3 lần đình chỉ thai kỳ, mẹ Hòa Bình phải uống thuốc giữ thai đến lúc lên bàn mổ

Thảo Nguyên - Ngày 13/03/2023 09:00 AM (GMT+7)

Với nhiều mẹ bỉm, hành trình có con của họ rất dễ dàng và thuận tiện nhưng với bà mẹ này đã phải trải qua những ngày tháng chật vật.

Vợ chồng chị Lê Thị Lương (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi ở Hòa Bình đã kết hôn 6-7 năm nhưng chưa may mắn có con nên chị thường sợ hãi những lần ai đó hỏi về việc sinh đẻ hay bầu bí.

Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Lương thống nhất sinh con ngay. Sau bao mong ngóng tin vui cũng đã đến. Mặc dù có thai tự nhiên nhưng chị lại không giữ được con và được hưởng hạnh phúc 1 lần làm mẹ.

Lần đầu tiên mang bầu, chị Lương vui mừng khôn xiết. Mặc dù bị nghén nặng, bụng to lên rất nhanh nhưng chị lại không thấy thai nhi máy. Thai 9 tuần, chị đi thăm khám lại theo khuyến cáo của bác sĩ thì phát hiện bị chửa trứng. Bác sĩ yêu cầu chị phải đình chỉ thai kỳ để kịp thời tránh các tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.

Sau 3 lần phải đình chỉ thai kỳ, người vợ này mới được đón nhận thiên thần nhỏ chào đời. (Ảnh: BSCC)

Sau 3 lần phải đình chỉ thai kỳ, người vợ này mới được đón nhận thiên thần nhỏ chào đời. (Ảnh: BSCC)

Mất con đầu lòng, với chị Lương như một cú sốc lớn. Nhưng được chồng và người thân động viên, người vợ trẻ lại vượt qua ám ảnh và tin vui đã đến với chị lần 2. Suốt cả thai kỳ chị luôn đi khám đều đặn. Song khi ở tuần thai thứ 24, mặc dù không có dấu hiệu bất thường nhưng chị vẫn bị đẻ non. Do thai nhi trong bụng quá non nớt, chưa phát triển đầy đủ nên lần thứ 2 chị lại phải chấp nhận mất con.

Mất con lần 2, sự tổn thương và nỗi ám ảnh luôn bám theo người phụ nữ này. Đến nỗi nhiều tháng tiếp theo chị Lương mới vượt qua được bi kịch ấy.

Hơn một năm sau đó, chị Lương lại cấn bầu lần 3. Lần này, chị đón tin vui với trái tim đầy tổn thương và nỗi lo sợ từ 2 lần mất con trước. Nhưng rồi ở tuần từ 21 của thai kỳ, mẹ bầu tội nghiệp này lại buộc phải đình chỉ thai kỳ vì thai dị tật. Lần nữa, vợ chồng chị lại phải đối mặt với bi kịch mất con thứ 3.

3 lần phải đình chỉ thai nghén, không thể tiếp tục giữ con khiến vợ chồng Hòa Bình lo sợ đi khắp nơi thăm khám và tìm nguyên nhân nhưng không ra. Chị uống nhiều thuốc Nam, thuốc đông y để điều trị.

Lần thứ 4, vợ chồng chị Lương may mắn đậu thai. Để chắc chắn có thai kỳ an toàn và giữ được con ở bên mình, 2 vợ chồng lặn lội từ Hòa Bình về Hà Nội để thăm khám và theo dõi thai kỳ.

“Do thai kỳ của chị Lương dọa đẻ non và nguy cơ thai lưu nên phải dùng thuốc tiêm giữ thai đến tận lúc mẹ bầu lên bàn mổ. 38 tuần, một cậu bé kháu khỉnh đã chào đời, nặng 3,6kg trong sự hồi hộp và hạnh phúc đến phát khóc của vợ chồng họ. Thật sự lúc con khóc chào đời cũng là lúc bác sĩ và bố mẹ con hạnh phúc cười tươi nhất”, bác sĩ BSCKI Nguyễn Thị Sim (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội) chia sẻ. 

Bác sĩ Sim cùng ê kíp của mình trong 1 ca hỗ trợ sản phụ sinh con. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Sim cùng ê kíp của mình trong 1 ca hỗ trợ sản phụ sinh con. (Ảnh: BSCC)

Bác sĩ Sim cho biết, nhiều mẹ bầu có thể phải đối mặt với tình trạng liên tục buộc phải đình chỉ thai kỳ do không thể giữ thai được. Có nhiều nguyên nhân khiến họ phải đình chỉ thai kỳ như: bất thường nhiễm sắc thể, bất thường tử cung, yếu tố miễn dịch, bất thường nội tiết, tinh trùng bất thường, bị bệnh nội khoa... Thậm chí có đến 75% các trường hợp sảy thai liên tiếp không tìm được nguyên nhân.

Tuy nhiên, các mẹ bầu cũng không cần quá lo lắng vì khả năng có thai bình thường ở những lần sau là 50 - 60% nếu mẹ đảm bảo sức khỏe và không quá lớn tuổi.

Vì vậy để những lần mang bầu sau hạn chế được tối đa nguy cơ sảy thai liên tiếp, bác sĩ Sim khuyên các mẹ bầu nên lưu ý:

- Nên đi khám sức khỏe trước khi mang bầu để nắm bắt tình hình sức khỏe, nếu có vấn đề gì cần điều trị trước khi mang thai để giảm thiểu nguy cơ gặp các bất thường trong thai kỳ.

- Khi mang thai, cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nhất là protein, đạm, vitamin, khoáng chất, ăn nhiều trái cây, rau xanh… vì lúc này mẹ không chỉ nuôi bản thân mà còn nuôi một sinh linh bé bỏng trong bụng. Nếu không ăn uống đủ chất, thai nhi sẽ không có chất dinh dưỡng để phát triển

- Nên đi khám thai định kỳ thường xuyên để phát hiện các bất thường sớm nhằm đưa ra giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, qua mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ bầu chế độ dinh dưỡng, tập luyện phù hợp để có được một thai kỳ khỏe mạnh.

- Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu tuyệt đối không được uống rượu bia, hút thuốc lá hay đứng cạnh người hút thuốc vì chúng là những chất độc hại gây nguy hiểm cho thai nhi.

- Gữ tinh thần thoải mái trong suốt thai kỳ vì yếu tố tâm lý ảnh hưởng lớn đến quá trình mang thai.

- Khi mang thai, mẹ nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, cân đối hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe.

- Từ lúc biết mình mang thai, nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào mẹ cũng nên đi khám, đừng chủ quan cho rằng những bất thường đó là nhỏ, không đáng ngại.

Hy hữu ca sinh đôi ở Hà Nội, một bé còn nguyên trong bọc ối
Sản phụ 28 tuổi ở Hà Nội, mang song thai ở tuần 31, sinh non một gái một trai, bé trai chào đời trước, bé gái ra sau nhưng điều hy hữu là vẫn còn nguyên trong bọc ối.

Sinh đôi và đa thai

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai