Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe mẹ và sự phát triển của bé. Thời điểm xét nghiệm và các loại xét nghiệm cần thiết nhất các mẹ cần biết để thực hiện tốt nhất.
Trung bình có khoảng 5% phụ nữ mang thai mắc tiểu đường thai kỳ. Tiểu đường thai kỳ hay còn gọi là đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường khởi phát được xác định lần đầu khi mang thai. Chứng đái tháo đường thai kỳ nếu không được phát hiện sớm và có những biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây nhiều tai biến cho sản phụ, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Chính vì vậy, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vô cùng quan trọng giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp khắc phục kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm tiểu đường thai kỳ
- Đối với mẹ bầu: Việc tăng cân quá mức gây nguy cơ mắc các chứng bệnh như đa ối khiến tử cung to nhanh, rối loạn tuần hoàn và hô hấp, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh, tỷ lệ mổ cao, rối loạn đường trong máu dễ dẫn đến hôn mê sâu.
- Đối với thai nhi: Mẹ bị tiểu đường thai có thể bị dị tật, rối loạn tăng trưởng, tỷ lệ tử vong khi sinh cao, thậm chí là có thể chết lưu…
Chính bởi những biến chứng nguy hiểm mà đái tháo đường thai kỳ gây nên nên người mẹ cần biết thời gian thực hiện các xét nghiệm và nên tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về thăm khám, bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là cần thiết đối với mỗi mẹ bầu
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vào thời gian nào?
Việc xét nghiệm đường huyết khi mang thai là cần thiết để phát hiện sớm những biến đổi bất thường từ đó có những biện pháp xử lý phù hợp. Cụ thể:
- Thời gian xét nghiệm đường huyết khi mang thai lần đầu ở giai đoạn từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28 (áp dụng cho những phụ nữ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó)
- Phụ nữ sau sinh từ 4 - 12 tuần cần xét nghiệm đái tháo đường thật sự bền vững.
- Đối với phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thì thực hiện xét nghiệm ít nhất 3 năm một lần. Những phụ nữ có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ được phát hiện bị bệnh cần có biện pháp điều trị ngay.
Mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm vào tuần thai thứ 24 - 28
Các xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cần thiết
Để biết mẹ bầu có bị mắc tiểu đường khi mang thai hay không các bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm, 2 biện pháp xét nghiệm chính được thực hiện đó là:
1. Phương pháp xét nghiệm 1 bước (xét nghiệm lượng glucose lúc đói)
Mẹ bầu cần nhịn đói 8 tiếng, được cho uống 75g đường và được đo nồng độ huyết tương thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống. Phương pháp được áp dụng cho các bà mẹ đang ở tuần thai từ 24 - 28 không trải qua tẩm soát ban đầu.
Kết quả chẩn đoán tiểu đường khi mang thai sẽ ở 3 kết quả:
- Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
- Ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
2. Phương pháp xét nghiệm 2 bước
- Bước 1: Bà bầu được cho uống 50g glucose, trước đó không nhịn đói, đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ.
Kết quả xét nghiệm: 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L)
- Bước 2: Dung nạp glucose đường uống 100g (thực hiện khi đói) sau đó đo glucose huyết lúc đói và tại các thời điểm 1 giờ, 2 giờ sau khi uống.
Kết quả xét nghiệm đường huyết khi mang thai sẽ được các bác sĩ phân tích và có những nhận định chính xác hơn mẹ bầu có đang bị tiểu đường hay không. Sau khi thực hiện xét nghiệm và được chẩn đoán mẹ bầu nên thực hiện theo hướng dẫn của các bác sĩ để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.