Về làm dâu Ấn Độ, không có hồi môn, không phải làm gì từ nấu ăn, làm lễ đến trò chuyện với mọi người nhưng chị Hương luôn được mẹ chồng bênh vực mỗi khi bị họ hàng hỏi, châm chọc.
Gần 1 năm làm dâu Ấn Độ, do trở ngại ngôn ngữ nên chị Lan Hương (28 tuổi) và mẹ chồng Ấn không nói chuyện nhiều với nhau. May mắn có mẹ chồng hiền lành, tốt bụng, các chị em chồng hiểu chuyện, tâm lý nên dù về làm dâu không có hồi môn, không phải làm gì từ nấu ăn, làm lễ đến trò chuyện với mọi người nhưng chị Hương luôn được mẹ chồng yêu thương, bênh vực ở nơi xa xứ.
Vợ chồng chị Hương và gia đình 2 bên trong đám cưới.
Ngày đầu làm dâu liên tục làm mẹ chồng khóc
Chị Hương hiện làm thiết kế đồ họa tự do toàn thời gian còn chồng chị - anh Suraj (30 tuổi, người Bihari - Ấn) hiện đang là kỹ sư viễn thông chuyên về thử nghiệm các thiết bị di động. 2 anh chị kết hôn vào tháng 10/2019 và chuẩn bị chào đón chuột vàng trong năm nay.
Chia sẻ về chuyện tình yêu của mình, chị Hương cho biết, vợ chồng chị quen nhau qua một người bạn giới thiệu. Khoảng thời gian yêu đương của anh chị chỉ vỏn vẹn trong 3 tháng với 3 tuần ở Việt Nam, 2 tuần ở Ấn Độ và gần 2 tháng yêu xa cho đến ngày hoàn thành đăng ký kết hôn ở Ấn vào tháng 10/2019.
Khi đến với anh, ai cũng khuyên chị nên suy nghĩ kỹ vì chị đang có sự nghiệp tốt, sống trong nhung gấm còn anh công việc chỉ đủ nuôi gia đình, nếu sang bên đó, chị phải chấp nhận không có việc làm, cuộc sống nghèo khổ hơn. Dẫu vậy, chị vẫn chấp nhận tất cả bởi chị biết mình luôn có ông xã yêu thương và gia đình chồng hiền lành dù khác văn hóa, tôn giáo.
Chị Hương kể, gia đình chồng chị trước kia thuộc diện thương gia, giàu có ở Bihar, Ấn Độ. Tuy nhiên sau khi bố là trụ cột duy nhất trong gia đình mất khi ông xã đang học lớp 12 khiến kinh tế gia đình đi xuống. Hiện nay, gia đình chồng chị chỉ thuộc diện trung bình thấp trong thành phố Kolkata, trong đó ông xã chị là lao động trụ cột. Vì trước khi kết hôn, anh chị là bạn bè nên chị được anh kể hết về bản thân lẫn gia đình, quá khứ. Chính vì vậy khi về làm dâu Ấn Độ chị không quá bất ngờ với gia đình anh.
Nhớ lại về lần đầu ra mắt gia đình anh Suraj, chị Hương kể, sau hơn 2 tuần quen anh ở Việt Nam, chị đã được anh Suraj giới thiệu với gia đình khi gọi điện về nhà. Và 2 tháng sau đó, chị có buổi gặp chính thức khi đem giấy tờ sang Ấn để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Lần đầu tiên đến nhà anh, chị thấy hơi hụt hẫng bởi mọi thứ khác xa so với tưởng tượng của mình vì nhà anh bé lại khá xa trung tâm. Tuy nhiên vì cả nhà ai cũng thân thiện nên chị cảm thấy dễ mến và gần gũi.
“Nhà anh Suraj chỉ còn mẹ và ba chị em gái, trong đó 2 chị lớn đã lấy chồng có con, chỉ còn một cô em gái. Ấn tượng của mình về nhà chồng lần đầu đó là sao họ cũng dễ dãi quá nhỉ. Con trai bao năm bảo tìm vợ cho để cưới không chịu, trước khi qua Việt Nam còn mạnh miệng bảo không muốn lấy vợ. Thế mà vừa ra nước ngoài lần đầu tiên, chưa được đầy tháng đã khoe người yêu, rồi hai tháng sau dẫn về tận nhà để chuẩn bị vài hôm nữa đi đăng ký kết hôn ngay và luôn”, chị Hương cười.
Lần đầu tiên chị Hương ra mắt họ hàng nhà chồng.
Hình ảnh lần thứ 2 chị gặp mẹ chồng tương lai.
Từ sau khi lấy chồng, chị Hương làm online tại nhà, tự nấu ăn, sinh hoạt tách biệt với gia đình chồng. Chị ăn khác món, khác giờ dù sống chung một nhà với mẹ chồng nhưng mọi người rất tốt và không có ý kiến gì. Thậm chí, nhiều họ hàng bên chồng gọi điện đến và hỏi rồi châm chọc việc chị không đem theo hồi môn, không làm gì từ nấu ăn, làm lễ đến nói chuyện với mọi người, mọi người vẫn ra sức bênh vực.
“Tính mình ít nói, mọi người thấy mình có vẻ khó gần nhưng thực ra nếu có gì tâm sự mình vẫn nói chuyện với em chồng. Dù trông lạnh lùng nhưng mình vẫn để ý quân tâm những gì đang xảy ra ở nhà. Chồng mình hiểu điều đó nên cuộc sống của mình rất là thoải mái”, chị Hương bộc bạch.
Chia sẻ về kỷ niệm thời gian đầu về nhà chồng sống, chị Hương nhớ lại lần nấu thịt heo kho tàu, mùi tanh bốc lên khiến mẹ chồng nôn thốc nôn tháo rồi lên sân thượng, về phòng khóc hay nhiều lần anh Suraj mua gà, mua thịt về, mẹ chồng cũng đều vào phòng khóc. Tuy nhiên sau đó, mẹ chồng hiểu phong tục tập quán 2 nước khác nhau, bà chấp nhận. Thậm chí, mẹ còn nhắc chồng chị đi ra ngay siêu thị mua thịt heo về cho vợ khi Ấn Độ có đợt phong tỏa dài vì dịch COVID-19. Đặc biệt sau 2 tháng chị có bầu, nhà chồng không để chị cầm một thứ gì nặng hay cúi người và thường mắng chồng chị vì không biết quan tâm, chăm sóc vợ.
Mẹ chồng tuyệt thực khi cãi nhau với con ruột, con dâu dùng tuyệt chiêu lấy lòng
Chị Hương chia sẻ, sống chung với mẹ chồng nhưng chị không hề phải làm dâu bởi mẹ chồng chị khá hiền. Hơn nữa do trở ngại ngôn ngữ nên chị và mẹ chồng không có nói chuyện với nhau nhiều. Thỉnh thoảng bà nhắc chị ăn hay vài câu chỉ dẫn hỏi han trong bếp. Bà hay làm lễ rồi ban phước cho vợ chồng chị và bé trong bụng mình. Những lúc có sự kiện gì là bà nhắc chồng dặn chị kiêng để tốt cho em bé trong bụng.
Vì khác biệt văn hoá, tôn giáo nên hầu như chị Hương không phải làm gì, trừ sinh nhật Thần linh, chị chỉ cần vào vái bàn thờ, hay lễ to như Holi, chị thực hiện nghi thức quẹt bột màu lên mọi người theo hướng dẫn.
“Lúc mới biết mình có bầu, các chị chồng trách chồng mình sao không cẩn thận để vài năm nữa hãy sinh con, bây giờ mới cưới mình còn lạ lẫm, chưa kịp hưởng thụ tân hôn. Mẹ chồng mình mừng lắm, bảo cứ đẻ đi mẹ chăm cho, không phải lo lắng gì cả”, chị Hương cho hay.
Lễ Holi tết Ấn đầu tiên ở nhà chồng của chị Hương.
Vợ là người nước ngoài, tầng lớp, tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa khác với nhà chồng nên ông xã chị Hương đóng vai trò rất quan trong trong việc làm cầu nối cho chị với gia đình chồng. Anh dành rất nhiều thời gian để nói cho mẹ chồng chị hiểu về khác biệt giữa 2 bên. Không những vậy, anh còn cãi lại gia đình nhiều việc để bênh chị. Bên cạnh đó, anh cũng giải thích cho chị hiểu những điều nên làm để lấy lòng, cảm hóa, xoa dịu nhà chồng.
“Từ một cậu trai được cả nhà chăm tận miệng, bây giờ chồng mình trở thành một người đàn ông đã có vợ đích thực. Đi chợ mua rau, mua cá, tay xách nách mang, phơi đồ, nấu nướng, cọ toilet, bỏ nhậu nhẹt, hút thuốc ngay sau khi cầu hôn mình... Hàng sáng ngủ dậy anh lấy lược chải đầu, buộc tóc cho vợ, chiên cơm, nấu trà sữa cho vợ.
Mình từ ngày bầu thì ăn ngủ thất thường, có khi ngủ từ sáng sớm tới chiều mới dậy. Anh ấy toàn đánh thức mình, hôn tới tấp khắp mặt, rồi trêu là có nhà nào mà con dâu ngủ đến trưa chiều rồi chưa thèm dậy như thế này không?. Rồi đỡ mình dậy, hỏi ăn gì, cảm thấy khỏe không.
Chồng mình thương mình lắm. Có lần sáng mình đang ngủ mà cũng muộn rồi, mẹ chồng tắm rửa xong và làm lễ. Lúc tới phòng mình, bà có tắt quạt đi để lửa trên đèn không bị tắt, chồng mình bật dậy nói mẹ bật ngay quạt lên vì trời nóng mình sẽ không ngủ được, không cần làm lễ gì cả. Trước kia, nhà anh ấy cấm có thịt cá trong nhà, bây giờ vì mình mà có gà, tôm, cá gì mình thèm là mua về hết, kể cả thịt heo. Ngoài việc đem đồ mặn vào nhà, anh còn đem cả bia về nữa – những thứ trước kia bị tuyệt đối bị cấm. Rồi cả việc mặc đồ ngắn trong nhà cũng dần trở thành bình thường”, chị Hương chia sẻ về ông xã.
Chồng chị có vai trò quan trọng giúp chị cuộc sống làm dâu xa xứ.
Hình ảnh mẹ chị sang thăm Ấn Độ và sang thăm thông gia.
Chị Hương tâm sự, chuyện các bà mẹ chồng Ấn Độ cũng lắm kịch tính giống như ở Việt Nam. Mẹ chồng chị hay cãi nhau với các con ruột rồi tuyệt thực, mỗi lần như vậy chị lại là người bưng đồ ăn, gọi bà dậy ăn để cho bà không tuyệt thực nữa. Đó cũng là bí quyết chị lấy lòng mọi người trong nhà. Đối với chị làm dâu xa xứ hay không bằng hên. Chị may mắn vì có mẹ chồng hiền lành tốt bụng, chồng và các chị em chồng hiểu chuyện, tâm lý nên có cuộc sống nhẹ nhàng ở nơi đây.