Phim Việt giờ vàng: 10 năm tuột dốc

Ngày 15/06/2013 15:58 PM (GMT+7)

Đã có được hàng ngàn tập phim lên sóng nhưng sau gần 10 năm lên sóng giờ vàng, phim Việt vẫn trong tình trạng yếu kém.

Đã gần một thập kỷ kể từ ngày khởi đầu "giờ vàng phim Việt", hàng ngàn tập phim đã lên sóng, khai thác không biết bao nhiêu đề tài, thể loại trong nỗ lực của nhà sản xuất và đội ngũ làm phim cả với mục đích nghệ thuật lẫn kinh doanh nhưng nhìn lại, phim Việt vẫn còn loay hoay làm ra những bộ phim "khán giả xem được đã là mừng". Kỳ vọng phim Việt có thể thay thế được vị trí của làn sóng phim Hàn - Trung đến giờ vẫn chưa thể thực hiện được.

Chạy đua để… chết!

Phát sóng trên kênh VTV3, nhận được nhiều khen ngợi của báo chí và đông đảo khán giả, bộ phim Bí mật Tam giác vàng đã đạt chỉ số người xem (rating) trên 11.0 - một con số đáng mừng (hiện nay rating chỉ cần trên dưới 5.0 là đã thành công). Nhưng nếu so với chỉ số người xem ở thời kỳ đầu của phim Việt lên sóng giờ vàng thì con số 11.0, theo ông Trần Minh Tiến - Giám đốc Hãng phim Lasta - chỉ bằng 1/5. Nói như thế để thấy rằng phim Việt trong những năm qua đã tuột dốc không phanh, vô cùng hiếm hoi mới có được một phim "ngoi lên" tìm lại khán giả nhưng vẫn chẳng thể sánh được với thời vàng son đã mất.

Phim Việt đã từng có khởi đầu rực rỡ, các đài sau đó đã có chủ trương dành giờ vàng cho phim Việt. Không phải quá xuất sắc nhưng gần như phim nào cũng được dư luận đón nhận, khen chê, phân tích, từ Vòng xoáy tình yêu, Dốc tình đến Gọi giấc mơ về, 39 độ yêu, Tuyết nhiệt đới, Hương phù sa…, sau này là Cô gái xấu xí, Bỗng dưng muốn khóc, Cá rô em yêu anh…, đến khi các đài chạy theo số lượng bảo đảm 30% phim Việt phát sóng thì chất lượng phim Việt bắt đầu tuột dốc thảm hại.

Phim Việt giờ vàng: 10 năm tuột dốc - 1

Một cảnh trong phim Bí mật Tam giác vàng (Ảnh do Lasta cung cấp)

Khi phim truyền hình trở thành món hàng kinh doanh dễ kiếm lời, hàng loạt "nhà làm phim" vô danh xuất hiện, các công ty truyền thông - quảng cáo ồ ạt chuyển sang làm phim. Phim làm ra dù có chất lượng kém cũng được các đài mua và phát sóng "ào ào" cho đủ thời lượng, bất chấp dư luận chê bai. Một thời gian dài màn ảnh nhỏ "tra tấn" khán giả bằng nhiều bộ phim đạt "đỉnh thảm họa", đến mức khán giả không còn niềm tin, quay lưng với chim Việt.

Diễn viên Nguyễn Hậu - người đã gắn với phim Việt hàng thập kỷ - ưu tư: "Nhìn lại phim truyền hình Việt, có thể nhận ra chúng ta đã mất nhiều hơn được. Chúng ta có số lượng lớn phim phát sóng ồ ạt trên các kênh truyền hình nhưng rất ít phim hay. Chúng ta có lực lượng diễn viên trẻ đông đảo nhưng không thể có được những tên tuổi diễn viên ngôi sao, chuyên nghiệp như đã từng có. Chúng ta có thể đem phim truyền hình ra kinh doanh nhưng mất hết giá trị nghệ thuật".

"Chúng ta từ chỗ không có phim đến đổ xô đi làm phim nhưng không tránh khỏi việc làm phim bằng mọi giá và chúng ta đã phải trả giá" - ông Trần Minh Tiến nói.

Nỗ lực vực dậy

Cũng có những bộ phim truyền hình đã được trao các giải thưởng của hội nghề nghiệp hoặc được báo giới khen ngợi nhưng không còn nữa những bộ phim có thể tạo được sức lan tỏa thu hút khán giả như một thời của Người đẹp Tây Đô, Sương gió biên thùy, Đồng tiền xương máu, Đất phương Nam, Người đàn bà yếu đuối…

"Lý do chất lượng phim Việt kém ai cũng có thể nhìn thấy nhưng hiện không thể thay đổi một sớm một chiều. Chất lượng của một bộ phim được tạo nên gồm rất nhiều yếu tố, chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho việc thiếu kịch bản hay, thời gian sản xuất, kinh phí hay đạo diễn, diễn viên... Đó là kết quả của cả một guồng máy sản xuất nhanh, nhiều và ngày càng bị dễ dãi dần" - nghệ sĩ Kim Xuân nhìn nhận.

Theo ông Trần Minh Tiến: "Trước đây, chúng ta chưa có công nghiệp sản xuất phim, nguồn đầu tư của nhà nước nhỏ giọt, mỗi năm khoảng 100 tập, không đáng kể và người Việt Nam chỉ biết đến phim nước ngoài, đến mức trẻ em Việt Nam thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt. Phim Việt không có chỗ đứng trên sóng truyền hình... Ngày nay, số lượng đã tăng lên khoảng 3.000 tập/năm. Huy động đầu tư của toàn xã hội khoảng 500 tỉ đồng/năm. Trong 3.000 tập phim, chỉ cần 1.500 tập có chất lượng khá trở lên là đạt yêu cầu rồi. Nước ngoài cũng vậy thôi, họ cũng có phim tốt và phim không tốt. Trong số hàng ngàn phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông…, chúng ta cũng chỉ chọn được một số ít về chiếu tại Việt Nam. Cái được lớn nhất là phim Việt đã không thể thiếu được trên sóng truyền hình. Các nhà đài đều ý thức được trách nhiệm phải nâng cấp chất lượng đáp ứng yêu cầu của khán giả".

Hiện nay, giờ vàng cho phim Việt trên các kênh truyền hình gần như đã mang tính "khu biệt": Khung giờ 22 giờ trên kênh HTV9 đã chỉ dành riêng cho 3 đơn vị: Senafilm, Sóng vàng và Vietcom; vệt giờ 17 giờ 30 phút của HTV7 chủ yếu là phim của TFS; VTV1, VTV3, phần lớn là phim của các đơn vị sản xuất phía Bắc, truyền hình Vĩnh Long, giờ phim trưa thường thấy Vietcom, M&T Pictures; còn lại giờ vàng lúc 20 giờ của HTV7 là đất cạnh tranh cho nhiều đơn vị. Xem như những đơn vị sản xuất mới, làm mất niềm tin khán giả và nhà đài bằng những bộ phim chất lượng kém trước đó khó tìm được giờ phát sóng cho phim của mình.

Bà Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Khai thác phim truyện Đài Truyền hình TP HCM, cho biết đài này "quy hoạch" khung giờ 20 giờ HTV9 cho 3 nhà sản xuất phim kể trên là để bảo toàn chất lượng phim cho khán giả. "Các phim được phát sóng trong khung giờ này có thể không quá hay nhưng sẽ là phim tử tế" - bà Trường Sơn khẳng định.

Nhiều ý kiến cho rằng phim Việt chẳng những không đẩy lùi được làn sóng phim Trung - Hàn mà hiện nay còn phải đối mặt với sức cạnh tranh không nhỏ của các bộ phim truyền hình tâm lý xã hội của Thái Lan, Philippines, Ấn Độ đang ngày càng có sức hút trên màn ảnh Việt Nam. Nếu không hiệp lực vực dậy công nghệ sản xuất thì có được lên sóng giờ vàng 10 năm hay hơn nữa, phim Việt vẫn thất bại ngay trên sân nhà.

Xuất khẩu, còn mơ!

Ông Trần Minh Tiến lạc quan cho rằng năm 2013-2014, phim Việt sẽ được bán ra nước ngoài. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Giám đốc Hãng phim Vietcom, bi quan: "Tôi đã từng tham dự nhiều hội chợ phim quốc tế nhưng chưa từng nghĩ sẽ mang phim Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Muốn mang một sản phẩm nào ra thị trường nước ngoài thì sản phẩm đó phải được chấp nhận trong nước trước đã". Đạo diễn Phan Hoàng, Giám đốc Hãng phim Cửu Long, cũng lắc đầu: "Xuất khẩu phim Việt hiện tại là điều không thể".

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim TFS, nhìn nhận: "Với tình hình làm phim thiếu thốn, không chuyên nghiệp như hiện nay, để được khán giả chấp nhận đã mừng rồi".

Theo Tiểu Quyên (Theo Người Lao Động)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim Việt Nam