Những tràng cười âm điệu chói lói rất riêng đã giúp Vân Dung không lẫn vào đâu được.
Không nói thì ai đoán được Vân Dung từng đi thi sắc đẹp và lọt vào top 15. Vậy mà lên sân khấu, chị xấu điên đảo. Tiêu biểu như có lần chị vào vai bà già trong tiểu phẩm Kẻ cắp gặp bà già diễn cùng Xuân Bắc, Tự Long. Trong vai một "con mụ vừa già, vừa xấu, vừa vô duyên", nữ nghệ sĩ hài mặc áo cánh, quần bà ba, đầu đội khăn mỏ quạ, thêm chút tóc bạc lơ phơ trước trán và cái kính to đùng trên mặt, trông đúng một bà già xấu không để đâu cho hết.
Khác biệt nhờ... "điêu"
Chưa bước ra sân khấu, chị đã cất giọng the thé khiến khán giả cười ồ và khi xuất hiện, dáng điệu chẳng bao giờ bình thường, toàn môi dẩu mông cong. Chị bước chân trên mặt đất mà cứ như đang lội nước dâng cao hàng mét ngoài bãi biển. Danh hài Quang Thắng, bạn diễn đồng thời là bạn thân của chị, có lần nói về nữ danh hài bằng vẻ nửa đùa nửa thật: "Vân Dung khôn lắm, lúc nào chả đếm tiền phồng cả lưỡi ra".
Hỏi đùa anh không học được cách kiếm tiền của Vân Dung hay sao, Quang Thắng lại khẳng định tiếp: "Nó toàn giấu nghề, có bao giờ cho tôi biết đâu. Cái gì thừa thãi mới đưa cho tôi, cái gì ngon ngọt là nó giành về hết". Mang điều này hỏi lại Vân Dung, chị chỉ cười, bảo chơi thân với nhau nên bạn diễn toàn mang chị ra "nói xấu".
Bảo Vân Dung "điêu" cũng không phải vô lý. Chị thích đóng kịch từ bé. Nhà có hai chị em, chị và chị gái thường tự diễn các vở kịch với nhau. Nếu bảo "điêu" thể hiện trí tưởng tượng phong phú, Vân Dung là một người đúng như thế. Chị có đủ sức tưởng tượng để sáng tạo cho vai diễn. Chẳng phải tự nhiên ở làng hài Bắc, danh hài nữ đếm được trên đầu ngón tay.
Có khi "điêu" lại phù hợp với Vân Dung hơn vì có thời gian chị định bỏ nghề diễn để theo hướng khác. Chị thích làm văn phòng và từng đi học để xin một chân thư ký với mong muốn đi đây đi đó, gặp người nọ người kia. Nhưng học mãi mà không được vì những thứ căn bản như vi tính, ngoại ngữ, chị đều không rành. Cơ quan có lần truyền tai nhau về kỹ năng IT kém của chị, tới mức người ta bảo: "Vân Dung mở được máy tính, thưởng cho 5 triệu đồng".
Đi nước ngoài, chị cầm theo máy quay rồi lại cầm về vì chẳng biết máy hoạt động ra sao. Còn tiếng Anh, chị thú nhận, học 8 lần không thi nổi bằng A. Mà tiếng Anh, vi tính đều không biết, đi làm thư ký ra sao?
Thế là chị lại trở về với sân khấu. Không phải sân khấu chính kịch, chị đứng trên sân khấu hài kịch pha trò cho khán giả kìa. "Điêu" vì lẽ đó trở thành công cụ của chị bởi vì khi chị vào nghề, nhà hát đã có đủ các người đẹp thành danh như Lê Khanh, Lan Hương, còn cùng lứa thì có Nguyệt Hằng, Hồng Hạnh, Kim Oanh... Xinh đẹp thì miễn so sánh. Năng lực cũng chưa biết ai hơn ai. Chỉ có sự khác biệt trong lối diễn xuất mới có thể ghi dấu trong lòng khán giả. Sự khác biệt của Vân Dung, chính ở hình ảnh "điêu" mà chị kỳ công xây dựng.
Ngày xưa có người nói họ không làm hài, đã làm là phải đánh bại Vân Dung. Họ mang câu ấy tuyên bố với tất cả mọi người trong nghề. Về sau, cũng chính người ấy gặp lại chị và nói: "Em không vượt qua được chị, thôi em không cố nữa, em trở về đam mê của mình".
Vân Dung quan niệm: "Tất cả diễn viên học diễn xuất đều có thể diễn được chính kịch, khác biệt là có thể diễn tốt hoặc chỉ dừng lại ở mức làm tròn vai. Còn diễn hài, nếu như trời không cho cái duyên khó làm tròn vai được. Một phút đứng trên sân khấu hài không làm cho khán giả cười dài như một thế kỷ. Còn một phút đứng trên sân khấu chính kịch mà không làm cho khán giả khóc thì họ vẫn xem tiếp được".
"Nhà tôi lúc nào cũng đông như họp tổ dân phố"
Tôi đến thăm Vân Dung vào một ngày nắng. Chị sống trong căn hộ xinh xắn ở khu đô thị mới Trung Yên, Cầu Giấy (Hà Nội). Chị ra mở cửa đón chúng tôi với gương mặt không trang điểm và ngạc nhiên khi thấy tôi đi cùng nhiếp ảnh. Vội vàng, chị mời chúng tôi ngồi ghế nghe nhạc trong khi chạy ù vào trang điểm bởi "ra sân khấu tôi không bao giờ sợ xấu, nhưng ở ngoài đời rất sợ, hai bạn chịu khó ngồi đợi một chút vậy".
Tôi có thời gian ngắm phòng khách nhà chị, đẹp và tươm tất, dễ thấy bàn tay chủ nhà săn sóc cẩn thận: bộ ghế salon màu đỏ nổi bật trên nền gạch sạch bong, cây thông Giáng sinh có mặt trong nhà từ lúc nào nhưng trông rất mới, không phủ bụi. Chừng 20 phút sau, nữ nghệ sĩ bước ra trong bộ trang phục mới, trang điểm cẩn thận, vừa nói chuyện vừa đưa tay chải tóc và hỏi nhiếp ảnh: "Anh thấy thả tóc thế này hay buộc lại đẹp hơn?". Ít ai ngờ người đàn bà "vừa già, vừa xấu, vừa vô duyên" trên sân khấu lại chỉn chu ngăn nắp ở ngoài đời đến vậy.
Được biết ông xã Vân Dung làm việc chủ yếu trong Nam, còn chị ở ngoài Bắc, có lẽ nhiều người nghĩ nữ nghệ sĩ sẽ khá buồn trong căn hộ rộng rãi nhưng trống trải. Chị gạt đi ngay: "Không có đâu! Làm gì có thời gian buồn? Nhà tôi lúc nào chả đông như họp tổ dân phố, cũng do tôi được mọi người xung quanh yêu quý. Đấy là hôm nay biết tôi có hẹn nên mọi người về hết. Ngày thường, mới 7h30 sáng lũ trẻ đã xếp hàng dài ngoài cửa để vào nhà cô Dung chơi. Trong nhà, cô bé giúp việc để kẹo bánh ở đâu tôi không biết chứ bọn trẻ hàng xóm biết hết, chúng vào chơi rồi tự lấy ăn nữa kìa".
Nói xong, chị tíu tít khoe máy pha cà phê "hàng độc", không bán ở Việt Nam, không phải có tiền là mua được mà phải đăng ký thành viên mới được gửi hàng về. Vừa khoe, chị vừa pha 3 cốc cà phê cho mỗi người uống. Tôi thích thú ngắm chị chạy qua chạy lại với thứ nước đắng nghét mà thường ngày chị không uống bao giờ. Thấy vậy, chị cười bảo: "Chắc bạn nghĩ lúc nào tôi cũng như ở trên sân khấu?". Hóa ra, con người chị ngoài đời và diễn viên ở trên sân khấu là 2 con người khác nhau hoàn toàn.
Ngồi nói chuyện với chị, tôi nhớ có lần nghệ sĩ hài Chí Trung so sánh lối diễn của các diễn viên hài như anh và Vân Dung với lối diễn của Lê Khanh. Chí Trung cho rằng, Lê Khanh như bàn thờ, những lúc quan trọng nhất dù là bi hay hỷ, người ta đều đến thắp hương, nhưng chỉ trong những lúc tâm trạng dồn nén hoặc ngày rằm mùng một, không thể thắp hương năm bảy lần mỗi ngày. Thế còn anh và Vân Dung như bếp núc, nhà tắm, mỗi ngày người ta phải ra vào vài bận. Hai bên, hai lĩnh vực khác nhau, lĩnh vực nào cũng cần thiết, nhưng về gần gũi thì hài kịch vẫn hơn.
Vân Dung cũng đồng ý với quan điểm đó. Bằng chứng là nếu so sánh chị với Lê Khanh và chỉ ra, chị không bằng, chị cũng không bao giờ buồn. Vân Dung biết mình là ai và đang đi trên đường nào. Ngay cả việc "điêu" trên sân khấu, chị cũng chỉ có chừng mực.
Năm 2010, chị vào vai Táo Giáo dục trong Gặp nhau cuối năm, đến 2011, chị khẳng định, năm nay sẽ không đóng vai này với lý do: "Tôi xem mấy đoạn clip cô giáo hành hạ học sinh rồi cứ thấy buồn. Đã là con người không thể đối xử với nhau như thế, huống chi đó là những người mẹ, người phụ nữ. Cứ đặt địa vị của bản thân vào, nếu con mình bị như thế, liệu mình có đủ nghị lực để vượt qua không? Năm nay, mình không đóng vai Táo Giáo dục đâu, bởi vì mình là một người mẹ, mình không thể làm thế dù chỉ là vai diễn. Có thể đóng vai cãi nhau, chửi nhau thậm chí chém giết nhau nhưng giữa người lớn với người lớn thôi, chứ người lớn với trẻ con thì dù biết là diễn nhưng không thể làm được. Nó khủng khiếp quá!".
Ngắm nốt ruồi trên mép Vân Dung, tôi hỏi đùa chị về sự "điêu" của một nghệ sĩ hài. Chị ung dung đáp: "Phải nói thật rằng về độ điêu, tôi là số 1. Nhưng đó là cái điêu làm cho các bạn thích thú, không phải hại người khác. Nốt ruồi của tôi cũng như thương hiệu vậy".
Tôi lại hỏi: "Chị có tự nghĩ bản thân là người xinh đẹp không?", chị nhìn bóng mình phản chiếu trên mặt tivi, nghiêng đầu ngắm nghía và tươi tỉnh đáp: "Ừm, không xấu, tạm được... Duyên! Thế là được rồi còn gì? Duyên mới diễn hài được chứ? Cái duyên khác với cái xinh nhé. Một cô gái có thể rất xinh, đàn ông nhìn một lần rồi đắm đuối ngay, nhưng cô ấy mở mồm ra là họ chạy dài. Còn người phụ nữ không xinh, nhưng có thể trò chuyện với đàn ông từ đêm tới sáng, cho tới ngày hôm sau, cho tới cả ngày hôm sau nữa, và người đàn ông không bao giờ quên được người phụ nữ ấy, đó là cái duyên. Bởi cái duyên trong cách ứng xử có thể thu hút tất cả mọi người".
Vì sao phải "xin" danh hiệu?
- Tôi trộm nghĩ thế này, chị có lợi thế hơn các diễn viên trẻ bây giờ là có kịch bản được đo ni đóng giày sẵn nên dễ dàng hơn trong việc thể hiện?
- Không phải thế. Ngày xưa, lúc chúng tôi đi làm Gặp nhau cuối tuần, có ai biết chúng tôi là ai đâu mà viết cho? Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, vai nhỏ hay vai lớn cũng thế, chỉ cần một phút ra sân khấu là sẽ làm hết mình vì khoảnh khắc đó. Nếu như nghĩ rằng vai phụ, chạy qua sân khấu một tý mà không để tâm và làm hết trách nhiệm thì không bao giờ lớn được. Vai lớn hay vai nhỏ, cũng là vai chính hết.
- Nghệ sĩ hài thường khó được danh hiệu. Chị có bao giờ chạnh lòng với điều đó?
- Nói chính xác là tôi không quan tâm đến điều ấy. Điều tôi quan tâm là mình để lại cái gì trong lòng khán giả. Có bao nhiêu người khi mất, quan tài đi ngoài đường, công chúng đứng bỏ mũ cúi chào? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có danh hiệu, tại sao mọi người lại yêu quý đến thế hay những người như bác Văn Hiệp lại được nhớ suốt đời?
Danh hiệu cũng quan trọng với người diễn viên, vì nó ghi nhận công lao của những người đóng góp giải trí cho xã hội, niềm vui cho mọi người. Nó không phải là cái đi xin! Những diễn viên giỏi để lại yêu mến trong lòng khán giả, bạn cứ nhìn xem, đến cả một đứa trẻ con, bà bán rau, bán nước, một người xe ôm cũng biết họ là ai. Những người đó đếm được trên đầu ngón tay chứ có phải cát đâu mà nhiều. Thế sao lại phải xin? Phải phong tặng cho người ta chứ! Cho nên, tôi chỉ quan tâm xem mình để lại những gì trong lòng khán giả, đó mới là những gì nghệ sĩ cần.
Cảm ơn Vân Dung vì cuộc trò chuyện!