Mỗi tam cá nguyệt mang đến những thách thức và niềm vui riêng, từ các cột mốc phát triển ban đầu của tam cá nguyệt đầu tiên đến dự đoán và chuẩn bị cho việc sinh nở trong tam cá nguyệt thứ ba.
Mang thai là một hành trình kì diệu, được chia ra thành 3 tam cá nguyệt. Ở mỗi tam cá nguyệt có những thay đổi "độc đáo" ở cả mẹ và bé. Hiểu rõ về các giai đoạn này có thể giúp các bà mẹ tương lai có một thai kì khỏe mạnh và chuẩn bị đầy đủ cho sự kiện chào đón con yêu chào đời.
Hãy khám phá những thay đổi xảy ra trong mỗi tam cá nguyệt nhé.
Tam cá nguyệt đầu tiên (Tuần 1-12)
Ba tháng đầu bắt đầu từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của bạn và kéo dài đến cuối tuần thứ 12. Đó là một giai đoạn được đánh dấu bằng những thay đổi đáng kể khi cơ thể điều chỉnh để mang thai. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, có 3 mốc quan trọng mẹ cần chú ý:
1. Sự khởi đầu của sự sống
Sự thụ tinh thường xảy ra khoảng hai tuần sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, khi tinh trùng hợp nhất thành công với trứng, tạo thành hợp tử. Hợp tử này sau đó đi xuống ống dẫn trứng, phân chia và tạo thành một phôi nang. Phôi tự bám vào thành tử cung và hành trình mang thai bắt đầu.
2. Phôi thai phát triển nhanh chóng
Trong ba tháng đầu, tất cả các cơ quan và hệ thống chính của thai nhi được hình thành. Đến cuối tuần thứ ba, ống thần kinh, não, tủy sống hoàn thiện và bắt đầu phát triển. Tim bắt đầu đập vào khoảng tuần thứ năm và đến cuối tuần thứ tám, phôi chuyển sang hình hài thai nhi. Hệ thống tiêu hóa, xương và thậm chí cả chồi chi nhỏ cũng được hình thành trong thời gian này.
3. Thay đổi của cơ thể mẹ
Mẹ bầu có thể gặp một loạt các triệu chứng khi cơ thể thích nghi với sự thay đổi nội tiết tố của thai kỳ. Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn (thường được gọi là ốm nghén), mệt mỏi, đau vú và đi tiểu thường xuyên. Thay đổi cảm xúc, chẳng hạn như thay đổi tâm trạng, cũng là dấu hiệu phổ biến do nồng độ hormone dao động.
Tam cá nguyệt thứ hai (Tuần 13-26)
Tam cá nguyệt thứ hai thường được coi là giai đoạn thoải mái nhất của thai kỳ. Đối với nhiều phụ nữ, triệu chứng buồn nôn và mệt mỏi bắt đầu giảm dần, thay vào đó là cảm giác tràn đầy năng lượng hơn.
Ở tam cá nguyệt này, có 2 đặc điểm chính mẹ bầu cần biết như sau:
1. Thai nhi tăng trưởng và phát triển giác quan
Ba tháng này được đánh dấu bằng sự tăng trưởng và trưởng thành đáng kể của thai nhi. Các cơ quan của em bé tiếp tục phát triển và bắt đầu hoạt động hiệu quả hơn. Vào cuối tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi thường dài khoảng 35,6cm và nặng khoảng 907 gram.
Trong giai đoạn này, các cơ quan cảm giác của bé bắt đầu phát triển, chẳng hạn như mở và nhắm mắt, nghe thấy âm thanh từ thế giới bên ngoài (như nhịp tim và giọng nói của mẹ). Cảm giác xúc giác cũng trở nên tinh tế hơn, cho phép em bé trải nghiệm những cảm giác như dây rốn và nước ối.
2. Những thay đổi và cột mốc quan trọng của mẹ
Cùng với sự phát triển của thai nhi, mẹ bầu sẽ dễ dàng nhận thấy bụng to hẳn lên. Mẹ cũng có thể cảm thấy chuyển động đầu tiên của em bé (con gọi là thai máy - thường bắt đầu từ 18 đến 22 tuần).
Những thay đổi khác có thể xuất hiện trên cơ thể mẹ bao gồm: Sắc tố da trở nên sẫn màu hơn, tăng sự thèm ăn, và đôi khi ợ nóng hoặc khó tiêu.
Tam cá nguyệt thứ ba (Tuần 27-40)
Tam cá nguyệt thứ ba là giai đoạn cuối cùng của thai kỳ, kéo dài từ tuần 27 cho đến khi sinh, thường vào khoảng tuần 40.
Ở tam cá nguyệt này, mẹ cần đặc biệt chú ý 3 điều sau:
1. Chuẩn bị sinh
Trong thời gian này, em bé trải qua sự tăng trưởng nhanh chóng và tăng cân, chuẩn bị cho cuộc sống khi ra ngoài. Phổi, não và các cơ quan quan trọng khác tiếp tục trưởng thành. Vào cuối tam cá nguyệt này, em bé thường nặng từ 2,7kg - 4kg và có chiều dài từ 45,7cm - 53,3cm.
2. Diễn biến cuối cùng
Trong vài tuần cuối của thai kỳ, các cử động của em bé có thể trở nên ít rõ rệt hơn vì không gian trong tử cung trở nên hạn hẹp. Em bé tự định vị tư thế để ra ngoài, thường là đầu xuống trong khung chậu. Sự phát triển của các lớp mỡ dưới da giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bé sau khi sinh. Hệ thống miễn dịch của bé cũng bắt đầu phát triển bằng cách nhận kháng thể từ mẹ.
3. Sự thay đổi và chuẩn bị của mẹ
Tam cá nguyệt thứ ba có thể là thách thức về thể chất đối với nhiều phụ nữ do kích thước và cân nặng của em bé tăng lên. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau lưng, sưng bàn chân hay mắt cá chân, các cơn co thắt Braxton Hicks và khó ngủ. Điều quan trọng đối với các bà mẹ tương lai là cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đủ nước và nghỉ ngơi khi cần thiết.
Mẹ bầu cũng cần đi khám thai thường xuyên hơn và chú ý đến các dấu hiệu chuyển dạ. Mẹ cũng cần có kế hoạch sinh nở và nhận tư vấn của bác sĩ sản khoa để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.
Hiểu được ba tam cá nguyệt của thai kỳ giúp các mẹ bầu và gia đình biết cách điều hướng những thay đổi về thể chất cũng như cảm xúc trong hành trình quan trọng này. Mỗi tam cá nguyệt mang đến những thách thức và niềm vui riêng, từ các cột mốc phát triển ban đầu của tam cá nguyệt đầu tiên đến dự đoán và chuẩn bị cho việc sinh nở trong tam cá nguyệt thứ ba. Với sự chăm sóc trước khi sinh đúng cách, kết hợp với lối sống lành mạnh và sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, bác sĩ chuyên khoa, mong rằng mẹ bầu nào cũng sẽ có một trải nghiệm mang thai khỏe mạnh và trọn vẹn.