Hiểm nguy âm thầm trong thai kỳ có thể gây hại cho cả mẹ lẫn con

Ngày 08/07/2024 20:30 PM (GMT+7)

Mang thai là hành trình thiêng liêng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó, tiền sản giật là một trong những biến chứng sản khoa nguy hiểm nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ sản phụ mắc bệnh tương đối cao, chiếm khoảng 2-5% tổng số thai kỳ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa (Bệnh viện Việt Nhật) cho biết: tiền sản giật là bệnh lý xuất hiện trong thời gian mang thai, thường xảy ra trong giai đoạn sau 20 tuần của thai kỳ và có thể kéo dài sang 6 tuần sau sinh. Đây là tình trạng tăng huyết áp ≥ 140/90 mmHg kèm theo protein niệu hoặc các dấu hiệu tổn thương cơ quan khác.

Tiền sản giật thường xảy ra trong giai đoạn sau 20 tuần của thai kỳ và có thể kéo dài sang 6 tuần sau sinh.

Tiền sản giật thường xảy ra trong giai đoạn sau 20 tuần của thai kỳ và có thể kéo dài sang 6 tuần sau sinh.

Nếu không được điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sản giật: gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong cho mẹ; suy thai nhi: bé có thể phát triển chậm, sinh non hoặc tử vong trong thai bào; hội chứng HELLP: gây tổn thương gan, tan máu tiểu cầu, suy thận, nguy hiểm đến tính mạng mẹ; tách bóc nhau thai: gây chảy máu âm đạo, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp oxy và dinh dưỡng cho bé.

Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào, tuy nhiên những phụ nữ mang thai đầu tiên, mang đa thai, sinh con khi ngoài 35 tuổi, bị béo phì, mắc bệnh lý mạn tính như thận, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống thì có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn những thai phụ khác.

Tiền sản giật có 3 nhóm triệu chứng điển hình: thứ nhất là tăng huyết áp. Thứ hai là phù, đầu tiên là phù ở chân, sau đó xuất hiện tình trạng phù toàn thân. Thứ ba là xét nghiệm thấy bệnh nhân có protein trong nước tiểu. Ngoài ra, với những bệnh nhân bị tiền sản giật nặng, có biến chứng thì có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu suy chức năng gan, thận, thậm chí thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai lưu hoặc có biến chứng như rau bong non. Một số trường hợp khi bị sản giật xảy ra thì nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.

Theo bác sĩ Hoa, tiền sản giật tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể dự báo được nhờ vào những dấu hiệu điển hình như: huyết áp tăng đột ngột hoặc duy trì mức cao (≥ 140/90 mmHg), lượng protein trong nước tiểu tăng cao, sản phụ bị đau đầu dữ dội mà không thể giảm bớt bằng thuốc thông thường, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, hoặc nhìn thấy "đốm đen", nôn nhiều, dữ dội, không kèm theo tiêu chảy, đau bụng trên, đặc biệt là ở vùng gan phải, phù toàn thân, đặc biệt là ở mặt, tay và bàn chân, đi tiểu ít hơn bình thường.

Tiền sản giật có thể được dự báo sớm qua việc khám thai định kỳ.

Tiền sản giật có thể được dự báo sớm qua việc khám thai định kỳ.

“Trước đây, không có cách nào phát hiện sớm bệnh lý tiền sản giật mà chỉ đến khi bệnh lý xảy ra thì bác sĩ mới điều trị triệu chứng để duy trì tuổi thai kéo dài thêm, ổn định tình trạng người mẹ và có thể cho thai nhi cứng cáp hơn. Việc điều trị chỉ kết thúc khi đã hết giai đoạn thai kỳ. Nhưng với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay, ngay từ giai đoạn 11-14 tuần tuổi, thai phụ đã có thể làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh tiền sản giật. Khi sản phụ bị bệnh này thì các bác sĩ sẽ điều trị dự phòng. Hiện nay, điều trị dự phòng bằng aspirin và liều khuyến cáo quanh mức là 150mg và dùng sau bữa ăn vào buổi tối và điều trị dự phòng sẽ diễn ra trước 15 tuần, ngay sau khi có kết quả sàng lọc và thời điểm kết thúc điều trị dự phòng sẽ là 36 tuần”, bác sĩ Hoa cho biết thêm.

Theo các thống kê, hiện nay việc xét nghiệm sàng lọc sớm có thể giảm đáng kể tỷ lệ thai phụ mắc bệnh này. “Với tiền sản giật khởi phát trước 32 tuần thì có thể giảm tỷ lệ tiền sản giật xuống hơn 80% và tỷ lệ tiền sản giật sinh non trước 37 tuần lên đến hơn 60 đến gần 70%” – bác sĩ Hoa nhận định.

Được biết, một quy trình sàng lọc tiền sản giật được tiến hành theo tiêu chuẩn 4 bước gồm: Khai thác về tiền sử (yếu tố thông tin của thai phụ, bao gồm cả chiều cao cân nặng, các bệnh lý nội khoa, tuổi, dịch tễ có tăng huyết áp, đái tháo đường hay bệnh lý mạn tính khác), đo doppler động mạch tử cung để đánh giá doppler động mạch tử cung hai bên, đo huyết áp hai tay, siêu âm bụng đo chỉ số xung động mạch tử cung.

Bác sĩ Hoa cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn thai sản, tất cả các thai phụ nên thực hiện sàng lọc tiền sản giật, không nhất thiết là những người có nguy cơ cao là con so hay béo phì, bệnh lý toàn thân… Thời điểm sàng lọc rơi đúng vào thời điểm các sản phụ làm siêu âm 4 chiều, đo độ mờ da gáy hoặc đo doppler. Như vậy là một lần lấy máu, các sản phụ có thể làm được tất cả các xét nghiệm cùng một lúc, thời điểm dao động khoảng 11 đến 14 tuần, nếu có nguy cơ cao thì sản phụ sẽ được điều trị dự phòng sớm.

Bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên kiểm soát cân nặng và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt thai kỳ để phòng ngừa tiền sản giật.

Bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên kiểm soát cân nặng và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong suốt thai kỳ để phòng ngừa tiền sản giật.

Để phòng ngừa tiền sản giật, bác sĩ khuyên các mẹ bầu nên khám thai định kỳ đầy đủ để phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ và có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, hạn chế muối, bổ sung canxi và vitamin D. Duy trì cân nặng hợp lý trong suốt thai kỳ và cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng, stress.

“Tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm”, bác sĩ Hoa kết luận.

Tiền mãn kinh có thai được không?
Phụ nữ vẫn có thể thụ thai trong thời kỳ tiền mãn kinh, dù lúc này chức năng buồng trứng đã suy giảm nhiều, chất lượng trứng kém, tỷ lệ sảy thai cao...

Bà bầu cần biết

Theo Đạt Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bà bầu cần biết