Suốt quá trình phẫu thuật cho thai phụ 12 tuần, các bác sĩ đã tiến hành hút 2 lít máu trong ổ bụng bệnh nhân, kẹp cắt khối chửa ngoài tử cung vỡ đang chảy máu tại vị trí loa vòi tử cung bên phải và hồi sức tích cực.
Mới đây, các bác sĩ sản khoa bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa thực hiện ca phẫu thuật cứu sống sản phụ bị sốc mất máu do chửa ngoài tử cung vỡ, đe dọa tính mạng thai phụ nghiêm trọng.
Thai phụ H.T.T., 41 tuổi ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng nhiều, ra nhiều máu âm đạo, da niêm mạc nhợt nhạt, chi lạnh, mạch nhanh huyết áp tụt, choáng ngất tại phòng khám.
Được biết, bệnh nhân đang mang thai khoảng 3 tháng và trong suốt thai kỳ, chị T. cho biết mặc dù không bị đau bụng nhưng chị thường xuyên bị ra ít máu đen lẫn máu đỏ tươi trong âm đạo.
Sau khi tiếp nhận và thăm khám cho chị T., các bác sĩ nhận thấy thai phụ có khối chửa ngoài tử cung tương đương thai 12 tuần và có nhiều dịch tự do ổ bụng. Vì thế các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, hút 2 lít máu trong ổ bụng, kẹp cắt khối chửa ngoài tử cung vỡ đang chảy máu tại vị trí loa vòi tử cung bên phải.
Sau 3 ngày trải qua ca phẫu thuật, sức khỏe của chị T. đã ổn định.
Ngoài ra, chị T. được kết hợp hồi sức tích cực và truyền máu, huyết tương trong mổ. Sau 3 ngày trải qua ca phẫu thuật, sức khỏe của chị T. đã ổn định.
Theo các bác sĩ bệnh viện Bãi Cháy, thai ngoài tử cung là bệnh lý phổ biến. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: mất máu nhiều dẫn đến sốc, thậm chí có thể tử vong.
Thông thường, nhiều bệnh nhân chửa ngoài tử cung ở vòi trứng, dù vị trí loa vòi tử cung thích nghi tốt khi túi thai phát triển. Song trường hợp sản phụ T. khối chửa tại loa vòi tử cung bên phải to tương đương 12 tuần là rất hiếm và nguy hiểm.
Để phòng tránh chửa ngoài tử cung, các bác sĩ khuyên các chị em trong độ tuổi sinh nở cần lưu tâm đến những dấu hiệu bất thường như: chậm kinh, đau bụng, ra máu âm đạo… Khi ấy cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị nhanh chóng. Nếu thai phụ có sẹo mổ cũ ở tử cung cần được thăm khám định kỳ để xác định chính xác vị trí của thai nhi, tránh bỏ sót chửa ngoài tử cung và chửa tại sẹo mổ lấy thai cũ.
Những nguy cơ khiến chị em mang thai ngoài tử cung?
Mang thai ngoài tử cung gây nên những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người phụ nữ. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng mang thai ngoài tử cung của các chị em:
- Phụ nữ đã có tiền sử mang thai ngoài tử cung ở những lần thai kỳ trước đó.
- Những người phụ nữ đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu trước đó.
- Phụ nữ bị viêm vùng chậu.
- Phụ nữ có mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung ở phụ nữ, đó là:
- Nghiện thuốc lá.
- Mang thai quá muộn, mang thai ở độ tuổi trên 35 tuổi.
- Phụ nữ bị vô sinh, hiếm muộn.
Hiện nay có một số cách điều trị tình trạng mang thai ngoài tử cung như: sử dụng thuốc, phẫu thuật, theo dõi sự thay đổi của thai ngoài tử cung.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mang thai ngoài tử cung cũng đều bắt buộc phải phẫu thuật. Nếu người phụ nữ được phát hiện mang thai ngoài tử cung từ sớm, kích thước túi thai còn nhỏ, chưa bị vỡ sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Nếu như khối thai đã có kích thước lớn (thường là trên 3cm) thì cần được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, do đó thai phụ nên đi kiểm tra, thăm khám và có sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ và có được sự lựa chọn phù hợp, an toàn cho sức khỏe nhất.
Mang thai ngoài tử cung gây nguy hiểm và có ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ. Do đó, mẹ bầu những kiến thức cơ bản nhất trước khi làm mẹ, thăm khám, kiểm tra thai kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.