Yêu nhau rồi chia tay, bạn gái phát hiện có thai; chồng nghi ngờ thai nhi trong bụng không phải con mình… đó là một vài lý do khiến người ta quyết định xét nghiệm huyết thống thai nhi trước sinh.
Chưa thể phản kháng và càng chưa thể tự bảo vệ mình nên thai nhi yếu ớt trở thành "vật phẩm" để những người lớn phân định rạch ròi. Đáng tiếc, trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều người tìm đến phương pháp xét nghiệm huyết thống trước sinh để quyết định tương lai của một sinh linh chưa chào đời.
Sáng qua, phòng khám của BS Đinh Công Đăng (Cẩm Khê, Phú Thọ) vẫn đón nhiều người đến khám như mọi ngày nhưng có một chuyện khiến BS. Đăng không khỏi suy nghĩ, một câu chuyện khá đặc biệt về một cô gái trẻ đang mang thai tìm đến để được tư vấn về phương pháp xét nghiệm ADN xác định huyết thống trước sinh.
Khi tôi chia sẻ với BS. Đăng về những nỗi niềm sau khi có kết quả xét nghiệm, tương lai em bé trong bụng mẹ sẽ như thế nào, BS. Đăng cho biết thực tế có những chuyện rất éo le. Và rồi câu chuyện của chúng tôi chỉ dừng ở đó vì những riêng tư cần được giữ kín của người khác. Bởi dẫu có thay tên đổi họ, người trong cuộc vẫn có thể tổn thương khi nhìn thấy hình ảnh của mình, câu chuyện của mình.
Nhưng trên thực tế, không ít người có nhu cầu xét nghiệm ADN xác định huyết thống trước sinh khi thai nhi còn trong bụng mẹ vì nhiều lý do khác nhau để tìm ra một sự thật: thai nhi có cùng huyết thống với người cha giả định ban đầu hay không.
Một trong số nhiều câu hỏi về việc xét nghiệm huyết thống trước sinh.
Nhiều người có nhu cầu xét nghiệm ADN trước sinh
Trong một group hỏi đáp về xét nghiệm NIPT, ADN và huyết thống, rất nhiều tài khoản hỏi về phương pháp xét nghiệm ADN huyết thống trước sinh và chi phí thực hiện. Ví dụ tài khoản K.K sau khi đặt câu hỏi thì có rất nhiều người vào tư vấn, có người giới thiệu luôn dịch vụ với giá xét nghiệm ADN pháp lý 3,5tr/2 mẫu cha con, ADN dân sự 3tr/2 mẫu cha con.
Có người hỏi muốn xét nghiệm ADN xác định huyết thống thai 7 tháng thì có lấy được mẫu của con không và có ảnh hưởng đến con không. Hay tài khoản N.V cho biết mình "lén" làm xét nghiệm, cô cũng hỏi xét nghiệm huyết thống trước sinh cần những gì và chi phí hết bao nhiêu.
Một tài khoản ẩn danh đặt câu hỏi: "Mọi người cho em hỏi xét nghiệm ADN thai nhi đã cho kết quả cùng quan hệ huyết thống với bố nhưng sinh ra em bé hiện đã 7 tháng tuổi lại không có nét giống bố lắm, liệu có phải đi xét nghiệm lại lần nữa không?".
Không biết vì lý do gì nhưng tình huống khiến cô gái trẻ đặt câu hỏi đó hẳn là có nhiều uẩn khúc và vô hình trung em bé ngây thơ, non nớt trở thành tâm điểm của vấn đề. Kết quả xét nghiệm ADN không hoàn toàn cho con số tròn trĩnh chính xác 100% mà vẫn có xác suất dù rất rất nhỏ. Rồi đây sẽ thế nào, em bé sẽ lại một lần nữa được mang đi làm xét nghiệm ADN? Nếu kết quả bé không cùng huyết thống thì tương lai em sẽ ra sao? Trường hợp em thực sự cùng huyết thống cha con với người bố hiện tại thì gia đình sẽ đối xử với nhau thế nào?
Một tài khoản có tên P.L nhận xét: "Niềm tin có vẻ là thứ xa xỉ hiện nay. Nhiều anh thích đi phát tán "hạt giống" nhưng khi người thương có bầu thì hoặc là nghĩ bên kia cũng giống mình nên không tin hoặc là muốn rũ bỏ trách nhiệm. Giờ may mà có xét nghiệm ADN huyết thống thai nhi, nhưng đúng là khi cần đến nó cũng chẳng vui vẻ gì."
Xét nghiệm huyết thống trước sinh là nhu cầu có thật trong xã hội.
Muôn vàn lý do xét nghiệm ADN thai nhi xác định con anh hay con ai
Cách đây không lâu, nam diễn viên 83 tuổi từng đoạt giải Oscar, Al Pacino nổi tiếng với nhiều vai diễn như phim "Bố già" đã yêu cầu xét nghiệm quan hệ cha con với thai nhi mà bạn gái Noor Alfallah, 29 tuổi đang mang trong bụng vì ông không tin mình có thể làm được điều "phi thường" đó. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đã cho thấy nam diễn viên là cha của em bé sắp chào đời.
Trong cuộc sống hiện đại, dường như việc xét nghiệm ADN thai nhi là một vấn đề ngày càng được nhiều người quan tâm. Có thai trước kết hôn, bạn trai nghi ngờ thai nhi không phải con mình hoặc thậm chí có gia đình đồng ý cho cưới nếu kết quả xét nghiệm ADN xác nhận thai nhi có cùng huyết thống với người bố.
Chị Nguyễn B.C. (Cần Thơ) mang thai 12 tuần, vì những lý do đặc biệt nên chị muốn làm xét nghiệm AND thai nhi để xác định huyết thống với cha nên muốn tìm hiểu phương pháp an toàn cho thai nhi cũng như chi phí.
Oái ăm có trường hợp một cô gái quan hệ với hai người trong một tháng và hiện có thai được 9 tuần nên hoang mang không biết thai nhi là con ai nên cô muốn làm phương pháp xét nghiệm ADN thai nhi.
Số phận của thai nhi phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm huyết thống trước sinh, liệu em có được bình an chào đời?
Có trường hợp còn ngang trái hơn khi người chồng dắt một cô gái ngoài 20 tuổi về nói với gia đình là cô gái ấy đang mang bầu con trai của anh nên anh muốn ly hôn người vợ vốn đã sinh cho anh 2 con gái để cưới cô gái này. Đáng buồn là bố mẹ anh khi nghe nói cô gái kia đang mang bầu con trai thì cũng khuyên con dâu ly hôn chỉ vì muốn có người nối dõi tông đường. Nhưng đáng tiếc là khi người vợ thuận tình ly hôn thì anh mới nghe lời mấy người bạn thân làm xét nghiệm ADN thai nhi để chắc chắn là con mình. Kết quả sửng sốt, thai nhi không có quan hệ huyết thống cha con với anh.
Theo một số chuyên gia, xét nghiệm ADN quan hệ cha con trước sinh không giúp ích cho sự an toàn của đứa trẻ.
Phản ứng của chuyên gia và cộng đồng về xét nghiệm huyết thống trước sinh
Nara Milanich là giáo sư lịch sử tại Đại học Barnard, Hoa Kỳ và là tác giả của cuốn sách "Quan hệ cha con: Cuộc tìm kiếm khó nắm bắt đối với người cha" từng phê phán báo chí đã thúc đẩy cuộc kiểm tra quan hệ cha con một cách "điên cuồng" vì đưa tin quá kỹ về những câu chuyện người chồng bị "cắm sừng" và những người nổi tiếng dâm ô cũng như con cháu đang tranh chấp của họ.
Tại Nhật Bản, xét nghiệm quan hệ cha con bằng ADN lan rộng nhưng nhiều nhà phê bình lo ngại về tác động tiêu cực đối với trẻ em. Trong khi đó, Kim Kibom, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty xét nghiệm DNA seeDNA Forensic Lab Inc. cho biết, các xét nghiệm quan hệ cha con trước khi sinh nhận được phản hồi lớn hơn (so với các xét nghiệm thông thường) và rõ ràng là có nhu cầu xã hội. Thậm chí còn có những khách hàng đến từ nước ngoài như Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lập luận rằng xét nghiệm ADN quan hệ cha con không giúp ích gì cho sự an toàn của đứa trẻ, vì mối quan hệ giữa chồng và vợ, hoặc cha mẹ và con cái có thể tan vỡ tùy thuộc vào kết quả - ảnh hưởng lớn đến tương lai của đứa trẻ.
Ở La Mã cổ đại, người chồng được coi là hợp pháp là cha của các con vợ mình sinh ra, bất kể họ có quan hệ cha con như thế nào. Nguyên tắc pháp lý này vẫn là luật ở một số khu vực pháp lý của Hoa Kỳ. Một người chồng có thể vẫn phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con cho đứa con mà anh ta đã nuôi dưỡng, ngay cả khi kết quả xét nghiệm quan hệ cha con cho thấy anh ta không phải là cha sinh học.
"Về quan niệm của phương Đông thì thai nhi đã là một con người, thời gian trong bụng mẹ được tính là tuổi mụ nên thai nhi có quyền được sống và không tán thành việc xét nghiệm huyết thống thai nhi trước sinh. Nếu có những vấn đề cần làm sáng tỏ hãy đợi sau khi em bé chào đời", PGS.TS Vũ Đức Định, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec.
Còn theo quan điểm của chị Quách T.H. (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Cặp vợ chồng làm xét nghiệm huyết thống trước sinh cần suy xét kỹ vì nó thực sự là câu chuyện nhân đạo và quyền con người. Về pháp luật, con trong thời kỳ hôn nhân là con chung. Như vậy, việc xác định huyết thống có ảnh hưởng đến việc xác định con chung trong thời kỳ hôn nhân không?
Chị H. cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Ai sẽ là người có quyền yêu cầu xác định huyết thống? Nếu là người bố thì sao và người mẹ thì sao? Nếu không cùng huyết thống cha con thì sẽ xử lý như thế nào? Nếu người bố yêu cầu xác định huyết thống mà mẹ không chấp nhận thì như thế nào? Nó sẽ nảy sinh một loạt các vấn đề pháp lý như xác định con chung trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa vụ của bố mẹ với con cái, quyền trẻ em, quyền tự do thân thể.
Có lẽ, chúng ta thôi đừng kể về những hoàn cảnh ngang trái dù đã thay tên đổi họ, đừng khoét sâu vào những nỗi buồn, thậm chí là bất hạnh của người khác. Xét nghiệm huyết thống ADN thai nhi xét về pháp luật không có vi phạm nhưng về góc độ tình người, dường như thai nhi yếu ớt chưa chào đời kia đang bị người lớn chi phối đến tương lai. Có chắc em sẽ cất tiếng khóc chào đời không khi kết quả lạnh lùng lên tiếng: KHÔNG cùng huyết thống cha con!