Siêu âm thai sẽ giúp theo dõi quá trình phát triển cũng như vị trí, hình thái của em bé trong bụng mẹ.
Siêu âm thai là phương pháp kiểm tra nhờ vào sóng siêu âm để có được hình ảnh của em bé cũng như nhau thai, tử cung cùng những bộ phận khác nằm trong khung chậu người mẹ. Siêu âm thai là biện pháp an toàn giúp bác sĩ theo dõi sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé. Với những mẹ bầu, mỗi lần đi siêu âm còn là cơ hội để ngắm em bé trong bụng, đặc biệt là ở 3 tháng cuối nhìn đường nét của con sẽ càng rõ ràng hơn. Tuy vậy, dù mải ngắm con đến đâu, mẹ bầu 3 tháng cuối khi đi siêu âm cũng nhớ phải hỏi bác sĩ 4 câu hỏi quan trọng dưới đây!
1. Em bé phát triển thế nào?
3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn bé phát triển hoàn thiện, thay đổi vị trí và chuẩn bị chào đời. (Ảnh minh họa)
3 tháng cuối thai kì, sự phát triển của thai nhi là điều mẹ bầu quan tâm hàng đầu. Đặc biệt vào tháng cận ngày sinh, mẹ bầu phải hỏi bác sĩ về tình trạng phát triển của thai nhi như thế nào, có bình thường không, vị trí thai nhi như thế nào… Nếu thai nhi bị dây rốn quấn cổ thì mẹ sẽ cần theo dõi sát sao hơn thông qua cử động của bé yêu, trong trường hợp bé bị dây rốn quấn cổ nhiều vòng, bác sĩ sẽ đưa ra những giải pháp kịp thời để thai nhi không gặp nguy hiểm.
Cùng với đó, vị trí, cân nặng, vòng đầu của con cũng là những thông tin quan trọng để mẹ cân nhắc phương pháp sinh nở phù hợp.
2. Nhau thai thế nào?
Khi đi siêu âm, mẹ thường sẽ chú ý đến em bé nhiều hơn và bỏ qua những vấn đề khác. Vậy nhưng nhau thai rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi, khi đến ngày dự sinh, nhau thai cũng từ từ già đi. Có bốn cấp độ trưởng thành và lão hóa của nhau thai, sau khi trưởng thành đến cấp độ 3, quá trình lão hóa sẽ diễn ra nhanh chóng.
Nếu tình trạng lão hóa nhanh và thai phụ không đi kiểm tra kịp thời có thể khiến trẻ bị ngạt và thiếu oxy, không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe của thai nhi mà còn ảnh hưởng đến thai phụ, vì vậy càng gần đến ngày dự sinh mẹ bầu càng phải quan tâm đến nhau thai. Hãy hỏi bác sĩ xem nhau thai đã lão hóa đến cấp độ nào, có vấn đề gì không?
Bên cạnh thai nhi thì "sức khỏe" của nhau thai cũng rất quan trọng. (Ảnh minh họa)
3. Nước ối có bình thường không?
Khi đi siêu âm, mẹ bầu nhất định không được quên câu hỏi này trong 3 tháng cuối thai kì để có những điều chỉnh kịp thời. Nước ối bất thường thường có các khả năng sau: Nước ối đục, thiếu ối, đa ối…
Nếu thiếu ối trong 3 tháng cuối thai kì, người mẹ cần thăm khám thường xuyên hơn. Thậm chí nếu thiếu ối nặng, mẹ cần nằm viện theo dõi và truyền dịch vào túi ối để đảm bảo đủ nước ối cho thai nhi phát triển.
Một số trường hợp dư ối khi mang thai có thể không gây bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, những trường hợp dư ối nghiêm trọng có thể gây nên tình trạng vỡ màng ối sớm dẫn đến sinh sớm hơn dự kiến, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ, thậm chí có thể gây dị tật xương trẻ khi sinh ra.
4. Khi nào thì đợt kiểm tra định kỳ tiếp theo?
Mẹ phải nhớ hỏi lại lịch khám thai tiếp theo ở cuối mỗi buổi khám. (Ảnh minh họa)
Nếu như trong tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, mẹ bầu không phải đến thăm khám thường xuyên thì bước sang 3 tháng cuối mang thai, thời gian khám cũng thường xuyên hơn, đặc biệt là tháng cuối, hầu như tuần nào thai phụ cũng phải đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra.
Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm cố định, tùy theo thể trạng khác nhau của thai phụ và thai nhi mà bác sĩ cũng sẽ điều chỉnh ngày khám nên mẹ hãy hỏi chắc chắn lại lịch khám tiếp theo ở cuối mỗi buổi khám.
Bên cạnh việc tuân thủ lịch siêu âm, khám thai thì mẹ bầu 3 tháng cuối cũng nên chuẩn bị dần cho ngày sinh nở. Việc chuẩn bị bao gồm kiến thức (dấu hiệu sắp sinh, cách thở, giảm đau khi sinh, cách rặn đẻ,...), tâm lý và đồ đạc cho mẹ và bé.