“Đạt danh hiệu không phải là đích đến cuối cùng trong đời làm nghệ thuật của tôi. Nếu như làm nghệ thuật để vinh danh, làm nghệ thuật để “săn” giải thưởng, đạt danh hiệu thì tôi nghĩ những người đó cần phải xem lại” đó là lời chia sẻ của NSƯT Xuân Bắc xung quanh việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Con trai Xuân Bắc lém lỉnh làm thơ nói xấu anh trai.
Chiều ngày 2.4, NSND Anh Tú – Quyền Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam đã tiết lộ danh sách đề cử xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT của Nhà hát kịch Việt Nam gồm 12 nghệ sĩ, trong đó có các nghệ sĩ được xét tặng NSND là NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Trung Anh… Ngay sau thông tin này, PV đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Xuân Bắc.
- Thưa NSƯT Xuân Bắc, khi biết tên mình có trong danh sách đề nghị xét tặng NSND, anh cảm thấy thế nào?
Tôi đã từng nói, nếu như làm nghệ thuật để vinh danh, làm nghệ thuật để “săn” giải thưởng, làm nghệ thuật để đạt danh hiệu thì những người đó cần phải xem lại. Nhưng làm nghệ thuật mà được mọi người đánh giá, được mọi người ghi nhận thì đó là một vinh hạnh, niềm tự hào của người nghệ sĩ.
NSƯT Xuân Bắc được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND năm nay.
Lời đầu tiên tôi muốn nói, việc Bộ VHTTDL đưa ra quy trình, tiêu chí xét NSƯT, NSND rất hợp lý để đánh giá, vinh danh những người đã cống hiến vì nghệ thuật.
Thực sự mà nói, ở mỗi kỳ xét tặng như thế này tôi nghĩ sẽ luôn có những điều nói ra, nói vào. Có những lùm xùm này nọ, kia khác. Nhưng điều quan trọng đối với người nghệ sĩ đó là những tác phẩm của họ đã để lại cho xã hội là gì. Tác phẩm nào được công chúng ghi nhận, đánh giá như thế nào. Giá trị thực sự của những tác phẩm nghệ thuật mà người nghệ sĩ đem lại.
Tôi cho rằng tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT rất hay ở chỗ là ngoài những tiêu chí cứng như phải có là giải thưởng, huân, huy chương thì còn có hẳn hội đồng xét tặng. Hội đồng xét tặng sẽ luôn là những người rất công minh, công bằng để đánh giá khách quan nhất những nghệ sĩ được xét tặng.
Dù là ai được xét tặng NSND, tôi cũng đều chúc mừng. Cá nhân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác cũng sẽ nghĩ, không phải làm nghệ thuật chỉ với mục đích để được vinh danh. Vì đối với những người nghệ sĩ đó, dù không được vinh danh nhưng họ vẫn đang làm nghệ thuật.
- Nhiều nghệ sĩ đã từng trải qua quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng đều bị trượt khiến họ có một tâm lý rất nản. Thậm chí họ còn cho rằng ở cấp xét tặng Hội đồng chuyên ngành có nhiều lùm xùm khiến họ không thiết tha trong việc được xét tặng nữa. Vậy bản thân anh, nghe những điều đó anh có nản?
Tôi không biết những lùm xùm đó, tôi không thể nói gì. Tuy nhiên quan điểm của tôi rất rõ. Thứ nhất tôi không bao giờ cảm thấy nản, bởi đạt danh hiệu không phải là đích đến cuối cùng trong đời làm nghệ thuật của tôi. Cho dù tôi đạt hay không đạt danh hiệu NSND thì tôi sẽ vẫn hoạt động nghệ thuật, làm cho tới khi nào không làm được nữa mới thôi.
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc cùng các nghệ sĩ Nhà hát kịch diễn vở kịch "Bệnh sĩ" của tác giả Lưu Quang Vũ
Nhưng tôi nghĩ, một danh sách mà tất cả các nghệ sĩ, người dân, những khán giả hâm mộ nghệ sĩ đó đều có một mong muốn: Hội đồng xét tặng làm việc một cách công minh, nghiêm túc, công bằng để đưa ra những chính xác nhất. Thậm chí 100 hồ sơ chỉ cần một người đạt được danh hiệu cũng được. Nhưng người nghệ sĩ duy nhất đó phải là người được mọi người công nhận, rằng quá xứng đáng. Anh em, bạn bè, yêu mến, khán giả ủng hộ. Bạn bè quốc tế biết đến, hoạt động xã hội tưng bừng…
Tuy nhiên tôi cũng xin được nói bên lề việc này một chút. (Cười).
Tôi cực lực phản đối với những cá nhân, tập thể nếu đoạt giải thì nói Ban giám khảo rất công minh, công bằng. Nếu không đoạt giải thì nói Ban giám khảo vớ vẩn, lung tung. Nếu đoạt giải thì nói họ chấm đúng, chấm chuẩn, mình hoàn toàn xứng đáng, còn không đạt giải thì nói họ chấm sai, họ không xứng đáng làm thành viên ban giám khảo. Tôi cho rằng việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT những cá nhân khi được xét tặng cũng không nên nghĩ như vậy.
- Vừa qua danh sách xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT của Nhà hát kịch Hà Nội được Sở VHTT Hà Nội thông tin trên các phương tiện truyền thông, trong đó nghệ sĩ Công Lý, nghệ sĩ Trần Hạnh đều có tên trong danh sách xét tặng NSND. Tuy nhiên nhiều khán giả bất ngờ vì nghệ sĩ Công Lý quá trẻ còn nghệ sĩ Trần Hạnh lại quá già. Đồng thời việc dùng từ "đặc cách" với nghệ sĩ Trần Hạnh là không đúng. Bản thân nghệ sĩ Trần Hạnh cũng chia sẻ, dùng từ đặc cách, dường như là dùng cho người có tội đồ nào đó. Anh nghĩ như thế nào về chuyện này?
Tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề câu chữ, tôi sẽ không bàn tới vấn đề câu chữ này. Quan điểm của tôi đã bày tỏ ở trên nên tôi sẽ không bàn sâu tới bất kỳ trường hợp cá nhân, nghệ sĩ nào. Tôi vẫn có quan điểm về Hội đồng xét duyệt, về con đường làm nghệ thuật, về kim chỉ nam để làm nghệ thuật. Tôi không biết tôi sau này thế nào, nhưng tôi tin rằng, với con người, với suy nghĩ, triết lý cuộc sống của tôi bây giờ sẽ không thay đổi.
Tôi mong rằng, những ai đạt danh hiệu NSND thì hãy xứng đáng với danh hiệu đó. Hãy tiếp tục cống hiến, hãy tiếp tục bằng tài năng, sức lực, trí tuệ đem đến những tác phẩm thực sự hay, có ích cho xã hội. Tôi cũng mong rằng, những anh em, đồng nghiệp những ai mà chưa đạt được danh hiệu NSND, NSƯT thì vẫn tiếp tục bằng niềm say mê, bằng trình độ, nhận thức xã hội của mình đem lại những tác phẩm hay, hữu ích cho con người. Đấy chính là những vinh danh xứng đáng nhất, tôi nghĩ vậy.
- Anh nghĩ sao, khi năm nay, việc xét tặng danh hiệu có vẻ thoáng, dễ chịu hơn mọi năm ngay từ vòng cấp cơ sở?
Thực ra trong Hội đồng Nhà hát tôi còn không được dự, nữa là nhà hát khác, cho nên tôi không biết là "thoáng" ở đâu. Nếu đứng ở vị trí nhà hát của tôi mà đánh giá các nhà hát khác, thì có chăng là chủ quan quá không?
Xin cám ơn anh!