Biết Thọ yêu cô gái người Palestine, ba mẹ anh vô cùng bất ngờ và không đồng ý vì định kiến xã hội lẫn những khác biệt văn hóa.
Trịnh Xuân Thọ (27 tuổi, Biên Hòa) và Sara Jubran (25 tuổi, Palestine) – hai con người ở 2 đất nước xa xôi những tưởng sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Vậy mà nhờ mối duyên định mệnh, nhờ mảnh đất Sydney, Úc, cả 2 có cơ duyên gặp gỡ, trở thành bạn thân và bây giờ trở thành một nửa của nhau.
Vượt qua khoảng cách địa lý, sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán giữa Việt Nam và Palestine – một quốc gia Hồi Giáo thuộc khu vực Trung Đông, Thọ và Sara đã chứng minh rằng, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới này, chúng ta đều có thể trở thành người trong một nhà, cùng nắm tay, dành trọn tình yêu thương cho nhau, không phân biệt màu da, ngôn ngữ... cùng xây dựng cuộc sống đoàn kết và văn minh. Cặp đôi đã có đám cưới đẹp như mơ nổi tiếng ở Đồng Nai với dàn bê tráp toàn trai xinh, gái đẹp Trung Đông.
Thọ và Sara.
Trịnh Xuân Thọ sinh ra ở Biên Hòa trong gia đình có 5 chị em. Cuối năm 2011, khi tròn 19 tuổi, Thọ sang Úc du học tại Đại học Kỹ thuật Sydney (UST). Nhờ có chị gái ở Úc nên thời gian đầu sang đây, Thọ được chị gái giúp đỡ rất nhiều trong việc hòa nhập với môi trường mới. Tuy nhiên để có thể trang trải tiền học, Thọ vẫn phải cố gắng vừa học 30 tiếng lẫn vừa làm 40-50 tiếng/tuần. Khoảng thời gian đó là thử thách khá lớn với anh nhưng rồi dần dần anh cũng vượt qua và thích ứng với cuộc sống nơi đây.
Chia sẻ về chuyện tình yêu của mình, Thọ thổ lộ, ở Việt Nam, anh đã trải qua 2 mối tình, mỗi mối tình cũng gắn bó 2-3 năm. Trước khi đi du học, anh cũng có bạn gái Việt Nam nhưng do khoảng cách địa lý, cả 2 không thể nắm tay nhau đi tiếp. Sang Úc, tập trung cho việc học lẫn đi làm nên Thọ tạm gác chuyện yêu đương sang một bên cho đến một ngày anh gặp Sara – một cô gái người Palestine học cùng trường và cùng chung đội tình nguyện cho trường.
Thọ kể, anh và Sara gặp nhau lần đầu khi cả 2 đang làm tình nguyện viên cho trường. Mặc dù biết nhau nhưng Thọ ngại không nói chuyện làm quen nhiều vì Sara là người đạo Hồi giữ khoảng cách với người khác giới. Không bao giờ nghĩ sẽ quen một người theo Đạo Hồi nhưng chẳng hiểu sao “cái duyên cái số” khiến Thọ và Sara có cơ hội nói chuyện hiểu nhau hơn và trở thành bạn thân của nhau.
Cả 2 quen nhau khi học chung đại học.
Là con trai duy nhất trong gia đình, bố mẹ Thọ luôn nghĩ anh sẽ lấy một cô gái Việt. Chính vì vậy khi biết anh yêu một cô gái Palestine, bố mẹ anh cùng các chị khá bất ngờ và không hẳn ủng hộ vì định kiến xã hội lẫn những khác biệt văn hóa. Thọ đã thuyết phục và giải thích cho bố mẹ hiểu rằng “chỉ cần cả 2 yêu thương, học hỏi lẫn nhau, mọi chuyện đều vượt qua được” nên bố mẹ rất tôn trọng cuộc sống riêng tư của anh. Đặc biệt, sau vài lần qua Sydney thăm Thọ, thấy sự hiền lành, tốt tính của cô gái Trung Đông này, bố mẹ anh đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và để cho anh tự quyết định. “Bà xã mình đã chứng minh được là một người phụ nữ tốt và sẵn sàng học hỏi về truyền thống Việt Nam cũng như là sự yêu thương và lo lắng cho mình, nên gia đình cũng ủng hộ”, Thọ cho hay.
Và lần Sara về Việt Nam ra mắt gia đình anh, bố mẹ anh càng yêu quý cô hơn. Thọ chia sẻ, thấy cô ăn được hành muối trong khi cả gia đình chỉ có một mình bố anh ăn được, bố anh đã rất vui. Còn mẹ anh hôm sau đã âm thầm mua hẳn mấy cân về muối cho con dâu tương lai mang đi Sydney ăn dần. Mặc dù khác văn hóa, phong tục tập quán nhưng Sara thích nghi và làm quen rất nhanh với Việt Nam, cô có thể ăn đũa và có thể ăn tất cả các món Việt kể cả mắm tôm, ốc.
“Có một câu chuyện thú vị giữa Sara và ba mẹ mình đó là khi cả nhà đi ăn. Gia đình mình gọi món ếch. Mình có nói bà xã ăn thử bằng tiếng Anh và cô ấy nói không đời nào ăn dù thế nào đi nữa. Tuy nhiên mẹ mình không biết nên đã nói Sara ăn đi. Mình chọc cô ấy rằng “Mẹ kêu thì phải ăn không mẹ giận”. Vậy là cô ấy ăn với mẹ và khen ngon mặc dù rất sợ món ếch”, Thọ cười.
Bố mẹ Thọ khá bất ngờ khi biết anh yêu cô gái người Palestine.
Biết nhau lâu khi còn học Đại học nên tình yêu của Thọ và Sara cứ đến tự nhiên. Khoảng 2 năm trước, cả 2 quyết định về ra mắt 2 bên gia đình và nhận được sự ủng hộ của cả 2 bên khi chứng minh tình cảm dành cho nhau dù khác truyền thống, ngôn ngữ, văn hóa.
Nhớ lại lần đầu tiên đến ra mắt gia đình Sara, Thọ chia sẻ, gia đình Sara sang Sydney sống từ lâu nhưng vẫn theo truyền thống văn hóa tôn giáo ở Palestine. Vì văn hóa Đạo Hồi không hẹn hò nên ngày anh ra mắt cũng là ngày xin hỏi cưới. Và khi đến gặp gia đình vợ lần đầu tiên, Thọ phải ngồi một mình nói chuyện với cả nhà vì Sara bận trang điểm đến muộn hơn 1 tiếng. Dẫu vậy nhưng gia đình Sara vô cùng dễ thương, niềm nở, không hề gây khó dễ với chàng rể tương lai ngoại quốc như anh và đã gật đầu đồng ý khi anh làm đủ lễ nghĩa, cũng như cảm nhận được sự đàng hoàng của anh.
Được biết, Thọ và Sara tổ chức lễ đính hôn vào tháng 4/2019 ở Sydney và tổ chức đám cưới vào tháng 1/2020 ở Biên Hòa, Việt Nam với sự tham gia của đông đảo người thân bạn bè và cả 25 người trong gia đình Sara từ Australia, Jordan, Dubai về tham dự.
Trong đám cưới, cả 2 làm lễ gia tiên và tổ chức tiệc ở nhà hàng có lẫn cả nghi thức của Palestine. Cô dâu ngoại quốc Sara diện trang phục của cả 2 nước là áo dài Việt và trang phục truyền thống Palestine trong ngày trọng đại này.
Đám cưới của cả 2 được tổ chức ở Việt Nam.
Sara mặc 2 chiếc váy truyền thống Việt Nam và Palestine trong ngày trọng đại.
Sau khi kết hôn, Thọ và bà xã gặp khá nhiều khó khăn về sự khác biệt văn hóa khi về chung một nhà. Nói đến đây, anh tâm sự, có những hành động của anh theo suy nghĩ của người Việt nhưng lại không phù hợp với người Palestine và ngược lại. Những lúc như vậy, vợ chồng anh không biết đã làm sai gì để người kia không vui. May mắn, sau cưới cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát, hai vợ chồng làm việc online có thời gian bên nhau, trò chuyện với nhau nhiều và hiểu, tôn trọng nhau hơn.
“Người Việt Nam mình không có thói quen mang dép vào nhà nhưng bà xã mình sống từ nhỏ đã mang dép vào nhà, chỉ vào phòng ngủ mới không mang. Điều nhỏ nhặt như vậy cũng khiến 2 vợ chồng mình mâu thuẫn. Thói quen khó bỏ nên vợ chồng mình tìm cách hòa hợp, cả 2 giải thích cho nhau hiểu hơn, mỗi người nhường nhau một chút và thống nhất chung sẽ không mang dép trong nhà nhưng đi toilet vẫn phải mang dép.
Còn về vấn đề ẩm thực 2 nước, tụi mình không gặp nhiều khó khăn vì Úc là nước đa văn hóa. Tuy nhiên khẩu vị vợ chồng mình sẽ khác nhau vì người Trung Đông thiên ăn vị chua, người châu Á sử dụng nhiều gia vị hài hòa. Mỗi lần bà xã nấu hoặc mình tới nhà bà xã ăn, mọi người tiết chế bớt lại để mình ăn được nên không có khó khăn nhiều”, Thọ chia sẻ.
Cả 2 luôn cố gắng tha thứ, nói chuyện với nhau nhiều hơn để hiểu nhau.
Hiện tại, vợ chồng Thọ đã đi làm trở lại. Vì cả 2 làm việc gần nhau nên mỗi ngày luôn cùng nhau đi làm, cùng nhau ăn trưa, cùng nhau đi tập gym sau giờ tan làm rồi về nhà nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Chia sẻ về bí quyết giữ lửa hạnh phúc của vợ chồng mình, Thọ bộc bạch, với 2 vợ chồng có 2 nền văn hóa khác nhau, bí quyết lớn nhất chính là tha thứ và nói chuyện, tâm sự nhiều hơn để hiểu nhau. Đến bây giờ, anh cảm thấy may mắn khi được gặp bà xã, được bà xã ủng hộ mọi kế hoạch để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc.