Đầu năm 2013, làng văn nghệ sĩ đã phải tiễn đưa nhiều tên tuổi nổi tiếng.
Dù họ ra đi nhưng những gì mà họ đã để lại sẽ còn tồn tại mãi với thời gian, năm tháng.
Đạo diễn Hải Ninh
Sự ra đi của đạo diễn NSND Hải Ninh có lẽ là tin chấn động nhất làng văn nghệ sĩ đầu năm 2013. Không vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo, vị đạo diễn nổi tiếng của Em bé Hà Nội đã từ giã cõi trần trong niềm thương tiếc vô hạn của bạn bè và người thân. Không ít những nghệ sĩ có tên tuổi đã bàng hoàng khi nhận được tin buồn này.
Gắn liền với nhiều bộ phim nổi tiếng, Đạo diễn Hải Ninh là thế hệ đàn anh, bậc cha, bậc chú của nhiều nghệ sĩ miền Bắc. Trước sự ra đi của ông, NSND Lan Hương đã không giấu nổi niềm xúc ông. Cô vẫn luôn coi ông như người thầy đầu tiên giúp cô chạm ngõ với điện ảnh kể từ sau vai diễn trong Em bé Hà Nội. Đây cũng có lẽ là tin buồn nhất đối với NSND Trà Giang bởi cuộc đời điện ảnh của nữ nghệ sĩ tên tuổi này đã gắn liền với cái tên Đạo diễn Hải Ninh. Lễ viếng và đưa tang đạo diễn Hải Ninh có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong giới, không thiếu những tên tuổi kỳ cựu trong làng văn nghệ.
Nhắc đến Đạo diễn Hải Ninh, khán giả nghĩ đến những bộ phim gắn liền với tên tuổi của ông như Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, "Mối tình đầu", "Đêm hội Long Trì"... Ông đã đóng góp cho nền điện ảnh Việt nhiều tác phẩm để đời còn mãi với thời gian và năm tháng. Hầu như các bộ phim của đạo diễn Hải Ninh đều được đánh giá cao và giành những giải thưởng danh giá tại các kỳ LHP trong nước và quốc tế.
Nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu
Trưa ngày 3/3/2013, chúng ta lại phải chia tay một nghệ nhân nổi tiếng, người đã có công giữ gìn và phát huy môn nghệ thuật hát xẩm - Nghệ nhân Hà Thị Cầu. Cả đời bà chỉ biết có xẩm, sống nhờ vào đồng tiền lẻ, nhờ củ khoai củ sắn, con cá, mớ rau của những người yêu nghề sản sẻ.
Trước tin buồn này, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn. Sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu cũng đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi một con người đã làm rất tốt xứ mệnh của tổ nghề truyền lại. Bà là người đã "giữ lửa" cho làn điệu hát xẩm độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Khán giả từng đau đáu khi lắng nghe giọng hát đầy truyền cảm của nghệ nhân Hà Thị Cầu qua Tứ hải giao tình, rồi Bác mẹ sinh thành đệm toàn bằng bộ gõ, Cá vàng, Ngược đời, Sáng cả đêm rằm, Trương Chi... Bà cũng cũng từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu Xẩm đỏ, bộ phim về môn nghệ thuật hát xẩm. Nghệ nhân Hà Thị Cầu được mệnh danh là "báu vật sống" trong phim.
Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật hát xẩm nhưng cuộc đời bà như một con tằm đã xong kiếp nhả tơ. Không ruộng vườn, không lương hưu, vẫn nghèo khổ như thuở ôm con đi hát rong khắp mọi miền, bà sống dựa vào tình thương yêu, sự giúp đỡ của những người yêu mến giọng hát của bà.
Nhạc sĩ Phạm Duy
Vì tuổi già, nhạc sĩ Phạm Duy đã từ trần ở tuổi 92. Dù vây, không ít người vẫn bất ngờ trước sự ra đi của ông bởi lẽ trước đó vị nhạc sĩ nổi tiếng vẫn dành thời gian đến tham dự những buổi nhạc được tổ chức ở các phòng trà. Thậm chí ca sĩ Đức Tuấn, một trong những người thể hiện nhiều nhất nhạc Phạm Duy ở Việt Nam cũng rất hàng hoàng khi nghe hung tin.
Ca sĩ Đức Tuấn và các thí sinh Hợp ca tranh tài tới thăm nhà nhạc sĩ Phạm Duy.
Ngày đưa ông về với đất mẹ, một số nghệ sĩ Việt đã có mặt tại tang lễ và bật khóc trước linh cữu ông. Trong đó, ca sĩ Ánh Tuyết là người khóc nhiều nhất. Cô cũng là người có cơ hội gần gũi với ông nhất trong những ngày cuối đời. Thậm chí trước khi qua đời, nhạc sĩ Phạm Duy còn viết thư cho cô để góp ý về việc thực hiện album nhạc của ông mà nữ danh ca đã ấp ủ bấy lâu.
Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy với số lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị. Nói về ông, nhà nghiên cứu nhạc Georges-Étienne Gauthier nhận định: "Sở dĩ cái tiếng Việt Nam có thể gợi nơi tôi một chút ý tưởng hoà bình và đẹp đẽ, nhân ái và từ thiện, sở dĩ trải qua nhiều tháng nhiều năm, tôi đã có thể yêu mến nước Việt Nam ít ra cũng như yêu mến chính nước tôi, sở dĩ như thế trước hết và trên hết là chính nhờ Phạm Duy và một số nghệ sĩ Việt Nam khác”.
Nhạc sĩ Phạm Duy nổi tiếng với các sáng tác: Pháp thân, Đại nguyện, Chàng dũng sĩ và con ngựa vàng, Lời ru bú mớm nâng niu, Qua suối mây hồng, Giọt chuông cam lộ, Chắp tay hoa và Tâm xuân...
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
Đầu năm 2013, làng văn nghệ sĩ đã phải tiễn đưa vị nhạc sĩ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây về với đất mẹ. Sau nhiều ngày nằm bệnh viện Nhân dân Gia Định để cấp cứu vì ho ra máu, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã qua đời vào ngày 9/1. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bạn bè, người thân và cả những người yêu mến tài năng của ông.
Với 400 tác phẩm trong đó có 100 ca khúc được ông sáng tác từ những năm kháng chiến chống Mỹ tới thập niên 1980, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã để lại cho đời những bài ca không quên cùng năm tháng. Khán giả chắc chắn không thể quên được những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của vị nhạc sĩ tài danh này như Câu hò bên bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây...
Những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ truyền xúc động. Nhiều bài hát của ông từng góp phần làm nên danh tiếng các tên tuổi ca sĩ Việt. Ông cũng để lại cho đời bộ sưu tập lớn những tình khúc vượt thời gian.
Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.