Nghệ sĩ Ngọc Trinh và Nhà hát Kịch TP HCM đã có giai đoạn thuận thảo, làm việc bằng tình cảm, lòng tin mà không đặt nặng vấn đề pháp lý nên dẫn đến việc kiện tụng
Sau nhiều lần hòa giải không thành, vụ kiện giữa nguyên đơn - diễn viên Phạm Thị Ngọc Trinh (nghệ sĩ Ngọc Trinh, 47 tuổi) và bị đơn là Nhà hát Kịch TP HCM kéo dài nhiều năm đã được TAND quận 1 mở phiên xét xử sơ thẩm.
Thỏa thuận miệng có là ký kết?
Theo đơn kiện của nghệ sĩ Ngọc Trinh, năm 2014, ông Trần Khánh Hoàng, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch TP HCM, đã có thỏa thuận hợp tác với cô để dàn dựng, tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng theo phương thức xã hội hóa góp vốn dựng vở kinh doanh.
Để hợp thức hóa việc hợp tác này, Ngọc Trinh đã ký hợp đồng lao động với Nhà hát Kịch TP HCM, trở thành diễn viên của nhà hát, mở đầu cho việc ký kết đầu tư kinh phí dựng vở kinh doanh. Thế nhưng, sau đó, hai bên không thỏa thuận được với nhau về một số quyền lợi nên Ngọc Trinh đã làm đơn xin kết thúc hợp đồng lao động với nhà hát.
Vào thời điểm ấy, ông Trần Khánh Hoàng báo bệnh, giao lại cho ông Trần Quý Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch TP HCM, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình làm việc của nhóm nghệ sĩ Ngọc Trinh với nhà hát. Ngày 1-11-2014, Nhà hát Kịch TP HCM tổ chức cuộc họp đơn phương quyết định chấm dứt hợp tác với Ngọc Trinh, dẫn đến hủy bỏ những suất diễn dù đã bán vé, 6 vở kịch do nghệ sĩ này đầu tư dàn dựng cũng không diễn được tại sân khấu của nhà hát này suốt 3 năm qua.
Theo lý lẽ của bị đơn, Nhà hát Kịch TP HCM không ký bất kỳ văn bản nào về việc hợp đồng đầu tư, khai thác vở diễn với Ngọc Trinh, dù đã gửi bản thỏa thuận qua email nhiều lần, thúc hối nghệ sĩ này ký kết. Phía nguyên đơn cho rằng dù những thỏa thuận không được ký kết nhưng vẫn thực hiện đúng trên tinh thần của buổi họp báo công khai (ngày 10-4-2014). Theo đó, nghệ sĩ Ngọc Trinh đầu tư vốn, Nhà hát Kịch TP HCM hỗ trợ mặt bằng, tạo mọi điều kiện để nhóm nghệ sĩ xã hội hóa của cô mở màn hằng đêm.
Sự kiện khiến "giọt nước tràn ly" là cuộc họp chấm dứt hợp tác với Ngọc Trinh của Nhà hát Kịch TP HCM, mà ông Trần Quý Bình xác nhận là đã báo cáo với giám đốc Trần Khánh Hoàng.
Nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch TP HCM Trần Khánh Hoàng và đối tác - nghệ sĩ Ngọc Trinh tổ chức họp báo công bố dự án hợp tác của 2 bên trong ngày 10-4-2014
Nghệ sĩ Ngọc Trinh đã quyết định khởi kiện ra TAND quận 1, yêu cầu tòa buộc Nhà hát Kịch TP HCM hoàn trả chi phí đầu tư cho 6 vở kịch đã biểu diễn, chi phí bù lỗ diễn viên biểu diễn, chi phí đầu tư kịch bản diễn Tết năm 2015…, tổng cộng hơn 546 triệu đồng.
Phủ nhận lời khai của nghệ sĩ Ngọc Trinh, ông Trần Khánh Hoàng thừa nhận hai bên từng có sự hợp tác với nhau. Sau đó, ông đặt vấn đề sẽ ký hợp đồng hợp tác với Ngọc Trinh. Nhà hát đã soạn hợp đồng trình lên Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) để hợp thức hóa hoạt động của nhóm kịch Ngọc Trinh. Song, nghệ sĩ Ngọc Trinh không chịu ký kết, muốn được kiểm soát tiền bán vé và mọi chi phí của nhóm - theo ông Hoàng thì không thể chấp nhận.
Luật sư Hà Hải (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà hát Kịch TP HCM) cho rằng khi tranh chấp với nhà hát, nghệ sĩ Ngọc Trinh là người lao động của đơn vị này (thể hiện bằng hợp đồng lao động) chứ không phải đối tác (vì thỏa thuận hợp tác không có chữ ký, không có số, thời gian). Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Văn Sinh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nghệ sĩ Ngọc Trinh), dù không ký kết nhưng những thỏa thuận miệng giữa Ngọc Trinh và nhà hát đã được thực hiện. Điều đó thể hiện qua tinh thần mà nhà hát tổ chức họp báo công bố với báo chí và số tiền đầu tư cho 6 vở diễn đã được các cá nhân là diễn viên, chuyên viên kỹ thuật, thiết kế cảnh trí, đạo diễn, tác giả xác nhận khi tòa triệu tập đầy đủ trong phiên xét xử này.
Chỉ vì cả tin
Tại phiên tòa, nghệ sĩ Ngọc Trinh đã khóc khi kể về những tổn thương tinh thần của mình. Ngọc Trinh phải đi điều trị chứng bệnh rối loạn trầm cảm dẫn đến việc mẹ già lo lắng, sinh bệnh; diễn viên đàn em thì xem thường vì sự thất hứa của cô khi mời họ về cộng tác với nhà hát.
Nghệ sĩ Ngọc Trinh đề nghị tòa giải quyết việc tranh chấp giữa cô và nhà hát với tư cách một đối tác. Theo nghệ sĩ Ngọc Trinh, khi đến Nhà hát Kịch TP HCM, cô mong muốn trở thành đối tác nhưng ông Trần Khánh Hoàng đã đề nghị ký hợp đồng lao động trong vai trò diễn viên, với mức lương 1,8 triệu đồng/tháng. Sau đó, Ngọc Trinh thấy ức chế, bất mãn vì nhà hát không xem mình là đối tác, liên tục ban hành các quyết định buộc cô phải thực hiện.
Đạo diễn Ngọc Hùng nhìn nhận: "Tất cả chỉ vì cả tin mà ra. Ngọc Trinh và nhà hát đã có giai đoạn thuận thảo, làm việc bằng tình cảm, không đặt nặng vấn đề pháp lý nên dẫn đến cớ sự này. Để thấu tình đạt lý, nhà hát phải có trách nhiệm trong việc bồi thường cho Ngọc Trinh vì đơn phương chấm dứt hợp tác. Dù chưa ký kết thành văn bản hợp tác nhưng việc nhà hát tổ chức cuộc họp, có văn bản quyết định chấm dứt hợp tác với Ngọc Trinh rõ ràng là xử ép đối tác của mình".
Nghệ sĩ Ngọc Trinh cho rằng mỗi đêm diễn kịch, cô phải trả cho nhà hát 4 triệu đồng tiền điện nước, nhân viên phục vụ... Tổng cộng, cô đã nộp cho nhà hát 250 triệu đồng. Trong khi đó, ông Âu Hoàng Khánh, đại diện cho Nhà hát Kịch TP HCM tại phiên tòa, cho biết thời gian Ngọc Trinh diễn kịch tại đây, nhà hát bị thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng.
Hai bên đã đưa ra những tranh luận, có cái thừa nhận, có cái bác bỏ nhau. Cốt lõi của vấn đề chính là sự dễ dãi trong quản lý và thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc hợp tác khai thác biểu diễn tại Nhà hát Kịch TP HCM.
Ông Âu Hoàng Khánh đã đưa ra phương án hòa giải với nghệ sĩ Ngọc Trinh - nhà hát sẽ hoàn toàn miễn phí 52 suất diễn cho cô trong 1 năm, không thu bất kỳ chi phí nào để cô có thể sáng đèn biểu diễn 6 vở kịch của nhóm. Tuy nhiên, nghệ sĩ Ngọc Trinh cho biết cô không còn tiền để đầu tư và phục hồi 6 vở kịch. Cô vẫn giữ nguyên yêu cầu chính đáng là nhà hát phải bồi thường số tiền mà mình đã bỏ ra.
Phiên tòa đã dời lại vào sáng 7-7 do đại diện VKSND không đủ sức khỏe để tiếp tục. Dù kết quả thế nào thì sự tổn thương đối với hai bên đã xảy ra, lòng tin của nghệ sĩ đối với nhà hát cũng khó lấy lại.
"Ai thắng, ai thua cũng đều có cái giá của nó. Vấn đề là sàn diễn sẽ sáng đèn với những tác phẩm mới hay lại là sự rụt rè, sợ sệt của nghệ sĩ khi nghĩ đến liên kết làm ăn với các đơn vị nghệ thuật quốc doanh?" - NSƯT Đàm Loan băn khoăn.
Không can thiệp kịp thời
Chưa phiên xét xử nào lại có đông nghệ sĩ đến tham dự như vụ kiện này. NSƯT Đàm Loan bức xúc: "Nếu ngay từ đầu đã thấy có nguy cơ sẽ dẫn nhau ra tòa, nhà hát phải có văn bản, tổ chức họp để phân tích đúng sai việc hợp tác này. Không thể trước đó họp báo công bố kế hoạch của Ngọc Trinh, một mặt đánh bóng thương hiệu của nhà hát, để báo cáo với cấp trên là mình hoạt động có hiệu quả, một mặt sẵn sàng chặt đứt mối quan hệ với đối tác bằng cách dẫn giải lý do chưa ký hợp đồng. Làm như thế là không chấp nhận được".
NSƯT Đàm Loan đặt vấn đề: Vai trò của Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM đối với vụ việc này như thế nào? Thực tế, khi vụ việc mới xảy ra, Ngọc Trinh đã trình bày với lãnh đạo sở. Nếu sở can thiệp kịp thời sẽ không dẫn đến việc nghệ sĩ và nhà hát phải kéo nhau ra tòa.