Những cảnh quay đẹp của Tháng 5 để dành cũng không "giải cứu" nổi nội dung phim nhạt nhẽo thiếu thuyết phục người xem.
Tháng 5 để dành là bộ phim điện ảnh được chuyển thể một phần từ cuốn tiểu thuyết Ranh giới đình đám của tác giả Rani8X. Nói là 1 phần bởi bộ phim mới chỉ dừng lại ở khoảng 10 chương đầu của cuốn sách khi câu chuyện còn đang dừng lại ở giai đoạn tuổi học trò.
Phim là câu chuyện tình yêu tuổi ô mai được kể qua góc nhìn của một chàng trai mới lớn. Nhân vật chính của phim là Hiếu, một cậu học sinh lớp 11 hiền lành, học hành tàng tàng nhưng lại khá “nghệ sĩ” với sở thích thơ văn. Cũng như bao cậu bạn cùng khoá, Hiếu thầm thương trộm nhớ cô bạn Ngọc - lớp phó học tập thông minh, xinh xắn. Những tưởng mình chỉ muôn đời trồng cây si như bao cậu bạn khác, thì cơ hội để tiến gần hơn với “nàng” cũng xuất hiện.
Cả Hiếu và Ngọc được phân công chịu trách nhiệm cho tờ báo tường của lớp. Nhờ những khoảnh khắc chung tay làm việc mà khoảng cách cả hai dần được kéo gần lại từ đó. Và một tình cảm gần gũi hơn tình bạn và dần chạm đến ngưỡng cửa tình yêu bắt đầu trong hai trái tim non nớt.
Những buổi đi chơi, hò hẹn bí mật, những cái nắm tay, cái ôm vội vừa lấm lét lại vừa hạnh phúc đan xen,... tất cả từ từ được khắc họa một cách sống động trên màn ảnh rộng. Trên nền bối cảnh những năm 2000, tình yêu trong phim có gì đó thật “quen quen”. Nào là gửi tặng bài hát để tỏ tình, cọc cạch đạp xe đưa nhau lang thang, có thắc mắc tình cảm cứ tham khảo anh “Chánh Văn” trên báo Hoa tư vấn,...
Có lẽ bởi những điều quen thuộc ấy mà người xem như cảm nhận được phần nào sự rung động của tình yêu học trò trong mình lúc xưa, khi mà một ánh mắt chạm nhau với “người ấy” cũng mang dư vị của hạnh phúc.
Phim tái hiện khá thành công hình ảnh của những cô cậu học trò ở vùng quê Miền Bắc.
Là một bộ phim về tình yêu tuổi học trò, nhưng trong Tháng 5 để dành không phải chỉ toàn những điều ngọt ngào. Bên cạnh sự mơ mộng thường thấy, phim còn hé lộ với người xem về suy nghĩ thầm kín của một chàng trai tuổi dậy thì. Trong đó có chút tò mò, có chút khao khát và nhen nhúm đâu đó là dục vọng rất bản năng khi đứng trước tình yêu đầu đời.
Đứng trước tình yêu, chàng trai mới lớn cũng có một “ranh giới” đầy mâu thuẫn trong suy nghĩ, khi cảm giác đơn thuần hạnh phúc vì yêu song song tồn tại với những khao khát bản năng giới tính rất đời thường. Hai cảm giác này cũng đồng thời xuất hiện trong nội tâm nhân vật Hiếu, tuy nhiên trong phim điều này lại không được thể hiện một cách rõ ràng và dứt khoát.
Cảnh thể hiện rõ nhất “ranh giới” về tình yêu trong Hiếu là đoạn cậu và Ngọc có nụ hôn đầu. Trong truyện, diễn biến hành động của Hiếu thể hiện rõ sự thay đổi từ nụ hôn hạnh phúc sang say đắm rồi biến thành nụ hôn của dục vọng mê man từ lúc nào không hay.
Thế mà diễn biến phân cảnh này lại xảy ra quá nhanh và chẳng mấy tinh tế. Các biểu cảm ánh mắt hay khuôn mặt của nam diễn viên không được tận dụng triệt để, để làm rõ sự biến đổi cảm xúc phức tạp trong tâm lý chàng trai này.
Thêm nữa, mạch phim diễn biến khá chậm, giai đoạn đầu người xem bị cuốn hút vào sự ngây ngô của Hiếu trong tình cảm khi cứ ngẩn ngơ mơ về “nàng thơ” Ngọc. Nhưng những mơ mộng đó cứ lặp lại hoài lại khiến khán giả thấy nhàm. Đó là chưa kể sự hóa thân của diễn viên Xuân Hùng trong vai Hiếu mới chỉ khiến người xem cảm nhận được ở “mặt nổi”.
Xuân Hùng trong vai Hiếu khá linh hoạt, song lại hơi bị dài dòng về thoại
Không phủ nhận rằng nam diễn viên 9x khá linh hoạt và tự nhiên khi nhập vai. Các trạng thái cảm xúc của Hùng cũng được thể hiện đa dạng, lúc ngờ nghệch, lúc lại mít ướt. Tuy nhiên, nhân vật này lại thiếu đi chiều sâu khi thể hiện quá nhiều cảm xúc qua lời thoại.
Nếu so với câu hát “tình yêu không cần nói, chỉ cần cảm nhận thôi” mà người ta thường hát về tình yêu, thì tình cảm Hùng với Ngọc trong phim mới chỉ là sự lãng mạn bay bổng của thơ. Còn để người xem “cảm” được thì… hơi khó.
Tương tự như Hùng, vai diễn Ngọc của Minh Trang cũng chưa chạm tới cảm xúc người xem. Cô bạn 9x vào vai ban đầu khá ổn khi có lợi thế ngoại hình xinh xắn và hợp với khí chất của nhân vật. Nhưng để tạo nên một Ngọc sống động về cả hình ảnh và nội tâm khiến ai ra rạp đều phải nhớ, thì nữ diễn viên trẻ vẫn chưa thực sự thành công.
Một lý do khiến mối tình của Ngọc và Hiếu trong phim bị “nhạt” so với nguyên tác nằm ở kịch bản phim. Phim giữ gần như mọi diễn biến chính trong 10 chương đầu của sách nhưng lại cắt đi những tình tiết tưởng nhỏ mà lại rất tinh tế. Ví dụ như đoạn phim mẹ Hiếu phát hiện ra chuyện yêu đương của cậu thì xích cậu lại vào tường.
Trong truyện, ban đầu Hiếu bị mẹ nhốt trong phòng khóa trái cửa, tuy nhiên do cậu gào thét, đập cửa đến bàn tay cũng chảy máu nên mẹ cậu mới xích cậu lại. Bởi thấy cậu tự làm đau mình thì mẹ cậu cũng xót, nhưng tha cho cậu thì lại không được. Rõ ràng chỉ một chi tiết như vậy thôi nhưng đã giúp thể hiện nội tâm nhân vật hơn hẳn hình ảnh Hiếu thức dậy với sợi xích trên chân và yên lặng chịu đựng hay tuyệt thực.
Về nội dung, kịch bản Tháng 5 để dành có vẻ an toàn hơn so với truyện, nên các fan cuồng của truyện chắc sẽ thấy hụt hẫng. Còn phần đông những người chưa đọc truyện chắc hẳn cũng sẽ cảm thấy nhạt bởi diễn biến chậm và độ sâu của tâm lý nhân vật trong phim còn hạn chế.
Tuy nhiên, phim lại kéo lại được những cảnh quay khá ấn tượng.
Những cảnh hẹn hò ở khu hồ rộng mênh mông hay nơi đồng cỏ chiều hoàng hôn lãng mạn biết bao. Ngay cả con đường đi học về bên cánh đồng lúa chín cũng mang những nét đẹp rất bình dị.
Có những thước phim đẹp và trong là thế nhưng chất lượng quay lại không đồng đều. Các phân đoạn xảy ra vào buổi tối lại như thiếu sáng và có độ nhiễu nhất định. Một vài cảnh gần cuối phim khi Sơn và Hiếu chạy đuổi theo đoàn tàu hoả cũng bị rung khiến người xem có cảm giác khá rối mắt.
Cuối cùng, sẽ thật khập khiễng khi so sánh Tháng 5 để dành với những phim Việt cùng chủ đề về tuổi học trò như Tháng năm rực rỡ, hay Cô gái đến từ hôm qua,... bởi đây là dự án được làm bởi ekip gồm các nhà làm phim trẻ độc lập. Tuy nhiên, khán giả và công chúng sẽ không mấy để ý đến việc người làm phim là ai, mà chỉ quan tâm rằng bộ phim ra rạp có hay không, có hấp dẫn với họ hay không? Và rõ ràng ekip của Tháng 5 để dành cần phải cố gắng nhiều hơn nữa nếu có ý định chuyển thể phần tiếp của cuốn sách.
Phim đã ra rạp trên toàn quốc vào ngày 24/5.