Chuyển động của thai nhi là biểu tượng của sự sống, sức sống và tình trạng của bé trong bụng mẹ. Sự xuất hiện của những chuyển động này chính là sự phản hồi của em bé muốn thông báo với mẹ bầu: “Con đang ổn.”
Chuyển động của thai nhi bắt đầu khi nào?
Thông thường từ khoảng tuần thứ 18-20 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ nhận thấy những chuyển động của em bé trong bụng. Tuy nhiên, vì những chuyển động này còn khá nhẹ nen không phải người mẹ nào cũng dễ dàng nhận thấy. Những chuyển động này chỉ thực sự rõ ràng sau 20 tuần thai, lúc này em bé trong bụng sẽ duỗi tay, đá, xoay người, đạp chân vào thành tử cung. Các chuyển động này sẽ ngày càng tăng dần về độ mạnh và nhiều hơn theo tuần thai.
Từ tuần thứ 28-38 của thai kỳ, vì tử cung khá rộng rãi nên thai nhi có nhiều không gian để chơi đùa và chuyển động. (ảnh minh họa)
Từ tuần thứ 28-38 của thai kỳ, vì tử cung khá rộng rãi nên thai nhi có nhiều không gian để chơi đùa và chuyển động. Đây cũng là giai đoạn thai nhi chuyển động mạnh mẽ nhất. Đến những tuần cuối như 39-40 tuần thai, khi đầu em bé đã quay xuống và lọt vào khung xương chậu, số lượng chuyển động của thai nhi sẽ giảm đi đáng kể, đây là điều hoàn toàn bình thường.
Làm thế nào để đếm chuyển động của thai nhi chính xác nhất?
Chuyển động của thai nhi không chỉ là sợi dây gắn kết giữa mẹ bầu và em bé trong bụng mà đây còn là phương pháp lâu đời, được sử dụng phổ biến nhất để đánh giá sức khỏe thai nhi. Khi chuyển động của thai nhi giảm hoặc quá thường xuyên thì người mẹ cần theo dõi cẩn thận bởi chuyển động bất thường đôi khi là dấu hiệu thai nhi đang gặp phải vấn đề nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của bé. Chính vì vậy việc chú trọng theo dõi những chuyển động của em bé là vô cùng quan trọng.
Thông thường từ tuần thứ 28 của thai kỳ, mẹ cần phải đếm số lượng chuyển động của thai nhi mỗi ngày. Cách thực hiện như sau:
- Mỗi buổi sáng, trưa, tối, mẹ nên dành thời gian đếm cử động của bé sau mỗi bữa ăn vì mức đường huyết sau bữa ăn cao, thai nhi cũng sẽ tràn đầy năng lượng và hoạt động nhiều hơn. Thời gian đếm tốt nhất là từ 8-9h, 13-14h và 20-21h.
- Khi đếm chuyển động của thai nhi, mẹ hãy ngồi yên hoặc nằm nghiêng, đếm trong vòng 1 giờ mỗi lần, sau đó nhân số lần chuyển động của 3 lần với 4 giờ sẽ được tổng cộng số chuyển động của bé trong 12 giờ.
Thai nhi nấc có được tính là chuyển động không?
Nấc không được coi là chuyển động của thai nhi. Nấc là do sự chuyển động bất thường của cơ hoành. Vì các cơ quan chưa được hoàn thiện nên thai nhi chưa tự cân bằng được nhịp nuốt. Khi nuốt, trẻ hít vào hoặc thở ra đẩy nước ối ra ngoài tạo nên tiếng nấc cụt.
Tần suất của hiện tượng này thường là 15-30 phút một lần, thời lượng mỗi lần từ 3-15 phút và 3-5 lần mỗi ngày.
Từ tuần thứ 32, bà bầu thấy em bé trong bụng hay bị nấc thường xuyên và kéo dài. Nguyên nhân có thể là do dây rốn bị chèn ép. Đây là nguyên nhân nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Dây rốn bị chèn ép, lượng oxy được đưa đến bị giảm khiến cho thai nhi bị nấc trong thời gian dài.
Khi bà bầu cảm nhận thấy thai nhi bị nấc trong thời gian dài, cử động thai kém hoặc có dấu hiệu bất thường khác thì mẹ nên đến các phòng khám có chuyên khoa sản uy tín hoặc các bệnh viện có chuyên khoa sản để khám và có hướng điều trị tiếp theo phù hợp với bản thân.