Tạo ấn tượng bởi giọng hát nhiều cảm xúc, tính cách hồn nhiên, mộc mạc… cậu bé Hồ Văn Cường (13 tuổi đến từ Gò Công, Tiền Giang) đăng quang Quán quân Vietnam Idol Kids đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ khán giả.
Bầu chọn bằng cảm xúc?
Đây là vấn đề khiến nhiều khán giả băn khoăn, nhất là khi so sánh cậu bé Hồ Văn Cường với thí sinh nhí khác của chương trình là Bảo Trân hay Jayden. Mặc dù Hồ Văn Cường có giọng hát ngọt ngào, tạo thiện cảm tốt bằng dòng nhạc dân ca trữ tình, nhưng khi các thí sinh khác thử sức với nhiều thể loại, biến hóa liên tục trên sân khấu thì cậu bé Gò Công vẫn không có gì khác ngoài dân ca trữ tình.
Chưa kể, nếu so sánh với các thí sinh hát dòng nhạc này ở những chương trình khác như Phương Mỹ Chi, Nguyễn Thiện Nhân… thì Hồ Văn Cường “đuối” hơn hẳn về chất giọng, bản lĩnh sân khấu. Vậy chuyện cậu bé này đoạt giải Quán quân liệu có xuất phát từ mục đích dùng hoàn cảnh để lấy nước mắt khán giả?
Quán quân Vietnam Idol Kids Hồ Văn Cường bên bố mẹ. Ảnh: TL
Hồ Văn Cường không phải trường hợp đầu tiên được nhà sản xuất nhấn mạnh vào hoàn cảnh. Trước đó, nhiều thí sinh nhí như: Đức Vĩnh (Vietnam’s Got Talent), Quách Phú Thành (Thử tài siêu nhí)… cho đến những thí sinh người lớn như: Yasuy, Trần Quang Đại, Mai Thái Anh… đã từng được nhà sản xuất chương trình chú trọng khai thác khá chi tiết về hoàn cảnh éo le. Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu truyền thông cho biết, một trong những hiệu ứng mang lại kết quả tốt nhất với các chương trình truyền hình, đó là tác động về mặt cảm xúc.
Chưa kể, ở Việt Nam, với lối suy nghĩ thường theo kiểu duy tình thì “chiêu” này càng trở nên lợi hại. Thế mới có chuyện, khán giả hay so sánh giữa Quán quân và Á quân một cuộc thi theo hướng: Tuy Á quân hát hay nhưng Quán quân xứng đáng vì… hoàn cảnh thiệt thòi. Thiệt thòi mà vươn lên đương nhiên đáng khích lệ hơn đủ đầy, sung túc. Nhiều nhà tổ chức chương trình đã “vin” vào tâm lý chung này để chấm thí sinh vì hoàn cảnh. Thậm chí ưu tiên hoàn cảnh hơn cả tài năng.
Thí sinh Hồ Văn Cường luôn dẫn đầu với số phiếu bình chọn cao nhất của cả giám khảo và khán giả qua các đêm gala của Vietnam Idol Kids là minh chứng rõ nhất về tác động cảm xúc tới số đông. Giọng hát Hồ Văn Cường chưa thực sự xuất sắc, kỹ năng biểu diễn, bản lĩnh sân khấu còn hạn chế là điều dễ nhận ra nhưng cũng dễ được bỏ qua vì… hoàn cảnh. Tất nhiên, “có bột mới gột nên hồ”, có giọng hát truyền cảm thì Hồ Văn Cường mới đi sâu vào Chung kết Vietnam Idol Kids. Nhưng kết thúc chương trình, điều khán giả nhớ nhất lại là hoàn cảnh éo le của cậu bé Gò Công từ nhỏ đã đi hát đám cưới để kiếm tiền phụ bố mẹ, chứ không hẳn giọng hát được đánh giá ở mức tài năng vượt trội và hoàn toàn thuyết phục.
“Quả đắng” từ chuyện “vin” hoàn cảnh
Có ý kiến cho rằng, những thí sinh như Hồ Văn Cường là cơ hội để các chương trình tập trung vào công nghệ “lăng xê hoàn cảnh” nhằm thu hút khán giả. Sau tiết lộ về hoàn cảnh thí sinh sẽ là một quy trình của truyền thông, nhà tài trợ, khán giả… vào cuộc nhằm kiểm chứng, giúp đỡ và sau cùng là tác động lan tỏa đến cộng đồng về chương trình mà thí sinh ấy đang xuất hiện. Dù xảy ra mâu thuẫn hay tranh cãi gì thì mục đích cuối cùng của nhà sản xuất là thu hút khán giả, tăng doanh thu. Bởi thế, dù là cuộc thi tài năng âm nhạc, nhưng có thể nhận thấy The Voice, Nhân tố bí ẩn, The Voice Kids… đều thực hiện phóng sự về cuộc sống, hoàn cảnh của thí sinh để trình chiếu rồi như “luật bất thành văn” và thể nào trong các thí sinh cuối cùng vào chung cuộc cũng có ít nhất một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hẳn những khán giả đang bị cảm xúc chi phối sẽ bao biện rằng: Người ta cực khổ thật thì việc chia sẻ lên truyền hình có gì là xấu? Nhà tổ chức có dựng chuyện đâu mà sợ?... Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chính những lá phiếu bầu chọn tưởng chừng công bằng, nhân văn đó đôi khi lại gián tiếp đẩy thí sinh vào bi kịch. Điều gì sẽ xảy ra với một người vốn đã chịu thiệt thòi về đời sống lại được “công kênh” lên đỉnh cao danh vọng, rồi một ngày nào đó chợt nhận ra điều mọi người quan tâm đến mình chỉ là... đời tư? Khủng khiếp hơn nữa, nếu họ cứ sống mãi trong sự ảo tưởng về tài năng, tiếp tục bị cuốn vào vô vàn trò “câu khách” khác.
Thực tế đã chứng minh, không hiếm tài năng được lăng xê bằng hoàn cảnh sau khi bước ra từ chương trình nào đó lập tức trở thành “cỗ máy kiếm tiền”, hoặc “im thin thít và lặn mất tăm”, hoặc bi đát hơn là bị bủa vây trong khủng hoảng, áp lực và nhiều thứ khác!
Còn nhớ, trong đêm Chung kết Vietnam Idol 2012, chàng trai dân tộc Yasuy - người sau đó trở thành Quán quân - đã khiến khán giả vừa sốc, vừa thương khi phát biểu: “Tôi sẽ dành tiền thưởng của chương trình để nuôi lợn”. Chia sẻ được cho là thật thà đó gợi lên niềm thương cảm khiến khán giả lờ đi việc Yasuy hát không tốt ngay trong đêm Chung kết và ý kiến của ca sĩ Mỹ Linh đánh giá rất cao Hoàng Quyên, đồng thời cho rằng Yasuy không có tài. Hay câu chuyện ca sĩ Anh Thúy đeo mặt nạ, đổi tên là Huyền Minh trong “Nhân tố bí ẩn” kể về bi kịch cuộc đời mình, một cô gái đi làm phục vụ ở nhà hàng không may bị tai nạn nghề nghiệp làm hỏng cả gương mặt lấy đi biết bao nước mắt của khán giả, cho đến khi sự thật được phơi bày thì khán giả mới phẫn nộ tố chương trình và thí sinh cố tình dàn dựng. |