Chửa trứng có gây ung thư không?

Ngày 14/09/2023 07:00 AM (GMT+7)

Chửa trứng đa số lành tính, nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng có thể gây nhiều biến chứng. Vậy ai dễ có nguy cơ bị chửa trứng, phát hiện và xử trí thế nào?

1. Ai dễ có nguy cơ bị chửa trứng?

Chửa trứng (mang thai trứng) là một trong những nguyên nhân gây sảy thai thường gặp. Mang thai trứng xảy ra khi trứng và tinh trùng kết hợp không chính xác trong quá trình thụ tinh và tạo ra một khối u (không phải ung thư). Khối u này không thể hỗ trợ phôi đang phát triển và thai kỳ kết thúc. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, thai trứng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Mang thai trứng là một loại bệnh nguyên bào nuôi thai kỳ, là một nhóm tình trạng khiến khối u phát triển trong tử cung và chửa trứng còn được gọi là nốt ruồi hydatidiform.

Theo Tổ chức nghiên cứu ung thư của Vương Quốc Anh, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng chửa trứng. Nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở phụ nữ.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, một số trường hợp chửa trứng phổ biến hơn ở một số nhóm tuổi nhất định, phổ biến hơn ở phụ nữ trên 45 tuổi.

Nếu phụ nữ đã có hai lần mang thai trứng trở lên thì nguy cơ mang thai trứng lần nữa sẽ cao hơn (khoảng 15 - 20%).

Hình ảnh chửa trứng.

Hình ảnh chửa trứng.

2. Chửa trứng có nguy cơ gây ung thư không?

Theo PGS.TS. Lê Thị Anh Đào, Trưởng Khoa Phụ ngoại A5, chửa trứng là tình trạng thai nghén bất thường, trong đó một phần hay toàn bộ gai rau bị thoái hóa thành các túi chứa dịch to, nhỏ, dính vào nhau thành từng chùm giống như trứng ếch.

Chửa trứng đa số là lành tính nhưng nếu không theo dõi và điều trị đúng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường như: sảy thai, nhiễm trùng, băng huyết, đặc biệt là nguy cơ ung thư tế bào nuôi. Khoảng 25% các ca chửa trứng có thể gây biến chứng nguy hiểm thành ung thư.

Trong trường hợp ác tính hay còn gọi là ung thư tế bào nuôi là khi mô thai trứng xâm lấn vào trong cơ tử cung, gây nên các hậu quả nghiêm trọng như gây thủng tử cung, chảy máu, xâm lấn ra các tạng xung quanh tử cung trong tiểu khung và ổ bụng hoặc di căn xa tạo những khối u ác tính.

Trong trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị chửa trứng, nguy cơ ung thư càng tăng lên gọi là chửa trứng nguy cơ cao.

3. Phát hiện và xử trí chửa trứng như thế nào?

Theo các bác sĩ sản phụ khoa, chửa trứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, nhiễm độc, băng huyết, ung thư nguyên bào…

Do đó phụ nữ cần chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu chửa trứng để theo dõi can thiệp kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Trong giai đoạn đầu, thai phụ bị chửa trứng cũng có biểu hiện mang thai bình thường như tắt kinh, bụng to nhanh... Tuy nhiên, các trường hợp bị chửa trứng thường nghén rất nặng, nôn nhiều, ăn vào lại nôn, một số trường hợp còn bị phù và tăng huyết áp.

Chảy máu âm đạo là triệu chứng phổ biến nhất của thai trứng, thường xảy ra từ tuần thứ 6 - 16 của thai kỳ. Ngoài ra, tử cung của người chửa trứng to không tương xứng với tuổi thai, to hơn bình thường…

Để chẩn đoán chính xác chửa trứng, thai phụ cần phải khám tại cơ sở y tế chuyên khoa và làm các xét nghiệm như: siêu âm bụng, định lượng HCG, estrogen máu, xét nghiệm công thức máu, chụp Xquang bụng…

Nếu đã xác định có thai trứng, cần phải điều trị nạo hút thai trứng sớm để phòng sảy thai gây băng huyết. Cắt tử cung toàn phần cả khối hoặc cắt tử cung toàn phần sau nạo hút trứng thường được áp dụng ở các phụ nữ không muốn có con nữa, phụ nữ lớn tuổi, chửa trứng xâm lấn làm thủng tử cung. Mục đích của cắt tử cung là làm giảm nguy cơ biến chứng thành ung thư tế bào nuôi.

Thai phụ bị chửa trứng sau khi điều trị vẫn cần được theo dõi, xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ để phòng và xử lý kịp thời các nguy cơ biến chứng của chửa trứng.

Chửa trứng cần được can thiệp sớm và theo dõi phòng ngừa nguy cơ ung thư.

Chửa trứng cần được can thiệp sớm và theo dõi phòng ngừa nguy cơ ung thư.

Theo Tổ chức nghiên cứu ung thư của Vương Quốc Anh, các khối u nguyên bào nuôi ở vị trí nhau thai và các khối u nguyên bào nuôi biểu mô là những bệnh ung thư xảy ra sau khi mang thai. Nó có thể xảy ra vài tháng, thậm chí nhiều năm sau khi mang thai, sau bất kỳ hình thức mang thai nào, trong đó có mang thai trứng và phát triển ở khu vực nhau thai dính vào niêm mạc tử cung. Chúng cũng có thể phát triển vào lớp cơ của tử cung và đôi khi có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Về điều trị, khi khối u còn trong bụng mẹ thì phương pháp điều trị chính thường là phẫu thuật. Hầu hết phụ nữ đều phải cắt bỏ tử cung. Nếu ung thư đã lan sang một bộ phận khác trên cơ thể có thể phải hóa trị trước hoặc sau khi cắt bỏ tử cung. Sau khi điều trị, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ và làm các xét nghiệm để kiểm tra.

Theo Thu Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai biến sản khoa