Gen Z mang bầu nghén tới mức ăn cháo cho dễ ói, khóc hết nước mắt khi bác sĩ nói khả năng giữ thai thấp

Thy Dung - Ngày 08/10/2024 11:21 AM (GMT+7)

Hành trình mang thai của bà mẹ gen Z không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là chuỗi ngày đầy thử thách.

Xuất hiện trong một chương trình truyền hình, chị Trương Thị Tuyết Minh (25 tuổi) – một bà mẹ thuộc thế hệ Gen Z đã kể về hành trình mang thai và sinh con đầy bất ngờ, khó khăn và cả những giọt nước mắt.

Chị Tuyết Minh kể về hành trình mang thai và sinh con của mình.

Chị Tuyết Minh kể về hành trình mang thai và sinh con của mình.

Không tin mình có thai dù que thử hiện 2 vạch

Theo đó, Tuyết Minh chia sẻ, việc biết tin mình mang thai đến hoàn toàn bất ngờ. Một buổi sáng nọ, khi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, cô định uống thuốc để giảm bớt khó chịu. Lúc này Tuyết Minh nhờ chồng mua que thử thai cùng với thuốc về nhà nhưng nghĩ bụng thử thai trước cho chắc. Vì trước đó, khoảng 2-3 tuần, Minh đã thử thai nhưng que thử vẫn chỉ lên 1 vạch nên lần này, cô thử lại với tâm trạng hết sức bình thản, không mảy may hy vọng, rồi đặt que lên kệ và tiếp tục vệ sinh cá nhân.

Khoảnh khắc Tuyết Minh quay lại nhìn que thử, cô chợt khựng lại: 2 vạch mờ hiện lên. Ban đầu, Minh tưởng mình hoa mắt do quá mệt mỏi, liền dụi mắt rồi rửa mặt để nhìn lại lần nữa. Nhưng 2 vạch mờ vẫn ở đó, như một sự thật không thể chối cãi. Hoang mang và hồi hộp, Tuyết Minh vội chạy ra nói với chồng: "Sao tự nhiên có thêm vạch nữa vậy anh? Có bầu thật hả?".

Chị Tuyết Minh vẫn chưa tin mình đã có bầu dù que thử thai 2 vạch.

Chị Tuyết Minh vẫn chưa tin mình đã có bầu dù que thử thai 2 vạch.

Chồng cô cũng không tin vào mắt mình, cầm que thử chạy ngay ra nhà thuốc hỏi. Nhân viên ở nhà thuốc sau khi xem qua đã xác nhận rằng Tuyết Minh đã có thai. Tuy nhiên, cô vẫn chưa hoàn toàn tin. Minh chụp hình nhắn tin hỏi mẹ, sau đó mẹ cô đã đi hỏi vòng quanh hàng xóm. Ai nấy đều khẳng định Minh đã mang thai rồi. Vậy nhưng, sự bất ngờ chưa dừng lại ở đó. Minh đã đến phòng khám 2 lần, bác sĩ đều nói không có thai và nghi ngờ có thể thai ngoài tử cung. Chỉ đến khi vào bệnh viện khám kỹ lưỡng, bác sĩ mới khẳng định Minh đã thực sự có thai. Niềm hạnh phúc xen lẫn lo lắng, vì đây mới chỉ là khởi đầu của một hành trình đầy gian nan.

Những tháng ngày nơm nớp lo sợ với thai kỳ nguy hiểm

Niềm vui khi biết mình mang thai chưa kéo dài được bao lâu thì Tuyết Minh lại đối mặt với những vấn đề nguy hiểm. Cô bị động thai ngay từ những tháng đầu. Các cơn đau bụng liên tục và tình trạng bóc tách thai nhi từ 5-10% khiến Minh phải nằm nghỉ ngơi hoàn toàn. Sau 2 tuần, tình trạng này không hề cải thiện, thậm chí mức độ bóc tách tăng lên 15%. Điều đó khiến Minh càng thêm lo sợ. Dù đã cố gắng làm đủ mọi cách, 1 tuần sau đi khám lại, bác sĩ thông báo thai nhi bị bóc tách lên đến 30%. Vẻ mặt bác sĩ đầy lo lắng: "Sao càng ngày tình trạng càng nặng lên thế này?", Tuyết Minh kể lại.

Chị Tuyết Minh hoang mang khi càng cần thận thì lại càng dễ bị bóc tách.

Chị Tuyết Minh hoang mang khi càng cần thận thì lại càng dễ bị bóc tách.

Để đảm bảo an toàn, Minh được yêu cầu nằm bất động, phải gác chân lên cao, hạn chế tối đa việc di chuyển. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi vẫn luôn rình rập. Những ngày sau đó, Minh bắt đầu ra máu và phải nhập viện khẩn cấp trong đêm. Thai nhi tiếp tục bị bóc tách lên tới 50%, tỷ lệ giữ thai cực kỳ thấp. Minh không còn biết làm gì ngoài việc ôm bụng khóc trong sự bất lực. Chồng cô dù vô cùng lo lắng nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, vừa chăm sóc vợ, vừa chạy bán trà sữa để kiếm thêm thu nhập, khuya lại tức tốc vào bệnh viện với vợ. 5 ngày liên tiếp, Minh phải uống thuốc, tiêm thuốc để dưỡng thai.

Sau 3 tháng gian nan, tình hình mới tạm ổn định, nhưng rau thai lại bám thấp khiến Minh phải tiếp tục giữ gìn sức khỏe cẩn thận trong suốt thai kỳ.

Đặc biệt, suốt 3 tháng đầu của thai kỳ là những ngày Minh chịu đựng những cơn nghén nặng. Cô không thể ăn bất cứ thứ gì ngoài cháo loãng để dễ nôn. Đôi lúc cô phải uống ngũ cốc và sữa tươi để duy trì dinh dưỡng. Hơn 20 tuần mang thai, Minh mới bắt đầu cảm thấy cơ thể ổn định hơn. Nhưng rồi một lần nữa, cô lại phải đối mặt với một thử thách khác: Tiểu đường thai kỳ. Minh phải thay đổi chế độ ăn uống, thường xuyên kiểm tra đường huyết để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.

Khoảnh khắc vượt cạn đáng nhớ

Ngày dự sinh, Minh hồi hộp chuẩn bị tinh thần. Buổi sáng hôm đó, cô thấy mình ra huyết trắng dù không cảm thấy đau bụng, nhưng để cho chắc chắn, Minh quyết định đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi thăm khám, bác sĩ quyết định cho cô sinh mổ vì em bé chưa quay đầu. Khi con chào đời, bác sĩ cho em bé da kề da với mẹ ngay. Tuy nhiên, vì buồn nôn, Min chỉ kịp nhờ bác sĩ bế bé ra thật nhanh.

Những ngày đầu làm mẹ, Minh vỡ òa trong hạnh phúc nhưng cũng chất chứa nhiều áp lực. Nhưng rồi, khi bế đứa con nhỏ, cảm xúc làm mẹ thật sự dâng trào.

Bà mẹ gen Z từng bất lực sau khi sinh con.

Bà mẹ gen Z từng bất lực sau khi sinh con.

Kể từ lúc con chào đời, Minh nhiều lần đối mặt với cảm giác bất lực vì nhìn con khóc mà không thể dỗ được. Chồng cô phải đặt camera trong phòng để theo dõi. Có khi thấy con khóc rồi vợ cũng khóc không ngừng, anh vội vàng chạy về nhà.

Suốt 4-5 tháng đầu, bé nhà Minh quấy khóc liên tục. Cô rơi vào trạng thái trầm cảm, không thể kiềm chế cảm xúc. Nhìn con khóc từ nửa đêm đến sáng, Minh dễ dàng khó chịu, cáu gắt với những người xung quanh. Thậm chí Minh còn la mắng cả chồng, con và người thân trong gia đình. Chồng cô nhận thấy sự thay đổi và nói: "Em thay đổi quá”. Những lời nói của chồng như một hồi chuông thức tỉnh, giúp Tuyết Minh dần muốn thay đổi lại để bản thân làm mẹ một cách tốt hơn.

Vì sao có mẹ bầu bị bóc tách thai khi mang thai, trong khi người khác lại không?

Nguyên nhân gây bóc tách thai ở mẹ bầu có thể do nhiều yếu tố khác nhau, trong khi có những người lại không gặp tình trạng này. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

- Sức khỏe của mẹ bầu: Những mẹ bầu có vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ, hoặc mắc các bệnh lý khác dễ có nguy cơ bị bóc tách thai hơn.

- Yếu tố sinh lý: Các vấn đề như tử cung yếu, bất thường về nội tiết tố, hoặc tử cung có sẹo do phẫu thuật trước đó (như mổ lấy thai) cũng làm tăng nguy cơ bóc tách thai.

- Chấn động hoặc tác động mạnh: Những cú ngã, va chạm mạnh hay vận động quá mức trong thai kỳ có thể gây ra tình trạng bóc tách thai.

- Áp lực tâm lý: Stress, lo lắng quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dẫn đến tình trạng bóc tách.

Trong khi đó, những mẹ bầu không gặp phải tình trạng này thường có sức khỏe ổn định, không mắc các bệnh lý hoặc không gặp phải các tác động mạnh trong thai kỳ. Việc chăm sóc, nghỉ ngơi hợp lý và theo dõi thai kỳ chặt chẽ cũng giúp giảm nguy cơ xảy ra tình trạng này.

Theo Thy Dung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện mang thai