Hà Nội: Nữ hộ sinh dùng tay giữ đầu thai nhi đang nguy kịch vì sa dây rốn, đưa vội vào phòng mổ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 07/03/2023 11:24 AM (GMT+7)

Sau khi sản phụ vỡ ối vào viện, các bác sĩ phát hiện dấu hiệu bất thường nên chuyển ngay lên phòng mổ, quá trình di chuyển phải dùng tay đỡ đầu thai nhi lên trên.

Bác sĩ Phan Mạnh Tiến – Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, các bác sĩ vừa tiến hành mổ cấp cứu cho một sản phụ bị sa dây rốn trong tình trạng thai nhi nguy kịch. Theo đó, sản phụ tên K.T.T.H (25 tuổi, ở Thạch Thất), sinh con lần 2 vào viện trong tình trạng vỡ ối tự nhiên, đau bụng từng cơn liên tục.

Thời điểm vào viện (ngày 5/3), bác sĩ Tiến khi đó đồng thời là trưởng kíp trực đã thăm khám cho sản phụ. Qua thăm khám bác sĩ Tiến nhận định, sản phụ đã bị sa dây rau, cùng lúc đó tim thai đang giảm dần, dấu hiệu suy thai ngày một rõ... Thời điểm đó, nữ hộ sinh Phí Thị Bích Nga phải đưa tay vào âm đạo sản phụ, đẩy đầu thai nhi lên để tránh tì đè lên dây rau, kíp trực nhanh chóng đẩy sản phụ lên thẳng phòng mổ.

“Lúc đó rất khẩn cấp, chúng tôi vừa phải hội chẩn trực lãnh đạo, vừa chuẩn bị phòng mổ, hồi sức nhi cũng có mặt để sẵn sàng cấp cứu cho 2 mẹ con sản phụ. Khi tới phòng mổ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hương trưởng kíp trực gây mê cho sản phụ và ê kíp phẫu thuật nhanh chóng lấy ra một bé trai nặng 3.1kg. Cả quá trình diễn ra vỏn vẹn trong 5 phút”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Sau khi được mổ bắt thai, cháu bé sinh ra trong tình trạng tái nhợt, hô hấp yếu, trương lực cơ kém, kíp cấp cứu sơ sinh ngay lập tức hồi sức cho bé, sau 5 phút em bé đã hồng hào trở lại, khóc to, thở tốt, trương lực cơ và phản xạ tốt, nhịp tim dao động 140 – 160 chu kỳ/ phút. “Bé trai kháu khỉnh ngay sau đó được kề da với mẹ, con đã rất mạnh mẽ cùng mẹ vượt qua cuộc đua với tử thần. Với chúng tôi em bé chính là người hùng và là món quà vô cùng thiêng liêng, ý nghĩa tặng mẹ nhân ngày 8/3”, bác sĩ Tiến chia sẻ.

Em bé chào đời mạnh khỏe bên mẹ là món quà vô giá dành tặng các bác sĩ. (Ảnh: BVCC)

Em bé chào đời mạnh khỏe bên mẹ là món quà vô giá dành tặng các bác sĩ. (Ảnh: BVCC)

Đối với nữ hộ sinh Phí Thị Bích Nga, người đã dùng tay ấn đầu cháu bé khi di chuyển lên phòng mổ, đồng thời phải quỳ gối lấy tay giữ đầu đứa em bé khi bác sĩ mổ thì vỡ òa cảm xúc: “Đây là lần thứ 2 em làm như vậy, suốt quá trình đó vừa hồi hộp, vừa lo lắng cho cháu bé. Đến khi cháu bé chào đời khỏe mạnh em mới thở phào nhẹ nhõm, mọi mệt mỏi tan biến hết, chỉ còn lại cảm xúc hạnh phúc đọng lại”.

Theo bác sĩ Tiến, với trường hợp này, nếu kíp trực không phối hợp nhịp nhanh, thực hiện nhanh chóng để rút ngắn thời gian mổ cấp cứu thì em bé sẽ nguy hiểm đến tính mạng. May mắn là mọi thứ đã thuận lợi, em bé ra đời bình an và khỏe mạnh.

Bác sĩ Tiến cho biết thêm, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn như, do mẹ sinh đẻ nhiều lần; ngôi thai bất thường; đa ối; vỡ ối khi ngôi còn cao... Cho đến nay cũng chưa có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hiện tượng sa dây rốn. Vì vậy, điều quan trọng nhất để tránh tai biến này, các thai phụ cần đi khám thai định kỳ để bác sĩ có thể phát hiện yếu tố nguy cơ để cảnh báo.

Mẹ bầu đang ngủ thì đau đẻ, chồng bất đắc dĩ đỡ đẻ cho vợ, bác sĩ chạy đến cửa phòng bé đã chào đời
Do sinh con thứ 2 và cuộc chuyển dạ quá nhanh chóng nên mặc dù đã đưa nhau tới viện nhưng vợ chồng trẻ vẫn trở tay không kịp.

Câu chuyện đi đẻ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tai biến sản khoa