Nhờ được truyền ối kịp thời mà mẹ bầu 23 tuổi này đã giữ được thai và sinh con gái khỏe mạnh ở tuần thai thứ 37.
Chiều 30/3/2023 có lẽ là ngày vui và hạnh phúc nhất của gia đình sản phụ N.T.N.H, 23 tuổi. Bởi sau một hành trình dài mang thai với bao lo lắng, tưởng có lúc suy sụp phải bỏ thai thì cuối cùng sản phụ này đã mẹ tròn con vuông, đón con gái nhỏ chào đời khỏe mạnh.
Được biết, khi đang mang bầu ở tuần thứ 25 thì mẹ bầu H. bị cạn hết ối. Đi khám, mẹ bầu 23 tuổi được các bác sĩ chỉ định đặt thuốc gây chuyển dạ để bỏ thai. Tuy nhiên không chấp nhận mất đứa con gái đầu lòng nên chị H. quyết định chuyển sang bệnh viện Phụ sản Hà Nội để thăm khám và điều trị.
Trải qua thai kỳ vất vả vì bị cạn ối phải truyền ối 3 lần, chị H. đã đón con gái nhỏ chào đời. (Ảnh: BSCC)
Tại đây, qua thăm khám, chị H. được kết luận đã bị cạn ối và phải truyền ối để giữ thai. Cụ thể, mẹ bầu đã được truyền ối tất cả 3 lần khi ở tuần thai 27, 29 và tuần 32. Ngoài ra, chị còn được các bác sĩ quản lý thai kỳ chặt chẽ, điều chỉnh chế độ ăn hàng ngày để tránh biến chứng của tình trạng thiểu ối và đái tháo đường thai kỳ.
Nhờ nỗ lực can thiệp truyền ối cho bào thai mà đã giữ được thai nhi phát triển bình thường cho sản phụ. Khi ở 37 tuần 2 ngày, chị H. đã lên bàn mổ và bé gái 2,5kg chào đời khỏe mạnh trong sự vui mừng của gia đình và ê-kip y bác sĩ.
Theo TS.Bs Nguyễn Thị Sim - Phụ trách trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – người trực tiếp theo dõi và điều trị truyền ối cho sản phụ Huyền cho biết, nước ối là môi trường quan trọng cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mỗi mẹ bầu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một số mẹ bầu được chẩn đoán thiếu ối, cạn ối, hết ối. Nếu tình trạng thiểu ối này không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho thai nhi như chậm phát triển, dị dạng, phải bỏ thai...
TS.Bs Nguyễn Thị Sim cũng cho biết, truyền ối hiện nay là phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị tình trạng thiếu ối cho thai phụ. Mục đích truyền ối cho mẹ bầu thiếu ối là đưa mức nước ối trở lại mức bình thường, giúp thai nhi tiếp tục phát triển, đồng thời tránh được những rủi ro có thể xảy ra do thiếu ối.
Chiều ngày 30/3/2023 có lẽ là ngày vui và hạnh phúc nhất của gia đình sản phụ. (Ảnh: BSCC)
Người bác sĩ là chuyên gia can thiệp bào thai Nguyễn Thị Sim cho biết thêm, truyền ối cho thai phụ thiếu ối phải được thực hiện trong môi trường vô trùng tuyệt đối để tránh gây nhiễm trùng nguy hiểm cho mẹ và bé. Đồng thời, kỹ năng đưa kim vào buồng ối phải được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và tay nghề chuyên môn cao. Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ nhất cũng có thể khiến quá trình truyền ối thất bại.
“Sau khi truyền 3 lần ối cho thai phụ cạn ối trên, chúng tôi đã tiến hành theo dõi thai phụ chặt chẽ cho đến khi mức nước ối trở về an toàn. Và ở tuần 37, thai phụ đã mổ đẻ thành công, đón con yêu chào đời. Đây là nỗ lực của bệnh viện khi can thiệp truyền ối sớm để giúp nhiều sản phụ thiếu ối được mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Sim nói.