Chắc chắn khi thêm bước này, tôm đông lạnh luộc sẽ có thịt mềm, không khô bở, ngon như tôm tươi.
Tôm là một trong những loại hải sản ngon, bổ dưỡng được rất nhiều người yêu thích. Tôm thường được chế biến thành các món như luộc, hấp, nướng, kho, rang, rim, xào... mà mỗi món có sức hấp dẫn khác nhau. Để món tôm có hương vị ngọt nguyên bản mọi người thường đem luộc. Tôm tươi vừa mua đem luộc ngay vô cùng ngon. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể mua được tôm tươi ăn hoặc bạn mua nhiều tôm đem trữ đông, thì lúc đó, bạn phải sử dụng tôm đôm lạnh để chế biến. Mặc dù vậy, nếu không biết cách luộc, tôm đông lạnh sẽ bị khô, bở, không ngon.
Do đó, đầu bếp mách, khi luộc tôm đã được làm đông lạnh trước đó thì không nên cho ngay vào nồi, cần thêm một bước nữa.
Vậy đó là bước gì? Các bạn có thể tham khảo cách làm dưới đây:
Trước tiên, khi lấy tôm từ tủ đá ra, chúng ta cần rã đông tôm trước. Tuy nhiên không dùng nước để rã đông tôm mà nên để tôm tự rã đông ở điều kiện tự nhiên. Nếu dùng nước để rã đông khiến tôm dễ bị nát không còn tươi khi luộc. Có thể lấy tôm ra trước mấy tiếng và để rã đông từ từ trong điều kiện tự nhiên. Khi tôm gần rã đông xong, đem rửa lại bằng nước cho tan hết đá còn lại. Lúc này chỉ tôm đen ra rồi chế biến các món ăn tùy thích.
Sau khi tôm rã đông xong, nhiều người sẽ cho tôm vào nồi luộc luôn nhưng cách này sẽ khiến tôm không ngon. Do đó, cần tiến hành ướp tôm trước. Cách ướp tôm rất đơn giản, cho lượng gừng thái chỉ vừa đủ vào, cùng ít rượu nấu ăn cho vào tôm. Đảo đều, ướp từ 8-10 phút là xong.
Chuẩn bị một nồi nước vừa phải, không cần phải cho nhiều nước vì tôm cũng ra nước khi luộc, hơn nữa, cho nhiều nước có thể sẽ làm nhạt tôm. Thêm chút dầu ăn, vài khúc sả đập dập, gừng thía lát và nắm hành lá và nồi nước. Mục đích cho hành lá, sả và gừng vào để khử mùi tanh của tôm. Dầu có thể đảm bảo màu sắc tươi sáng của tôm, và một chút muối trong nước có thể giúp tôm mềm hơn không bở. Đun với lửa lớn nhưng không để nước sôi hẳn vì nước sôi hẳn sẽ làm tôm đã được đông lạnh trước đó bị teo thịt lại. Cũng không nên luộc tôm đông lạnh với nước lạnh, vì làm vậy tôm vừa mất chất lại tanh, không ngon. Nhìn chung, bạn dùng nước nóng già để luộc tôm.
Khi nước đạt, thả tôm vào, quan sát thấy tôm nổi lên, chuyển sang màu hồng đỏ thì vớt ra ngay.
Với tôm nhỏ có thể là 2-3 phút, tôm to có thể tới 5 phút thì chín. Tôm vớt ra rồi ăn nóng ngay với sốt chấm hải sản hoặc bột canh pha mù tạt, chanh ớt đều hấp dẫn.
Bạn có thể tham khảo thêm cách chọn tôm đông lạnh ngon
Nếu như khi đi mua tôm chẳng may không có tôm tươi, bạn phải mua tôm đông lạnh sẵn vậy chọn tôm thế nào mới ngon? Rất đơn giản, đầu bếp khuyên nên chọn những con cong vì đó là những con tôm còn sống trước khi cấp đông. Còn tôm đã chết, sẽ không còn sức lực nên nó duỗi thẳng ra, sau thời gian dài cấp đông, nó sẽ thẳng đứng, vì vậy đừng mua những con này vì nó đã chết trước khi đem bảo quản.
Nhìn vào điểm nối giữa đầu và thân tôm, phần này rất dễ bị sẫm màu. Nếu chỗ kết nối giữa đầu tôm và thân tôm có màu đen và không chặt chẽ, nhìn có cảm giác đầu tôm sắp rơi, cho thấy tôm không còn tươi. Đừng mua tôm như vậy.
Cách trữ đông tôm không bị teo thịt:
Chuẩn bị: - Tôm tươi; hộp để bảo quản; ít muối
Cách làm: Tôm tươi vẫn còn nhảy tanh tách rửa sạch, ngâm trong nước đá lạnh cho ngất đi. Xếp tôm vào hộp, đổ nước lọc có pha thêm vài hạt muối đến khi nước trùm hết bề mặt. Đậy kín hộp, cho vào ngăn đá tủ lạnh là xong.
Lưu ý, nước muối pha thật loãng, nếu pha mặn sẽ bị ngấm vào cả tôm.
Khi làm đông lạnh tôm kiểu này, nước sẽ tạo thành một lớp băng đá. Chính lớp băng đá này giúp cách ly tôm với không khí bên ngoài, làm chậm quá trình oxy hoá của tôm, giảm tiếp xúc với sinh vật bên ngoài. Tôm có lượng đạm cao nên dễ bị oxy hoá, là nguyên nhân tôm bị thâm đen khi tiếp xúc với không khí. Ngoài ra, lớp băng đá còn có tác dụng chống mất nước, giữ ẩm, giữ hương vị và độ tươi ngon.