Dù bệnh viện Phụ sản Trung ương có rất đông các bà bầu vượt cạn tại đây nhưng mẹ bỉm này vẫn quyết định chọn nơi đây là địa điểm vượt cạn của mình.
Những ngày đầu tháng 10 âm lịch, khi thai kỳ ở tuần thứ 36, chị Bùi Thị Hằng, SN 1985 ở Hà Nam đã quyết định tới bệnh viện Phụ sản Trung ương để làm hồ sơ sinh và chủ động chọn nơi vượt cạn của mình.
“Khi quyết định chọn sinh tại viện này, có rất nhiều mẹ bỉm khác khuyên mình nên sinh tại viện khác vì viện tuyến trung ương quá đông bệnh nhân đi đẻ. Thế nhưng do tin tưởng vào chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa tại đây nên mình vẫn quyết chọn nơi này để vượt cạn”, chị Hằng nói.
Khi thai kỳ ở tuần thứ 36, chị Bùi Thị Hằng, SN 1985 ở Hà Nam đã quyết định đi làm hồ sơ sinh.
Theo chị Hằng chia sẻ, để chủ động cho lần vượt cạn sắp tới, mẹ bỉm đăng ký làm hồ sơ sinh tại phòng khám 56 Hai Bà Trưng trước. Khi nào sinh chị chỉ việc xách làn lên viện đẻ.
"Mình làm hồ sơ sinh từ tuần thứ 36. Để làm hồ sơ sinh, các mẹ bỉm có thể làm ngay trực tiếp ở phòng khám 56 Hai Bà Trưng hoặc đến nhà G của Bệnh viện. Hồ sơ dù làm ở đâu vẫn lưu viện như nhau và có mức giá tương đương", chị Hằng chia sẻ.
Khi đi làm hồ sơ sinh, chị Hằng có 6 điều lưu ý các mẹ bầu khác để có thể tiến hành làm hồ sơ sinh nhanh chóng mà không mất nhiều thời gian.
Đi làm hồ sơ sinh buổi chiều sẽ đỡ đông
Theo quan sát của mẹ bầu này, khi đi làm hồ sơ sinh, mẹ bầu nên đi làm buổi chiều các ngày trong tuần sẽ đỡ đông hơn buổi sáng. Tuy nhiên mẹ bầu sẽ phải nhịn ăn từ 9h sáng để làm các xét nghiệm cho chính xác nhất.
Gọi điện đặt lịch trước
Và thực hiện nhiều xét nghiệm trước sinh.
Do ở phòng khám không có người trực riêng để đặt lịch mà sẽ chỉ có một nhân viên vừa làm thủ tục vừa nghe máy nên có tình trạng nhấc máy lên xong để kênh hoặc máy bận liên tục.
Do đó, mẹ bầu nên đặt lịch trước và gọi điện tầm 11h -12h, 16h-17h sẽ có nhiều khả năng được bắt máy ngay. Như chị Hằng gọi lần nào vào các khung giờ đó cũng được nghe máy luôn.
“Gọi đặt lịch trước thì nộp tiền khám ở phòng số 2 phía trong, còn không đặt lịch thì nộp ngay cửa phòng khám. Khám bác sĩ chuyên khoa là 300 ngàn đồng, khám giáo sư là 500 ngàn đồng tùy các mẹ bầu chọn”, chị Hằng kể.
Sau nộp tiền đi thực hiện các xét nghiệm ngay
Sau khi nộp tiền, mẹ bầu sẽ đi lấy máu ngay, sau đó ăn nhẹ rồi sang siêu âm 2D. Sau đó sẽ quay vào phòng gặp bác sĩ để được khám (bác sĩ hỏi tiền sử để ghi hồ sơ, đo huyết áp, tim thai, cân nặng của mẹ). Nếu được chỉ định chạy monitor thì ra nộp thêm 100 ngàn.
“Thời điểm này chờ hơi lâu mới tới lượt. Làm xong chị em quay lại phòng bác sĩ vì lúc này đã có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ hoàn thiện hồ sơ cho luôn, có chỉ số nào cao hay thấp sẽ được tư vấn. Mẹ bầu nhớ photo sẵn căn cước công dân và bảo hiểm y tế mỗi thứ 1 bản để kẹp vào hồ sơ sinh. Khi bác sĩ hỏi đỡ phải đi phô tô hoặc nếu không thì có thể bổ sung sau”.
Có thắc mắc gì cứ mạnh dạn hỏi bác sĩ
Thái độ của các bác sĩ, y tá khá thân thiện nhiệt tình, tận tình, vì thế mẹ bầu có bất cứ thắc mắc gì cứ mạnh dạn hỏi đều sẽ được trả lời rất cặn kẽ.
Nên gửi xe ô tô ở xa chút rồi đi bộ vào
Ngay đối diện địa điểm làm hồ sơ sinh cũng có chỗ gửi xe ô tô nhưng khá đông, khi lùi ra sẽ tương đối chật vật vì đoạn này đông và tắc đường. Vì thế, mẹ bầu chọn gửi ô tô ở phía ngoài xa một chút, đường rộng thoáng hơn, rồi đi bộ mấy chục mét là tới. Giá gửi xe ô tô là 25 ngàn đồng/giờ.
Cầm 1 khoản chi phí mang theo làm hồ sơ sinh
Khi đi làm hồ sơ sinh tại phòng khám, chị Hằng phải chi trả các khoản sau:
Tiền khám bác sĩ: 300 ngàn đồng
Chạy monitor: 100 ngàn đồng
Tiền xét nghiệm: 1.352.000 đồng
Tổng cộng: 1.752.000 đồng