Ốm nghén từ tuần thứ mấy và cách giảm ốm nghén tốt nhất

Ngày 06/06/2020 14:30 PM (GMT+7)

Ốm nghén khi mang thai thường bắt đầu sớm từ tuần thứ 4 - tuần thứ 6 của thai kỳ và thường sẽ giảm sau 3 tháng đầu. Các biểu hiện của ốm nghén phổ biến nhất là nôn, nhức đầu, mệt mỏi đôi khi là sợ hãi thức ăn hoặc ăn quá nhiều…

Ốm nghén xảy ra trong thai kỳ, nó có thể xuất hiện vào ban ngày hay đêm. Mỗi một bà bầu khác nhau sẽ có những kiểu nghén khác nhau. Dù là nghén kiểu gì thì cũng đều gây nên những mệt mỏi cho phụ nữ mang thai. 

Ốm nghén là gì?

Ốm nghén là hiện tượng khó chịu khi mang thai mà biểu hiện thường gặp nhất là buồn nôn, nôn. Theo Medicalnewstoday, có khoảng 80% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng ốm nghén

Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?. Mặc dù ốm nghén có khiến phụ nữ mang thai mệt mỏi, khó chịu nhưng không gây ảnh hưởng gì tới thai kỳ. Đặc biệt, ốm nghén còn được xem là biểu hiện của thai kỳ khỏe mạnh. 

Ốm nghén được chia thành 2 thể là ốm nghén nhẹ và ốm nghén nặng. Các biểu hiện của ốm nghén nặng và nhẹ thì đa phần giống nhau, chỉ khác nhau về cường độ và thời gian diễn ra.

- Ốm nghén nhẹ: Chỉ buồn nôn thoáng qua một hoặc 2 lần trong ngày, giảm dần và hết sau 3 tháng đầu. 

- Ốm nghén nặng: Các cơn buồn nôn kéo dài, nôn ói liên tục, thường xuyên. Đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, người mất hết sức sống. Có thể giảm dần sau 3 tháng hoặc kéo dài hết thai kỳ. Nhiều trường hợp sút cân nghiêm trọng có thể phải nhập viện để điều trị. 

Ốm nghén từ tuần thứ mấy và cách giảm ốm nghén tốt nhất - 1

Nghén là một phản ứng của cơ thể vào những tháng đầu của thai kỳ (Ảnh minh họa) 

Các biểu hiện, dấu hiệu, triệu chứng ốm nghén thường gặp

Triệu chứng ốm nghén thường là nôn, buồn nôn, thường được kích thích bởi mùi thức ăn, thức ăn cay nóng. Đôi khi buổi sáng thức dậy cũng bị nôn nhiều. Sợ đồ ăn, sốt, ho, mệt mỏi, uể oải.

Ốm nghén từ tuần thứ mấy và cách giảm ốm nghén tốt nhất - 2

Buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi là dấu hiệu của nghén (Ảnh minh họa)

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

- Buồn nôn hoặc nôn nghiêm trọng

- Nước tiểu ít và có màu sẫm

- Chóng mặt, ngất xỉu khi đứng dậy

- Tim đập nhanh, đập dồn dập.

Khi có những dấu hiệu này chị em cần lập tức tới gặp bác sĩ, đó có thể là triệu chứng nguy hiểm của thai kỳ cần đến sự can thiệp của bác sĩ. 

Ốm nghén từ tuần thứ mấy và khi nào hết?

- Ốm nghén từ tuần thứ mấy của thai kỳ? Thông thường ốm nghén sẽ diễn ra suốt 3 tháng đầu của thai kỳ. Mỗi một cơ địa khác nhau thì mức độ sẽ khác nhau. Ốm nghén thường bắt đầu từ tuần thứ 4 - tuần thứ 6 của thai kỳ khi thai đã ổn định trong buồng tử cung. Một số bà bầu khác sẽ bắt đầu ốm nghén muộn hơn từ tuần thứ 8 - tuần 12. 

- Khi nào ốm nghén hết?: Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ cảm giấy ốm nghén giảm dần từ tuần thứ 16. Có khoảng 10% phụ nữ bị nghén đến hết thai kỳ (nghén nặng). 

- Bị ốm nghén vào chiều tối hay sáng?: Cơn nôn, ói có thể bắt đầu vào bất cứ lúc nào trong ngày. Các cơn nghén thường nặng nhất vào buổi sáng, tuy nhiên có nhiều mẹ lại nghén nhiều vào buổi tối. Theo quan niệm dân gian nghén vào buổi chiều là biểu hiện của nghén con trai nhưng đó không phải là thông tin được kiểm chứng, mẹ không nên tin. 

Cách giảm ốm nghén khi mang thai cho mẹ bầu

Nghén vô cùng khó chịu, nếu nghén nặng có thể ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, tinh thần của mẹ cũng như sự phát triển của thai. Parents đưa ra cách giảm nghén các mẹ có thể áp dụng.

1. Uống nhiều nước

Uống đủ 8 ly nước mỗi ngày sẽ giúp giảm các cơn nghén. Đặc biệt vào buổi sáng khi mới thức dậy, mẹ bầu hãy uống 1 ly nước lọc sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng buồn nôn. 

Ốm nghén từ tuần thứ mấy và cách giảm ốm nghén tốt nhất - 3

Uống nhiều nước, đặc biệt là vào buổi sáng giúp giảm nhanh cơn nghén (Ảnh minh họa)

2. Chia nhỏ các bữa ăn 

Nếu bụng quá đói thì axit dạ dày không có gì để tiêu hóa khiến tình trạng buồn nôn càng nghiêm trọng hơn. Hãy chia nhỏ các bữa ăn thành 6 hoặc 7 bữa tùy thích. Đảm bảo không lúc nào mẹ cảm thấy đói. 

3. Đánh lạc hướng bản thân

Dành thời gian cho những sở thích như đọc sách hay xem phim hay bất cứ thứ gì làm mẹ phân tán tư tưởng khỏi những cơn buồn nôn. Điều này rất hiệu quả và an toàn cho sức khỏe. 

4. Nằm nghỉ ngơi

Mẹ có thể nằm xuống, nhắm mắt lại, hít thở sâu và nghỉ ngơi. Mẹ cũng nên đầu tư cho những giấc ngủ thật sâu sẽ giúp giảm tình trạng nghén khi có bầu. 

5. Gừng 

Gừng có tác dụng tích cực trong chữa ốm nghén. Gừng tươi có thể mẹ khó sử dụng vì mùi hoặc vị cay quá. Mẹ có thể sử dụng các sản phẩm từ gừng như bánh quy gừng, trà gừng, siro gừng... rất có tác dụng cho chữ nghén. 

Ốm nghén từ tuần thứ mấy và cách giảm ốm nghén tốt nhất - 4

Gừng có công dụng tuyệt vời trong giảm nghén (Ảnh minh họa)

6. Sử dụng mùi hương 

Việc sử dụng các mùi hương yêu thích như tinh dầu bạc hà, sả, oải hương... cũng giúp mẹ giảm các triệu chứng ốm nghén. 

7. Súc miệng thường xuyên 

Khi mang thai và nghén tuyến nước bọt của mẹ tiết ra nhiều hơn gây cảm giác khó chịu và buồn nôn liên tục. Để giảm thiểu tình trạng này mẹ nên súc miệng thường xuyên với nước muối sinh lý hoặc soda để làm sạch khoang miệng, giảm buồn nôn. 

8. Bổ sung kẽm

Bổ sung thêm kẽm để kẽm chế những cơn buồn nôn, khó chịu giai đoạn đầu mới mang thai. 

9. Tránh thực phẩm dầu mỡ

Những thực phẩm quá nhiều dầu mỡ dễ gây ngán ngẩm và càng khiến mẹ buồn nôn nhiều. Hãy tránh những thực phẩm này. 

10. Tập yoga 

Yoga rất tốt cho bà bầu. Các bài tập phù hợp sẽ giúp mẹ bầu có được sức khỏe ổn định và giảm thiểu được các cơn nghén, giảm đau lưng khi mang bầu. 

11. Chữa nghén bằng thuốc

Những mẹ bầu nghén quá nặng có thể sẽ phải chỉ định sử dụng thuốc. Các bác sĩ là người kê đơn  và chỉ định sử dụng thuốc giảm nghén. Mẹ bầu không tự ý mua thuốc chống nôn uống. 

Ốm nghén nên ăn gì?

Ăn gì cho đỡ nghén? Việc ăn uống vào giai đoạn nghén ngẩm cũng là điều mẹ bầu nên chú ý để tránh tình trạng giảm cân quá mức. Đồng thời ăn những thực phẩm phù hợp sẽ giúp mẹ giảm nghén hiệu quả. Những thực phẩm giảm nghén cho bà bầu:

Ốm nghén từ tuần thứ mấy và cách giảm ốm nghén tốt nhất - 5

Thực phẩm cũng giúp bà bầu giảm nghén hiệu quả (Ảnh minh họa)

- Uống 1 ly sữa ấm hoặc cốc nước ấm ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng

- Ăn các loại thức ăn dễ tiêu như súp, cháo, canh… chia nhỏ bữa ăn thành 5 - 6 bữa hoặc nhiều hơn nếu mẹ nghén nặng. 

- Các loại hoa quả giảm nghén như cam, chuối, dứa, thanh long… mẹ cũng có thể ăn. 

- Bánh mì không đường hoặc bánh mì giòn là thực phẩm hoàn hảo cho giảm nghén. 

- Ăn các thực phẩm giàu vitamin B6 như chuối, bơ, các loại hạt… để giúp chuyển hóa axit amino giảm chứng buồn nôn khó chịu ở bà bầu. 

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên nghén nặng hoặc nhẹ. Đa số các bà bầu chỉ nghén nhẹ, cơn nghén sẽ giảm dần khi thai được 3 tháng tuổi. Khi có bất cứ biểu hiện bất thường nào mẹ bầu nên gặp bác sĩ ngay để có những biện pháp xử lý kịp thời.

NGUỒN THAM KHẢO:

- 15 Tips for Dealing With Morning Sickness - Parents

- What is morning sickness and how can I treat it? - Medicalnewstoday

- Morning Sickness and Nausea During Pregnancy - Whattoexpect

- Everything You Need to Know About Morning Sickness - Healthline

- Vomiting and morning sickness in pregnancy - NHS

- Morning sickness - Mayo Clinic

7 loại bánh ăn vặt vừa ngon vừa bổ lại giúp giảm nghén cho bà bầu
Những loại bánh bổ dưỡng, ít đường sẽ giúp mẹ bầu thỏa mãn cơm thèm ăn vặt mà không lo tăng cân quá mức hay nguy cơ tiểu đường thai kỳ.

Hường Cao (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ốm nghén