Những ảnh hưởng nguy hiểm của viêm gan B tới thai kỳ, mẹ bầu nào cũng nên biết

Thảo Nguyên - Ngày 27/12/2023 09:00 AM (GMT+7)

Những mẹ bầu bị viêm gan B sẽ có những ảnh hưởng nguy hiểm tới quá trình mang bầu cũng như thai nhi trong bụng.

Bác sĩ Trần Tuấn Sơn (Khoa Phụ Sản 2, Tầng 5, Nhà C, Bệnh Viện Thanh Nhàn) cho biết bệnh viêm gan B do virus viêm gan B (HBV) tấn công vào tế bào gan gây ra các biểu hiện viêm gan cấp và mạn tính.

Vi rút viêm gan B thuộc họ Hepadnaviridae, tác động chính vào tế bào gan. Là loại virus có khả năng gây ung thư gan nguyên phát.

Sự lây truyền của HBV chủ yếu qua 3 con đường chính: lây qua đường máu (do truyền máu và các chế phẩm máu, qua tiêm chích hay các thủ thuật), lây truyền qua quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con. HBV có khả năng lây nhiễm cao, cao hơn 50 -100 lần so với HIV.

Ảnh hưởng của viêm gan B với thai kỳ có rất nhiều nguy hiểm vì chúng tác động lên quá trình thai nghén ở các bà bầu và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. (Ảnh minh họa)

Ảnh hưởng của viêm gan B với thai kỳ có rất nhiều nguy hiểm vì chúng tác động lên quá trình thai nghén ở các bà bầu và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. (Ảnh minh họa)

Theo bác sĩ Trần Tuấn Sơn, ảnh hưởng của viêm gan B với thai kỳ có rất nhiều nguy hiểm vì chúng tác động lên quá trình thai nghén ở các bà bầu và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi:

Những ảnh hưởng của thai nghén lên viêm gan B

- Viêm gan cấp ít xảy ra ở phụ nữ mang thai nhưng nếu xuất hiện sẽ làm tăng nguy cơ diễn biến mạn tính.

- Viêm gan mạn ở phụ nữ mang thai: mẹ bị xơ gan có nguy cơ tiến triển thành xơ gan mất bù (là giai đoạn tiến triển nặng của xơ gan, chức năng gan suy giảm nghiêm trọng, đặc trưng bởi tình trạng vàng da, cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, bệnh não gan), tăng nguy cơ vỡ giãn tĩnh mạch thực quản. Ở thời kì hậu sản sẽ dễ tiến triển thành viêm gan cấp với tỉ lệ khoảng 25%.

Những ảnh hưởng của viêm gan B lên thai nghén

- Tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ bầu như: sảy thai, sinh non, tăng nguy cơ băng huyết, đái tháo đường thai kỳ, tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Mẹ bầu bị viêm gan B tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ trong quá trình bầu bí. (Ảnh minh họa)

Mẹ bầu bị viêm gan B tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ trong quá trình bầu bí. (Ảnh minh họa)

- Lây truyền từ mẹ sang con trong thai kì, trong khi chuyển dạ và một thời gian ngắn sau sinh. 70-90% trẻ sinh ra từ mẹ có  kháng nguyên vỏ nhân của virus viêm gan B, xuất hiện trước khi có triệu chứng lâm sàng HbsAg và HbeAg (+) bị nhiễm HBV. 90% các trẻ lây truyền từ mẹ có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính nếu không được dự phòng lây truyền.

Mẹ bầu dự phòng và điều trị viêm gan B như thế nào?

- Tất cả các phụ nữ mang thai cần được làm xét nghiệm tầm soát viêm gan B trong quý 1 thai kì. Nếu HbsAg (+), HbeAg (+) và HBV DNA >106 copies/ml, sản phụ cần được điều trị dự phòng với thuốc từ tuần 24 - 28 của thai kỳ. Nếu muộn hơn thì nên bắt đầu ít nhất 4 tuần trước sinh và liên tục đến 4 - 12 tuần sau sinh (Chú ý điều chỉnh liều theo mức lọc cầu thận). Làm lại xét nghiệm định lượng virus viêm gan B (HBV DNA) sau sinh 3 tháng để quyết định ngừng thuốc hay tiếp tục điều trị nếu mẹ đủ tiêu chuẩn điều trị.

- Đối với chị em mắc viêm gan B mạn tính trong độ tuổi sinh đẻ có kế hoạch có thai không có xơ hóa gan tiến triển có thể trì hoãn điều trị đến sau sinh.

- Dự phòng đặc hiệu bằng vacxin viêm gan B là biện pháp cốt lõi, WHO khuyến cáo tất cả các trẻ cần được tiêm vacxin viêm gan B. Có thể sử dụng 3 hoặc 4 liều riêng lẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Loại vacxin đầy đủ tạo ra mức kháng thể bảo vệ cho hơn 95% trẻ nhỏ, bảo vệ ít nhất 20 năm và có thể suốt đời.

Tất cả các phụ nữ mang thai cần được làm xét nghiệm tầm soát viêm gan B trong quý 1 thai kì. (Ảnh minh họa)

Tất cả các phụ nữ mang thai cần được làm xét nghiệm tầm soát viêm gan B trong quý 1 thai kì. (Ảnh minh họa)

- Tiêm vắc xin viêm gan B sau sinh cho tất cả trẻ em theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Trẻ sinh ra từ mẹ có HbsAg(+): Tiêm kháng huyết thanh viêm gan B và vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Nên tiêm cùng thời điểm nhưng ở hai vị trí khác nhau. Sau đó tiêm đầy đủ các liều vắc xin viêm gan B cho trẻ theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.

- Xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (là siêu vi B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở, các tế bào gan ít có nguy cơ bị tấn công lan rộng, khả năng lây nhiễm và lan truyền sang cho người khác cũng ít hơn) cho trẻ > 12 tháng tuổi để đánh giá tình trạng nhiễm HBV.

- Không chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ ở những người mẹ có HBsAg dương tính và mẹ đang sử dụng thuốc điều trị viêm gan thế hệ mới (TDF) để điều trị bệnh hoặc điều trị dự phòng.

Những ảnh hưởng nguy hiểm của viêm gan B tới thai kỳ, mẹ bầu nào cũng nên biết - 4

Cực hiếm: Người mẹ có 2 tử cung mang thai đôi, sinh con vào 2 ngày khác nhau, 1 bé sinh thường 1 bé sinh mổ
Một phụ nữ 32 tuổi vừa hạ sinh hai bé gái từ hai tử cung riêng biệt vào hai ngày khác nhau. Đây là trường hợp sinh đôi hiếm gặp với tỉ lệ 1/50 triệu...

Câu chuyện mang thai

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: Thời báo văn học nghệ thuật

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hỏi đáp với chuyên gia