13 năm hiếm muộn phải uống cả ki-lô-gam thuốc, tiêm hàng trăm mũi, tốn 700 triệu đồng mới có tin vui

Thảo Nguyên - Ngày 07/06/2023 14:00 PM (GMT+7)

13 năm vất vả trong hành trình tìm con là 13 năm đầy khó khăn đau đớn của người mẹ hiếm muộn.

Mang thai được 13 tuần và mới đo độ mờ da gáy, làm xét nghiệm tổng quát cho mẹ và bé mọi thứ đều trong giới hạn bình thường, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngọc Thơ, sinh năm 1989 ở Long Phước, tỉnh Bình Phước mới thấy yên tâm phần nào.

Chị Thơ chia sẻ, cuối năm 2011, vợ chồng chị bắt đầu khám hiếm muộn ở bệnh viện Từ Dũ. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị tắc 1 bên vòi trứng và khả năng có thai tự nhiên còn 50%.

Vợ chồng chị Thơ. (Ảnh: NVCC)

Vợ chồng chị Thơ. (Ảnh: NVCC)

Sau lần đi khám đầu tiên về, chị Thơ để mang bầu tự nhiên trong 6 tháng nhưng không có kết quả. Vì thế chị lại khăn gói xuống viện Từ Dũ để bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI).

“Tại đây, mình làm IUI tiêm kích trứng và uống thuốc theo phác đồ bác sĩ đưa ra. Về tầm 10 ngày bắt đầu thử thai, mỗi ngày 1 que thử mãi đến ngày 14 đi lấy máu, cầm kết quả âm tính trên tay, mình khóc rũ rượi ngay tại bệnh viện”, chị Thơ nhớ lại.

3 tháng sau khi làm IUI không thành, chị Thơ lại tự tìm hiểu bệnh rồi khăn gói xin làm hồ sơ nhập viện mổ nội soi thông tắc vòi trứng. Mổ xong bác sĩ báo kết quả chị bị tắc 1 bên tai vòi phải, vòi bên trái thì tái tạo vẫn thông. Sau đó, chị về để tự nhiên 6 tháng xem có thai không nhưng tin vui vẫn biệt tăm.

“Sau mổ thông tắc vòi trứng và IUI xong thì vợ chồng hết tiền nên chỉ ở nhà uống thuốc nam, thuốc bắc, đi chùa, đi nhà thờ cầu con. Ai chỉ đâu cũng đi. Cho đến năm 2018, bên nhà chồng có 1 đứa em gái cưới trước mình 1 năm đi làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và may mắn lần đầu đã được 1 bé trai. Thấy vậy 2 vợ chồng lại khăn gói lên đường theo vợ chồng em ấy xuống bệnh viện mang theo tập hồ sơ dày cộm”, mẹ hiếm muộn kể.

Vợ chồng chị Thơ đã trải qua hành trình gian nan để tìm con.

Vợ chồng chị Thơ đã trải qua hành trình gian nan để tìm con. 

Tại viện, các bác sĩ đã cho vợ chồng trẻ làm thêm những xét nghiệm và siêu âm cần thiết để làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) do tắc 1 bên tai vòi trứng. Sau đó, chị Thơ được tiêm kích trứng và được 6 phôi ngày 3. Lần 1 chị đặt 2 phôi nhưng kết quả không có thai. 3 tháng sau chị quay lại đặt phôi tiếp nhưng phải tạm dừng vì nghi ngờ bị polip tử cung do nội mạc quá dày và điều trị thuận lợi cho đến ngày đặt phôi. Nhưng sau khi đặt phôi lần 2, dù nghỉ dưỡng hoàn toàn nhưng chị Thơ vẫn thất bại.

“Mình lại nghỉ 2 năm để lấy lại tinh thần và xây dựng kinh tế chuẩn bị thụ tinh ống nghiệm lần nữa. Gần chục năm trôi qua mà vẫn không biết nguyên nhân cứ đi tìm con trong vô vọng. Và lần này, mình được 5 người đã chữa hiếm muộn thành công giới thiệu địa chỉ bác sĩ chữa hiếm muộn giỏi. Bác sĩ đã xem toàn bộ hồ sơ của mình xong nói làm lại IVF lần nữa, lần này sẽ nuôi phôi lên ngày 5 để kết quả cao hơn ngày 3”, chị Thơ nói.

Và chị Thơ lại bắt đầu quá trình tiêm kích trứng và lấy được 23 trứng tạo được 8 phôi ngày 5. Quá trình đặt phôi tiếp khiến vợ chồng chị Thơ lại hy vọng tràn trề. Nhưng hôm lấy máu, kết quả vẫn không có gì nên người vợ này lại thất vọng. Cả bệnh nhân và bác sĩ đều rất buồn.

13 năm hiếm muộn phải uống cả ki-lô-gam thuốc, tiêm hàng trăm mũi, tốn 700 triệu đồng mới có tin vui - 3

13 năm hiếm muộn phải uống cả ki-lô-gam thuốc, tiêm hàng trăm mũi, tốn 700 triệu đồng mới có tin vui - 4

13 năm hiếm muộn phải uống cả ki-lô-gam thuốc, tiêm hàng trăm mũi, tốn 700 triệu đồng mới có tin vui - 5

Hành trình tìm con tốn nhiều tiền của, thời gian và cả đau đớn, vất vả của vợ chồng hiếm muộn. (Ảnh: NVCC)

Hành trình tìm con tốn nhiều tiền của, thời gian và cả đau đớn, vất vả của vợ chồng hiếm muộn. (Ảnh: NVCC)

“Bắt đầu chu kỳ kinh tiếp theo, mình lại xuống gặp bác sĩ và xin bác cho được mổ nội soi tìm nguyên nhân đặt phôi nhiều lần thất bại. Bởi siêu âm hay làm những kỹ thuật bình thường đều không tìm ra được nguyên nhân phôi không bám. Mình không tin cơ thể bình thường mà lại không có con nên nhờ bác sĩ phải tìm ra đúng nguyên nhân, giúp sửa chữa nguyên nhân đó thì mới có con được. Sau đó bác sĩ đã đồng ý mổ cho mình và tìm được nguyên nhân sau 10 năm hiếm muộn là do mình bị viêm mãn tính toàn bộ bề mặt nội mạc do lạc nội mạc trong cơ tử cung gây ra”, chị Thơ kể.

Theo đó, bệnh này sẽ phải điều trị trong vòng 6 tháng. Tỉ lệ đặt phôi thành công cho mỗi lần đặt dù phôi tốt, nội mạc tốt chỉ là 35 % (rất thấp). Dù rất buồn và tuyệt vọng nhưng vợ chồng trẻ vẫn đồng ý tiếp tục hành trình.

“Mình tiêm thuốc ức chế trong 6 tháng, mỗi tháng 1 mũi và siêu âm 1 lần. Tiêm thuốc này làm cho cơ thể nóng bức, bực bội cáu gắt. Qua 6 tháng bác sĩ nội soi xác định là đã ức chế được 90% bệnh lạc nội mạc và bắt đầu canh nội mạc lại rồi đặt phôi tiếp cho mình”.

Lần đặt phôi thứ 4 này, chị Thơ xác định như mọi lần tỉ lệ thành công thấp nên sẽ thất bại. Nhưng 5 ngày sau đặt phôi chị bắt đầu thử que thì lên 2 vạch mờ và vạch cứ đậm lên từng ngày. Kết quả xét nghiệm máu sau đó cho thấy chị Thơ có thai mà 2 vợ chồng không tin ở mắt mình. Hiện thai đã được 13 tuần, phát triển ổn định khiến vợ chồng chị rất hạnh phúc.

13 năm hiếm muộn phải uống cả ki-lô-gam thuốc, tiêm hàng trăm mũi, tốn 700 triệu đồng mới có tin vui - 7

Mỗi lần xét nghiệm hay chuyển phôi là 1 số tiền không hề nhỏ. (Ảnh: NVCC)

Mỗi lần xét nghiệm hay chuyển phôi là 1 số tiền không hề nhỏ. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về 13 năm tìm con của mình, chị Thơ cho biết đã phải uống thuốc tính bằng kg, tiêm trên 100 mũi kim lớn nhỏ với 4 lần gây mê, 1 lần gây tê tủy sống, dùng trên 100 que thử thai. Hành trình này cũng tốn của vợ chồng chị hơn 700 triệu đồng với quá nhiều lo âu và nước mắt. Nhưng cuối cùng, may mắn chị đã có bầu.

“Mình muốn chia sẻ với những mẹ hiếm muộn câu chuyện của vợ chồng mình. 13 năm là một hành trình quá dài để khi nghĩ đến là mình đã sợ nổi da gà. Nhưng các mẹ hiếm muộn đừng dừng lại, khát khao mong chờ cuối cùng sẽ thực hiện được. Đừng dừng lại ngay cả khi nhiều lần điều trị thất bại nhé”, chị Thơ gửi lời nhắn nhủ tới các chị em hiếm muộn.

Mẹ Việt hiếm muộn làm IVF: Chuyển 1 phôi đậu song thai 1 trai 1 gái, nghi ngờ có sự nhầm lẫn
Dù thành công ngay lần chuyển phôi đầu tiên và may mắn chuyển 1 phôi sinh được song thai 1 trai 1 gái nhưng vợ chồng này từng nơm nớp lo sợ nhầm lẫn.

IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề IVF - Thụ tinh trong ống nghiệm