Mệt rã rời vì chuyến bay dài từ Việt Nam sang Mỹ nhưng khi về đến nhà chồng, mọi người đi vào nhà từ cửa sau, chị Minh Trang nhất quyết không chịu.
Mặc dù nhận lời cầu hôn của chàng trai Mỹ - anh Derek khi chưa từng nắm tay, gặp mặt lần nào, chỉ qua một bức thư hỏi vợ tiếng Việt đầy lỗi chính tả nhưng suốt gần 10 năm hôn nhân, chị Minh Trang (1990, miền Tây) chưa hề hối hận với sự lựa chọn táo bạo của mình.
Hiện tại, mỗi ngày của chị có lịch trình dày đặc từ 6h sáng đến 7h tối. Nhiều khi về đến nhà chị chỉ kịp cho 2 con ăn uống, tắm rửa, đọc truyện rồi chúc ngủ ngon chúng. Chị luôn phải sắp xếp thời gian một cách chi tiết để có thể chu toàn việc học đại học ngành kỹ sư tin học, việc hỗ trợ nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo và cách máy tính học với giáo sư cũng như công việc gia đình, làm mẹ, làm vợ và làm dâu của mình.
Gia đình của chị Minh Trang với bố mẹ 2 bên.
Quen anh Derek qua Facebook, nhận lời cầu hôn qua Skyper, câu chuyện tình yêu của chị Minh Trang chưa một lần nắm tay, chưa một lần gặp mặt đã từng khiến nhiều người không tin có một cái kết đẹp. Cả gia đình anh Derek và mẹ chị Trang đều không đồng ý với quyết định này của cả 2. Thậm chí, ngay ngày đầu tiên ra mắt bố mẹ chồng qua Skyper, dù mọi người yêu quý chị nhưng họ đều cho đó là điên rồ bởi “làm sao có thể lấy người chưa gặp ngoài đời, chưa từng nắm tay”.
Vậy mà anh chị đã làm nên câu chuyện cổ tích ngoài đời thực, biến những điều không thể thành có thể trong suốt 9 năm hôn nhân qua.
Chị Trang cho biết, năm 2011, sau khi gửi bức thư hỏi vợ bằng tiếng Việt đầy lỗi chính tả để thuyết phục mẹ vợ, anh Derek cũng đã nhận được sự đồng ý. Không chần chừ, anh đã lập tức bay sang Việt Nam tổ chức đám cưới với chị mà thiếu vắng đại diện nhà trai.
Chính bởi vậy, mặc dù đã trở thành nàng dâu Mỹ nhưng mãi đến năm 2012, chị mới được gặp mặt bố mẹ chồng lần đầu tiên sau khi hoàn tất thủ tục visa sang cùng chồng.
Khi anh Derek cầu hôn chị qua mạng chưa một lần gặp, bố mẹ chồng chị cho rằng chuyện đó là điên rồ.
Chia sẻ về lần gặp mặt bố mẹ chồng đầu tiên, chị Trang lại bật cười về biệt danh “con dâu cửa trước” của mình khi nhớ lại khoảng thời gian của 8 năm về trước lúc đặt chân đến Mỹ.
Đó là một ngày mùa hè khi bước xuống sân bay và cảm nhận khí hậu lạnh hơn nhiều so với mùa hè ở Việt Nam, ông xã đã chuẩn bị sẵn chiếc áo lạnh dày cho chị còn ba mẹ chồng niềm mở đón chào với gương mặt hiền và tử tế cùng những cái ôm thật chặt. Những điều đó đã khiến mọi hồi hộp trong chị tan biến hết.
Sau 6 tiếng lái xe từ sân bay về nhà bố mẹ chồng, mặc dù mệt mỏi rã rời vì chuyến bay dài nhưng khi bố chồng lái xe vào nhà xe và mọi người đi vào nhà từ cửa sau, chị đã sững lại, nhất quyết không đi cùng.
“Ở Mỹ bố mẹ chồng mình thường lái xe vào gara rồi đi thẳng vào nhà cho tiện, chỉ khi nào có khách đậu xe ngoài đường mới mở cửa trước cho họ vào.
Lúc đó, mình sững lại vì nghĩ “con dâu mới về nhà không nên đi cửa sau, vì ở quê mình chỉ có con dâu bố mẹ chồng miễn cưỡng cưới mới đi ngõ sau. Không đường đường chính chính đi cửa trước. Bố mẹ chồng hỏi tại sao mình không vào, sau khi nói lý do xong, bố chồng đã lật đật chạy ra đằng trước mở cửa, rồi chồng bế qua cửa trước luôn vô mặc dù mình không kêu bế.
Cho tới bây giờ mỗi khi về thăm nhà ba mẹ chồng họ thường nói vui “Trang muốn đi cửa trước hay cửa sau?”. Bây giờ thì mọi người biết mình là “cô dâu cửa chính” rồi”, chị Trang cười.
Không những vậy, khác với nhiều nàng dâu, ngày đầu tiên về nhà chồng, chị Trang còn ngủ một giấc tới trưa để bố chồng dậy nấu bữa sáng cho cả nhà khiến mẹ ruột vô cùng lo lắng. Khi gọi điện về Việt Nam, mẹ ruột liên tục hỏi chị “Sao không thức sớm nấu ăn cho mọi người? Con dâu mới gì kì vậy con? Để ba chồng nấu cho ăn có kì không con?” trong khi chị vô lo vô nghĩ, không hề biết gì điều này.
Ông bà luôn yêu thương chị như con đẻ.
Dẫu ban đầu bố mẹ chồng phản đối vì nghĩ không thể lấy người chưa gặp ngoài đời, tay chưa từng nắm tay nhưng khi về làm dâu, chị được họ yêu thương hết mực, xem như con gái mình.
Thời gian đầu mới sang Mỹ sinh sống, mọi người luôn cố gắng nói chậm để cho chị hiểu. Mẹ chồng khéo léo trong việc làm thủ công, may vá, nấu ăn cũng thường làm những món quà bằng tay gửi qua bưu điện tặng chị. Còn bố chồng luôn giải thích tận tình những điều chị không biết. Họ khiến chị cảm nhận được giống như những người bạn hơn là bố mẹ chồng.
9 năm về làm dâu đến giờ, trong đầu chị Trang chưa bao giờ có khái niệm “làm dâu” bởi bố mẹ chồng ở tiểu bang khác, một năm chỉ sang thă
|4 m cháu 2-3 lần vào các dịp như Noel hay mùa hè. Thậm chí, bố mẹ chồng chị cũng không hề có khái niệm con dâu phải đảm đương hay phục vụ bố mẹ nên mỗi lần họp mặt gia đình, họ đều làm hết tất cả mọi việc. Chính vì vậ,y 5 năm mẹ ruột sang ở cùng chị cũng phải thốt lên rằng chưa thấy ai lấy chồng có phước như chị.
“Mình rất thích làm bánh và nấu ăn nên mình hay làm phụ bếp cho ba mẹ chồng khi họ nấu. Ba chồng cũng thích phụ vợ nấu ăn. Noel là lễ lớn nhất ở đây, mỗi lần họp mặt lại ba mẹ làm hết, con cái ai muốn phụ gì thì phụ, ông bà không hề có khái niệm con dâu phải đảm đương mọi thứ hay phải phục vụ cho họ.
Mình cũng không phải lễ lộc gì. Ông bà sang chơi mình nấu vội nồi canh xà lách xoong, chiên mấy cái trứng, bố mẹ cũng khen ngon và cảm ơn ríu rít. Nhiều khi cả nhà lười thì mình chỉ mua đồ ăn bên ngoài về ăn”, chị Trang chia sẻ.
Đối với chị Trang, làm dâu Tây cũng đơn giản như không. Đặc biệt, bố mẹ chồng là những người tử tế và lịch thiệp nên chị không hề gặp khó khăn gì. Chị Trang tâm sự, chị cảm thấy may mắn vì mẹ chồng sinh ra trong nền văn hóa Mỹ, tư duy thoáng nên không hề khó tính. Mẹ chồng chị rất thật tình, bà luôn nghĩ cho người khác và thương con vô lối.
Ngay từ những ngày đầu chị làm dâu, bà đã kể về câu chuyện làm dâu của mình bị mẹ chồng bắt bẻ, làm gì cũng không thích cho chị nghe. Bà luôn lấy làm tiếc vì có mối quan hệ không mấy vui vẻ với mẹ chồng người Đức và cố gắng đối xử thật tốt với chị.
“Mẹ chồng mình kể, tuy không ở chung với mẹ chồng nhưng bà hay bị bắt bẻ, làm gì cũng bị mẹ chồng không thích mà không biết vì sao nên nếu mẹ có vô tình nói gì quá hay lấn lướt, mình phải cho mẹ hay để mẹ sửa ngay. Mẹ không thích thành mẹ chồng như vậy.
Mẹ luôn cố gắng giữ tình cảm tốt với mình. Bà hay nói bà đối xử với mình giống như những gì bà ao ước mà không có được từ mẹ chồng của bà. Mình cũng có con trai nên mình nghĩ sẽ học theo mẹ làm mẹ chồng hiểu chuyện như vậy”, chị Trang bộc bạch.
Không chỉ có mẹ chồng, bố chồng chị cũng vô cùng tâm lý, dạy chị nhiều điều về tính kiên nhẫn, tính chuẩn mực và cả sự hài hước. Chị còn nhớ, ngày mới tập lái xe ô tô, trong khi chồng phải la làng vì “sợ chết” mỗi khi chị đạp gas thì bố chồng vẫn ngồi cạnh một cách nhẫn nại dạy chị.
Tuy bố mẹ chồng không phụ giúp được nhiều việc chăm sóc con cái, chủ yếu phải nhờ vào mẹ đẻ nhưng chị Trang luôn trân trọng tình cảm, sự yêu thương và những lời bảo ban ấy của bố mẹ chồng.
Mẹ chồng luôn cố gắng giữ tình cảm tốt với chị.
Chia sẻ về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu nhiều người lo ngại, chị Tramg cho hay, mẹ chồng nàng dâu nào cũng vậy, dù khác văn hóa hay cùng văn hóa cũng không có ai hoàn hảo hết, chỉ cần đặt mình vào vị trí đối phương, thương họ như cách mình muốn chính là cách tốt nhất để tạo nên một mối quan hệ tốt đẹp.
“Nếu đối xử với nhau bằng cả tấm lòng, đặt mình vào vị trí của đối phương, thương họ như cách mình muốn họ thương mình là cách tốt nhất để có một vị trí trong lòng họ. Bạn đừng bao giờ đặt nhiều kì vọng cho đối phương mà vô tình tạo áp lực cho nhau, đặt kì vọng vào chính mình. Bạn hãy xem mình đã yêu thương họ hết mình chưa?
Ở đâu cũng vậy, sự tử tế luôn tồn tại và mình nên biết ơn cuộc sống cho mình được làm “gia đình” của nhau. Không ai biết được ngày mai sẽ thế nào, thương nhau, cho nhau tình người một cách trọn vẹn nhất, lỡ mai họ có mất đi thì mình sẽ không thấy hối tiếc”, chị Trang nhắn nhủ.
Mẹ chồng luôn dành lời khen mẹ ruột chị vì sự hy sinh khi sang Mỹ phụ giúp vợ chồng chị chuyện chăm con.