Thai 30 tuần: Bé có thể tự nắm bàn chân

Ngày 24/05/2020 09:45 AM (GMT+7)

Thai 30 tuần có kích cỡ bằng một cây rau bắp cải và lúc này lượng nước ối đang giảm xuống.

Thai 30 tuần là mấy tháng? Thai 30 tuần là đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ và chỉ còn 10 tuần nữa là đến ngày em bé chào đời. Ở giai đoạn này, chỉ số thai nhi 30 tuần đã có nhiều sự thay đổi và mẹ bầu sẽ phải đối mặt với một số khó khăn. Tuy nhiên, nếu không có vấn đề gì nguy hiểm trong thai kỳ, mẹ không cần phải đi siêu âm ở tuần thứ 30.

Sự thay đổi của thai nhi 30 tuần tuổi

Thai 30 tuần nặng bao nhiêu gram? Thai 30 tuần nặng khoảng 1,36kg, dài khoảng 38cm và có kích cỡ bằng một cây bắp cải. Khi em bé lớn lên, lượng nước ối sẽ giảm xuống. Đây là dấu hiệu tuyệt vời cho thấy em bé của bạn đang phát triển bình thường.

Thai 30 tuần: Bé có thể tự nắm bàn chân - 1

Thai 30 tuần có kích cỡ bằng một cây bắp cải. (Ảnh minh họa)

Thai 30 tuần phát triển như thế nào? Bàn tay của thai nhi 30 tuần tuổi đã hoàn chỉnh, các móng tay đang mọc. Trong hình ảnh siêu âm, mẹ có thể bắt gặp tay em bé đang nắm lấy bàn chân.

Não của bé ngày càng lớn, trên bề mặt bắt đầu xuất hiện nếp nhăn, tạo điều kiện phát triển các tế bào não bộ. Bây giờ, não và tế bào mỡ mới của bé đang điều tiết nhiệt độ của mình.

Lớp lông tơ mềm mại bao phủ cơ thể bé đang dần biến mất, tuy nhiên một vài sợi lông vẫn còn sót lại trên lưng và vai của bé cho tới khi chào đời. Một sự thay đổi lớn khác ở tuần 30 là tủy xương của bé đã có thể hoàn toàn đảm nhiệm việc sản xuất các tế bào hồng cầu (trước đó là nhóm cơ và sau là lá lách đảm nhận việc sản xuất hồng cầu).

Các triệu chứng mẹ thường gặp

Khi mang thai tuần 30, mẹ bầu có thể gặp phải một số triệu chứng sau:

- Khó ngủ: Mẹ bầu sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường và khó ngủ vào ban đêm. Mẹ hãy thử thay đổi tư thế ngủ để cải thiện tình trạng này. Nếu bị mất ngủ, mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

- Đau lưng: Đau lưng là triệu chứng phổ biến của thai kỳ và sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tam cá nguyệt thứ 3.

Thai 30 tuần: Bé có thể tự nắm bàn chân - 2

Đau lưng là triệu chứng bình thường khi mang thai. (Ảnh minh họa)

- Chuột rút: Mẹ căng thẳng, làm việc quá sức, không nghỉ ngơi đủ. Thai nhi đang lớn dần lên và chiếm trọn không gian trong bụng. Các cơ, xương, hormone, mạch máu của mẹ sẽ hoạt động cho 2 người. Tất cả những điều này có thể khiến mẹ bầu bị chuột rút. Để khắc phục tình trạng này, mẹ hãy uống đủ nước và cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ.

- Phù chân: Khoảng 75% phụ nữ mang thai bị sưng mắt cá chân và bàn chân. Lúc này, mẹ bầu nên mang giày dép thoải mái, không nên đứng quá lâu mà không di chuyển và hãy thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng và massage chân để giảm bớt tình trạng phù chân khi mang thai.

- Ợ nóng: Để giảm tình trạng ợ nóng khi mang thai, mẹ bầu nên tránh tiêu thụ các thực phẩm có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa như đồ ăn cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, socola. Ngoài ra, mẹ nên chia nhỏ bữa ăn và tránh nằm xuống ngay sau khi ăn.

- Táo bón: Tử cung ngày càng mở rộng sẽ gây áp lực lên trực tràng, gây ra tình trạng đầy hơi, táo bón. Vậy thai 30 tuần nên ăn gì để giảm tình trạng táo bón? Mẹ bầu nên uống đủ nước, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và men vi sinh (được tìm thấy nhiều trong sữa chua).

Thai 30 tuần tuổi đã quay đầu chưa?

Thai 30 tuần: Bé có thể tự nắm bàn chân - 3

Trong một số trường hợp, thai 30 tuần đã quay đầu. (Ảnh minh họa)

Khi thai 30 tuần, em bé của bạn có thể đã quay đầu, tức là lúc này đầu của bé sẽ hướng xuống dưới, gáy quay về phía bụng mẹ, giúp quá trình sinh nở của mẹ diễn ra dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thời gian quay đầu của thai nhi có thể sớm hơn hoặc muộn hơn mốc 30 tuần.

Nếu mẹ mang thai lần đầu, thai nhi có thể quay đầu từ tuần thứ 34 hoặc 35. Nếu mẹ mang thai lần 2, thai nhi có thể quay đầu muộn hơn, trong tuần 36 hoặc 37. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp thai nhi quay đầu từ tuần 28.

Vì vậy, nếu thai nhi 30 tuần tuổi chưa quay đầu thì mẹ không cần phải lo lắng. Hãy chờ thêm 3-4 tuần nữa, nếu thai nhi vẫn chưa quay đầu thì mẹ hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn.

Sinh non 30 tuần trẻ như thế nào?

Theo Kidspot, trẻ sinh non ở tuần thứ 30 có khoảng 90% cơ hội sống sót, tuy nhiên chúng vẫn cần nhiều thời gian chăm sóc và theo dõi nhiều hơn so với những đứa trẻ sinh đủ tháng. Mặc dù còn rất nhỏ nhưng thai 30 tuần có nhiều chất béo được lưu trữ dưới da nên chúng giống như những đứa trẻ “thực sự”.

Tại thời điểm này, dạ dày và ruột của trẻ đang trưởng thành và sẵn sàng để tiêu hóa sữa. Tuy nhiên, các mẹ vẫn chưa sẵn sàng để ti mẹ, nhưng các mẹ có thể bắt đầu cho bé sử dụng núm vú giả để phát triển cơ miệng.

Ở giai đoạn thai 30 tuần, mẹ bầu chỉ còn 10 tuần nữa là tới ngày “vượt cạn”, thậm chí quá trình này sẽ diễn ra sớm hơn. Vì vậy mẹ bầu nên lập kế hoạch sinh nở ngay từ bây giờ, mua sắm quần áo cho con cũng như những vật dụng cần thiết và tìm hiểu các kỹ thuật thư giãn khi chuyển dạ.

Thai nhi tuần 19: Sự thay đổi của mẹ và bé như thế nào?
Thai nhi tuần 19 có nghĩa là bé yêu của mẹ đang ở tháng thứ 4 của thai kỳ và mẹ bầu đã vượt qua được một nửa chặng đường thai nghén. Vậy ở mốc này, bé...

Hà Phương (Whattoexpect)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thai nhi 30 tuần