh hiệu "Đệ nhất nữ danh ca" khi nghệ sĩ ÚT Bạch Lan đạt hạng nhì.
Bức ảnh hiếm hoi còn lại của danh ca Thanh Hương
Giọng ca vàng của nữ nghệ sĩ Việt này từng chiếm lĩnh hầu hết các bộ đĩa tuồng, đĩa ca lẻ có giá trị nội dung và văn chương với tần suất tái bản, phổ biến được xếp thành hiện tượng. Tuy nhiên, ở độ tuổi chín muồi về nhan sắc và tài năng, nghệ sĩ Thanh Hương đã mất năm 1974 sau một ca sinh khó.
NSƯT Thanh Nga
NSƯT Thanh Nga từng là một tên tuổi chói sáng trong sân khấu cải lương nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung. Bà được ưu ái gọi bằng cái tên: Nữ hoàng sân khấu.
Tên tuổi của nữ nghệ sĩ tài sắc này gắn liền với những vai diễn như: Điêu Thuyền trong "Phụng Nghi Đình", Kim Anh trong "Đời cô Lựu", Trưng Trắc trong "Tiếng trống Mê Linh", Dương Vân Nga trong vở "Thái hậu Dương Vân Nga"...
Nhan sắc yêu kiều của nghệ sĩ Thanh Nga
Không chỉ thể hiện tài năng trong lĩnh vực sân khấu, Thanh Nga còn là một người phụ nữ đẹp nức tiếng với đôi mắt biết nói, nụ cười sâu thẳm và khuôn mặt yêu kiều, quý phái của người con gái Sài thành.
Cũng chính bởi sự ưu ái này của tạo hóa đã khiến chuyện tình yêu và số phận của của Thanh Nga có nhiều thăng trầm.
Vào ngày 26/11/1978, khi diễn xong vở cải lương "Thái hậu Dương Vân Nga" ở một rạp hát thuộc quận Bình Thạnh, TP HCM, nghệ sĩ Thanh Nga đã bước lên chiếc xe định mệnh Volkswagen màu xám nhạt về nhà và vĩnh viễn ra đi ở tuổi 36, sau phát súng của một kẻ lạ mặt.
Ca sĩ Ngọc Lan
Một thời, giọng ca ngọt ngào, buồn man mác cộng với dung nhan diễm lệ, mong manh của ca sĩ Ngọc Lan đã xuất hiện ở các trung tâm âm nhạc, phòng trà nổi tiếng như: Dạ Lan, Giáng Ngọc... với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng bằng tiếng Việt, tiếng Pháp...
Tuy nhiên, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, ca sĩ Ngọc Lan đột ngột bặt vô âm tín vào năm 1993 khiến dư luận dấy lên nhiều tin đồn, trong đó có thông tin sức khỏe của cô không tốt khiến giọng hát thời vàng son chỉ còn trong quá khứ.
Ngọc Lan được ví như đóa hồng diễm lệ
Lần cuối cùng Ngọc Lan xuất hiện trước khán giả là vào tháng 3/1998, sau đó, cô từ giã sân khấu, lui hẳn vào bóng tối vì bệnh đa thần kinh hóa sợi và bị hạn chế tầm nhìn. Nữ danh ca hải ngoại trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/3/2001 tại Mỹ ở tuổi 45. Đám tang của cô thu hút đông đảo người hâm mộ và được cho là đám tang dành cho một nghệ sĩ có nhiều người tham dự nhất từ trước đến nay.
Ca sĩ La Sương Sương
Những năm 1990, La Sương Sương như một làn gió lạ trên thị trường âm nhạc với chất giọng khàn, trầm đục, mạnh mẽ và đặc biệt có thể hát giọng alto và cả giọng soprano.
Tên tuổi của nữ ca sĩ gắn liền với những sáng tác của nhạc sĩ Nhật Trung như: Trái tim buốt giá, Đành chôn theo quên lãng, Tình trái ngang...
Ca sĩ La Sương Sương
Năm 1991, khi 19 tuổi, La Sương Sương vượt qua hàng ngàn thí sinh dự thi Tiếng hát Truyền hình tại TP HCM và lọt top 4 cùng Hồ Lệ Thu, Như Quỳnh. Khi vừa bắt đầu nổi tiếng, có tên trong chương trình "Làn Sóng Xanh", "Duyên dáng Việt Nam" thì cô theo gia đình định cư tại Mỹ năm 1994.
Năm 2005, La Sương Sương phải trải qua 2 lần thay thận, ghép thận nhưng cũng không thành công. Trải qua hai năm sống cầm chừng, gia đình đã quyết định rút ống trợ sinh và cô qua đời ngày 24/1/2007. Ngoài giọng ca đặc biệt, La Sương Sương còn được biết đến với khiếu mỹ thuật, thời trang, nội trợ và rất được lòng công chúng, đồng nghiệp.
NSND Lê Dung
Bắt đầu nghiệp ca hát từ năm 17 tuổi, NSND Lê Dung là một trong những giọng ca lớn của âm nhạc Việt Nam và là nghệ sĩ hiếm hoi thành công trong nhiều thể loại từ nhạc opera, tiền chiến, nhạc đỏ và nhạc trẻ.
Nghệ sĩ Lê Dung tốt nghiệp cao học tại Nhạc viện Tchaikovsky, Nga đến năm 1990 thì trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
NSND Lê Dung thời ở đỉnh cao sự nghiệp
NSND Lê Dung cũng là giảng viên bậc cao học thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP HCM, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội... và đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc cao quý.
Ở tuổi 50, nghệ sĩ Lê Dung mất sau cơn tai biến mạch máu não trong niềm tiếc thương, lưu luyến của đông đảo người hâm mộ.