Vì trước đó đã từng đọc rất nhiều sách bầu bí và sau sinh nên mẹ bầu khá tự tin bước vào hành trình bỉm sữa nhưng mọi thứ lại không như trong sách.
Câu chuyện của mẹ bỉm sữa Lê Phương Thanh, 33 tuổi đã gây chú ý trong chương trình “Chat với mẹ bỉm sữa”. Hiện Phương Thanh đã là mẹ của 1 bé trai 3 tuổi và bé gái 6 tháng tuổi. Vợ chồng cô đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh.
Sau kết hôn, vợ chồng Thanh đã lên kế hoạch có em bé. Do trước đó Thanh từng đọc rất nhiều sách về ăn uống khi bầu bí, chăm sóc con nhỏ và bản thân khi ở cữ nên rất tự tin. Vì thế sau Valentine năm ấy là cô bắt đầu có bầu.
3 tháng đầu thai kỳ, người vợ này bị nghén ăn. Cứ 2 tiếng cô lại phải ăn một lần. Do đọc sách nên mẹ bầu cố gắng ăn uống theo sách chỉ dẫn. Cô chỉ ăn những thực phẩm tốt cho em bé. Trộm vía cả thai kỳ Thanh mang bầu rất suôn sẻ cho đến tận ngày đi đẻ.
Lê Phương Thanh, 33 tuổi chia sẻ trong chương trình.
“5h sáng em thức dậy đi vệ sinh thì bị ỡ vối. Nhưng lúc đó em còn không biết mà tưởng mình bị tè dầm. Mãi sau em mới nghĩ ra. Em vội tắm rồi gọi bố đẻ đưa đi viện. Từ 6h sáng em đau đến 2h chiều thì em bé chào đời”, Thanh kể lại.
Nói về lý do vợ sinh mà chồng không đưa đi đẻ, mẹ bỉm này giải thích rằng, do sau cưới vợ chồng cô ở trong căn nhà chung cữ cũ, hàng ngày đi 3 tầng cầu thang bộ. Sợ đi lại leo cầu thang nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ bầu nên cả nhà khuyên Thanh về ngoại ở.
“Ở nhà ngoại khá chật chội, bố mẹ vẫn còn tư tưởng cổ hủ nên mỗi ngày chồng em đi làm về thì sang nhà vợ ăn cơm rồi về, không được ở bên vợ. Khi vợ vào viện đẻ cũng thế, vợ sinh xong thì ông ngoại mới gọi cho anh đến. Khi vợ sinh xong, chồng vẫn sang nhà vợ ăn cơm, bế con 1 lúc xong rồi tối về nhà”, chị Thanh nói.
2 lần mang bầu của mẹ bỉm là 2 trải nghiệm hoàn toàn khác nhau.
Ở cữ nhà ngoại, dù được ông bà hết lòng chăm sóc, hàng ngày cô chỉ việc ăn, nghỉ ngơi, bế ẵm con sơ sinh nhưng do bị vỡ mộng không thấy việc chăm con giống như trong sách vỡ nên luôn cảm thấy mệt mỏi và bị cương tắc sữa sinh lý nên chị Thanh phải đi viện thăm khám.
“Nuôi con nhỏ mà em thấy nó chẳng giống tuýp em bé nào trong sách đã đọc. Con em thường xuyên quấy khóc, thích thức đêm. Đã vậy em lại bị cương tắc sữa sinh lý quá đau và mệt mỏi phải đi viện cấp cứu. Đến viện em nói với bác sĩ muốn cắt sữa mẹ cho con uống sữa ngoài vì không chịu nổi nhưng bác sĩ cứ giải thích bảo nên cố gắng từng bước. Khi nào không có giải pháp nữa thì mới cắt sữa mẹ. Bác sĩ còn nói em có biểu hiện trầm cảm sau sinh nhẹ, cần phải đi khám sớm nhưng em vẫn làm lơ vì không bao giờ nghĩ mình bị trầm cảm”, mẹ bỉm nhớ lại.
Song nhiều lần chăm con ở cữ, chẳng hiểu sao dù có bố mẹ đỡ đần không quá vất vả mà mẹ sau sinh vẫn thấy rất buồn bã và khóc mà không hiểu tại sao. Điển hình nhất là một lần dù đang ở cữ nhà ngoại, nhân lúc chờ chị hộ lý tắm cho bé bên ngoài, Thanh vào nhà vệ sinh. Lúc ngồi trong nhà vệ sinh, Thanh còn định lấy dao gọt hoa quả dưới bếp cứa cổ tay mình. May mắn chị hộ lý đi qua đã nhìn thấy và rất bình tĩnh đến trò chuyện, lấy lại con dao trong tay Thanh.
Thời gian sau đó, 2 mẹ con Thanh về lại nhà chồng ở. Do anh xã bận đi làm tối ngày nên ở nhà cũng chỉ có 2 mẹ con Thanh và người giúp việc. Thời gian ấy, Thanh thường xuyên cãi cọ, gây lộn với chồng. Cóc lúc 2h đêm vợ chồng còn lôi nhau dậy nói chuyện.
“Ngay cả thời điểm ấy em cũng không biết là đã bị trầm cảm sau sinh. Cho đến khi con 4 tháng biết trò chuyện và tương tác nhiều hơn với mẹ thì các triệu chứng trên mới chấm dứt. Em cũng tỉnh ngộ ra và biết chăm sóc bản thân nhiều hơn”, Thanh nói.
Khi con trai đầu lòng được 1,5 tuổi cũng là lúc bà mẹ này bị nhỡ có bầu lần 2. Ban đầu thấy cơ thể mệt mỏi, cô còn tưởng bị Covid. Nhưng sau đó Thanh bị trễ kinh mua que thử thì biết có thai. Tin vui đến quá đột ngột trong sự chưa chuẩn bị của 2 vợ chồng kiến Thanh khóc nguyên một đêm vì lo lắng.
“Lỡ có bầu nên vợ chồng xác định lại phải đẻ thôi. Nhưng bầu tập 2 này, nhà em chuyển đến ở một căn nhà chung cư hiện đại có thang máy đi lại. Tuy điều kiện kinh tế tốt hơn lần bầu 1 nhưng thai kỳ của em lại không ổn lắm khi vị trí thai bám không tốt nên thường xuyên xuất huyết”, Thanh nhớ lại.
Suốt 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu bị xuất huyết 4 lần khiến bác sĩ cũng lo sợ không giữ được em bé. Tuần 33, cô còn bị ra máu nhiều khi đang nằm trong bồn tắm. Thấy nước trong bồn tắm đỏ lòm, mẹ bầu hốt hoảng đến bệnh viện thăm khám.
Mẹ bỉm sữa đang hạnh phúc cùng chồng và 2 con nhỏ.
“Thăm khám xong, bác sĩ cho về nhà nằm 2 tuần, đến tuần 35 thì đến viện kiểm tra lại. 2 tuần nằm ở nhà mà em thấy dài như 2 năm trời, chỉ mong con an toàn chào đời đủ tháng đủ ngày”, Thanh tâm sự.
Cũng may sau 35 tuần thai kỳ bắt đầu ổn định trở lại nên không phải mổ sớm. Đến ngày dự sinh thì chồng Thanh lại đi công tác Thái Lan, vì thế đi đẻ lần 2 mẹ bầu này cũng không có chồng bên cạnh.
“Em lại phải gọi ông ngoại đưa vào viện. Con sinh ra được 3,2kg rất kháu khỉnh đáng yêu. Thế nhưng sau sinh em không cầm được máu, có khả năng bị băng huyết nên phải làm thủ thuật rất lâu. Cảm giác nằm trên bàn đẻ 1 mình không có chồng như các chị em khác khiến em cũng thấy tủi thân lắm, cũng may cuối cùng 2 mẹ con đều an toàn”, Thanh kể.
Được biết lần thứ 2 ở cữ, do đã có trải nghiệm từ lần nuôi con nhỏ đầu tiên nên mẹ “mọt sách” không bị sốc như lần 1. Hơn nữa do có chồng bên cạnh nên chị Thanh lúc nào cũng thấy thời gian ở cữ rất nhẹ nhàng.