Bà bầu có được ăn ngải cứu không? Nhiều người thường cho rằng, việc mang bầu ăn ngải cứu, đặc biệt là khi mới có bầu sẽ dễ gây sảy thai và không tốt đối với thai nhi. Vậy liệu có thai có được ăn ngải cứu không?
Theo Đông y, ngải cứu có tên khoa học là Artemisia Vulgaris, mùi thơm nồng, vị hơi đắng hoặc rất đắng theo mùa, có thể dùng để chế biến món ăn hoặc sao khô làm thuốc rất tốt đối với sức khỏe.
Một số công dụng của ngải cứu
Trong dân gian cũng như Đông y, Tây y, ngải cứu mang đến rất nhiều công dụng tuyệt vời đối với tiêu hóa như chán ăn, trào ngược dạ dày, những bệnh lý ở bàng quang. Ngoài ra, ngải cứu còn được nghiên cứu ứng dụng để điều trị hạ sốt, bệnh gan, đau cơ, trầm cảm, nhiễm giun hoặc giảm trí nhớ.
Bà bầu có được ăn ngải cứu không? (Ảnh minh họa)
Ngải cứu còn được dùng để làm tinh dầu, dầu ngải cứu có thể dùng để thoa trực tiếp lên da trong bệnh lý viêm khớp hoặc bị côn trùng cắn do có tác dụng làm giảm đau của các hợp chất trong cây ngải cứu. Đối với sản xuất, dầu ngải cứu được dùng như một chất để tạo mỹ phẩm, tạo mùi trong xà phòng hoặc nước hoa, cũng có thể dùng trong thuốc diệt côn trùng.
Tuy có nhiều công dụng tốt dành cho sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh nhưng nếu như dùng quá liều, ngải cứu có thể gây hiện tượng ảo giác, thậm chí co giật hoặc tử vong.
Bà bầu có được ăn ngải cứu không?
Đối với người bình thường, nếu như dùng ngải cứu với liều quá mức có thể gây nên một số tác dụng phụ trầm trọng. Vì thế, với những đối tượng như phụ nữ mang thai và cho con bú, các loại thảo dược như ngải cứu cần phải lưu ý sử dụng.
Tại một số nghiên cứu, trong ngải cứu có thành phần thujone có khả năng gây co bóp tử cung làm sinh non hoặc sảy thai hoặc cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây suy thận hoặc làm nặng nề tình trạng suy thận (nếu có) ở các thai phụ.
Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh độ an toàn khi dùng ngải cứu cho bà bầu. (Ảnh minh họa)
Hiện tại, chưa có đầy đủ bằng chứng để chứng minh ngải cứu có hại hay có lợi trong thai kỳ nên cần phải nghiên cứu sâu hơn. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi, trước khi sử dụng, mẹ bầu cần phải tham khảo thật kỹ lưỡng.
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu có nên ăn ngải cứu không?
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu là đối tượng không nên sử dụng bất kỳ dược liệu nào, đặc biệt là rau ngải cứu. Lý do hàm lượng thành phần trong ngải cứu có thể gây co bóp tử cung, nếu ăn nhiều sẽ khiến dẫn đến nguy cơ bị sảy thai.
Không những thế, với một số mẹ bầu có cơ địa là máu nóng hoặc nhạy cảm thì cũng cần phải tránh xa ngải cứu trong 3 tháng đầu để tránh dẫn đến tình trạng co bóp tử cung hoặc ra máu nhiều.
Bà bầu nếu có cơ địa yếu, từng sảy thai, sinh non, không nên ăn ngải cứu. (Ảnh minh họa)
Bà bầu có nên ăn gà tần ngải cứu không?
Theo Đông y, đối với các mẹ bầu mang thai từ tháng thứ 4 trở đi, có thể dung nạp khoảng một lượng nhỏ ngải cứu, khoảng 3-5 ngọn/lần ăn và không nên ăn quá 2 lần/tháng. Do vậy, có thể dùng gà hầm ngải cứu để bổ sung thêm các chất dinh dưỡng dành cho cơ thể. Tuy vậy, để đảm bảo an toàn, cần phải tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi ăn ngải cứu.
Ngoài món ngải cứu hầm gà, một số món như ngải cứu trứng vịt lộn, ngải cứu trứng gà, bà bầu cũng chỉ nên ăn một lượng rất nhỏ từ tháng thứ 4 trở đi. Song nếu mẹ có cơ địa yếu, đã từng sảy thai, động thai, sinh non, tốt nhất không nên ăn gà hầm ngải cứu.
Mang thai là thời kỳ nhạy cảm, do vậy, khi có nhu cầu sử dụng bất kỳ loại thảo dược hoặc cây thuốc nào, mẹ bầu cũng nên có sự tham khảo thật kỹ lưỡng, hãy nhờ đến sự tư vấn của những người có chuyên môn để có thai kỳ khỏe mạnh nhất.