Thông tin từ Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ Trung ương đến địa phương đã công bố giá tối đa, giá đăng ký và giá kê khai của 808 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trong tháng 2.2016, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng ổn định so với tháng 1.2016. Dự báo, giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tháng 3.2016 tiếp tục ổn định.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá một số nguyên liệu sữa thế giới tiếp tục giảm so với tháng 1.2016.
Tại thị trường Châu Úc, giá sữa bột gầy (FOB) dao động ở mức 1.725 - 1.900 USD/tấn, giảm 150 USD/tấn. Giá sữa nguyên kem từ 1.835 - 2.200 USD/tấn, giảm khoảng 165 USD/tấn.
Tại thị trường Tây Âu, giá sữa bột gầy (FOB) dao động từ 1.700 - 1.825 USD/tấn, giảm khoảng 25 USD/tấn. Giá sữa nguyên kem (FOB) bán ở mức 2.100 - 2.300 USD/tấn, tăng khoảng 50 USD/tấn.
Bên cạnh giá sữa thì Cục Quản lý giá cũng công bố giá cả thị trường trong 2 tháng đầu năm.
Cụ thể, tháng 2.2016 cũng là thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân nên thị trường cung cầu hàng hóa trong nước sôi động, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, sức mua tăng mạnh ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống và một số sản phẩm thiết yếu khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết như đồ uống, thuốc lá, quần áo, giầy dép… đã gây sức ép tăng giá.
Trong tháng 3, dự kiến diễn ra nhiều lễ hội trên cả nước, cùng với việc một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá được điều chỉnh tăng theo lộ trình…dự báo sẽ tác động lên mặt bằng giá. (Ảnh minh họa)
Không những vậy, thời điểm này, thời tiết trước Tết rét đậm, rét hại trên toàn miền Bắc đã làm rau khó phát triển nên sản lượng và chủng loại rau, củ, quả giảm mạnh dẫn tới giá các loại rau tăng cao ở các tỉnh phía Bắc.
Cùng với đó, tháng 2.2016 nhu cầu đi lại tăng cao khiến cho giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,45%. Một số đơn vị kê khai tăng giá chiều đông khách (trước Tết chiều từ Nam ra Bắc, từ thành phố về nông thôn và sau Tết là chiều ngược lại) từ 20% - 60% so với giá vé bán ngày thường nhằm bù đắp phần chi phí cho phương tiện chạy chiều vắng khách. Theo Tổng cục Thống kê, giá vé ô tô khách tăng 6,31% và giá vé tàu hỏa tăng 7,01%.
Trong tháng 3, dự kiến diễn ra nhiều lễ hội trên cả nước, cùng với việc một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý giá được điều chỉnh tăng theo lộ trình…dự báo sẽ tác động lên mặt bằng giá.
Theo Cục Quản lý giá, thị trường hàng hóa dần trở lại bình thường, giá cả các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm có khả năng giảm nhẹ, nhóm giao thông tiếp tục giảm do giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 18.2 và có đợt giảm giá của giá cước vận tải…
Thời gian tới, để tiếp tục bình ổn thị trường, giá cả trong tháng 3 và quý I/2016, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá.
Đối với giá cước vận tải bằng ô tô, cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước và việc thu giá cước theo đúng giá niêm yết. Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến giá xăng, dầu giảm để kiểm tra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô, rà soát giá nhiên liệu hiện hành với giá nhiên liệu trong phương án kê khai liền kề trước để kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với xu hướng giảm giá nhiên liệu.
Các trường hợp vi phạm, lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai, niêm yết, sẽ bị xử lý nghiêm.