Bì lợn làm nem chua, đặc sản từ cá thối

Ngày 30/04/2013 05:11 AM (GMT+7)

Nem chua Thanh Hóa làm từ bì lợn bẩn, hàng trăm kg ếch cá Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam, cá ươn biến thành đặc sản… là những thông tin thị trường được dư luận chú ý trong tuần qua.

Nem chua Thanh Hóa làm từ bì lợn bẩn

Lực lượng chức năng đã phát hiện 2,5 tấn bì lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh chuẩn bị bán cho các cơ sở làm nem chua trên địa bàn Thanh Hóa.

Qua kiểm tra đã phát hiện cơ sở sản xuất nem, giò, chả Anh Vũ do ông Lê Văn Vũ, ở số 07/19, đường Nam Sơn, phường Nam Ngạn (TP.Thanh Hoá) làm chủ có 2 tủ cấp đông chứa khoảng 2,5 tấn bì lợn không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có hợp đồng mua bán hàng hoá, không có hoá đơn chứng từ và không được kiểm định chất lượng vệ sinh thực phẩm.

Được biết, số hàng trên được ông Vũ nhập từ tỉnh Nam Định về trong khoảng thời gian tháng 12/2012 và được bảo quản trong tủ cấp đông. Bình quân mỗi ngày cơ sở này bán khoảng 50kg bì lợn dạng sợi cho các cơ sở sản xuất nem chua trên địa bàn TP. Thanh Hoá.

Cá ươn thối thành đặc sản kho tộ, chả rán

Đối với sản phẩm cá kho bán sẵn, nhiều người bán hàng cá khẳng định, nguyên liệu là những con cá chết bốc mùi sau khi được tẩm ướp kỹ lưỡng, rán ròn và được đưa vào ướp riềng, xả rồi đem kho... Mặt hàng này được rất nhiều quán cơm bình dân, bún cá, hàng bán cá kho sẵn... lựa chọn để cắt giảm chi phí đầu vào.

Khâu đầu tiên là sơ chế cá, cho cá vào xô nước, hòa thêm một chút bột, rồi ngâm khoảng 30 phút. Những con cá ươn, có màu sắc nhợt nhạt “biến hình” thành cá tươi ngon. Sau đó, cá được ướp trong chậu lớn với đủ thứ gia vị, từ hành, tỏi, tiêu bắc. 15 phút sau, bắt đầu đổ dầu ăn vào chảo to, màu đen kịt vì lâu ngày không được lau rửa. Chảo dầu này sẽ được dùng để chiên hết khoảng hơn 10kg mặc dù dầu rán đã chuyển sang màu đen kịt vì chiên đi chiên lại.

Còn trong quy trình sản xuất chả cá, các loại cá mà nhiều cơ sở sản xuất dùng làm nguyên liệu chế biến thuộc cá thải loại, chỉ dùng cho việc chế biến thức ăn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, qua bàn tay “phù phép” thì nhìn vào vẫn… thơm ngon.

Cá nguyên liệu được những người làm thuê dùng muỗng cạo lấy thịt rồi đụng đâu bỏ đó. Sau đó, thịt cá được trộn với bột, đưa vào máy xay nhuyễn, rồi làm thành từng bánh tròn hoặc những viên nhỏ, rồi cho vào chảo dầu chiên. Đáng nói hơn, đó là một thứ dầu đen đặc như nhớt thải, được mua trôi nổi và đựng trong các can nhựa lem luốc.

Nhập lậu ếch, cá Trung Quốc về Hà Nội


Chiều ngày 25/4, kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 89K-5649 đỗ đèn đỏ tại khu vực công trường 5 (thuộc quận Long Biên, Hà Nội), cơ quan chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 216 kg ếch (1.080 con) và 265 kg cá quả (636 con) không có giấy tờ kiểm dịch cũng như hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo lời khai của chủ hàng - Trần Thanh Lâm (32 tuổi, ở xã An Viên, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên Lâm), toàn bộ số cá quả và ếch trên được thu mua từ Trung Quốc không có hoá đơn chứng từ. Tổ công tác đã thu giữ số hàng và xử lý theo quy định.

Từ cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), các “chân rết” sẽ sang Trung Quốc thu gom các loại cá trên thị trường này. Sau đó, các thương lái phía Trung Quốc sẽ thu gom từ các trại nuôi cá và đóng thùng rồi chuyển về Việt Nam qua thuyền đò. Khi về Việt Nam, số hàng trên sẽ tập kết tại một địa điểm rồi chở về chợ Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) tiêu thụ. Bình quân cứ 2 ngày hàng về một lần.

Trứng gà, rau quả tăng giá mạnh

Mặt hàng trứng gia cầm bán lẻ tại các chợ đã tăng giá tới hơn 20% so với đầu tháng 4. Theo đó, trứng gà loại 1 từ 2.800 - 2.900 đồng/quả, loại 2 và 3 từ 2.500 - 2.700 đồng/quả; giá trứng vịt loại 1 đã đứng ở 3.600 - 3.700 đồng/quả; trứng vịt loại 2, khoảng 3.500 - 3.600 đồng/quả. Với mức giá này, giá trứng gia cầm chung trên thị trường đang cao hơn trứng bình ổn bình quân khoảng từ 15% - 27%.

Tuy sức mua có khả quan song giá một số loại thực phẩm lại tăng cao như xà lách búp Đà Lạt bán 50.000-60.000 đồng/kg (tăng 71%), xà lách lụa 35.000-40.000 đồng/kg (tăng 60%). Khổ qua tăng mạnh từ 12.000 lên 18.000 đồng/kg, có chợ bán 20.000 đồng/kg (tăng 50%).

Đặc biệt, chanh lên đến 40.000 đồng/kg, rau cải xanh, cải ngọt cũng lên 8.000 đồng/bó, mướp tăng nhẹ 13.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết thời tiết nắng nóng hay mưa thất thường nên mặt hàng rau dễ bị hư hỏng, ảnh hưởng đến lượng thu hoạch. Khi vận chuyển về tiểu thương phải cắt bỏ phần hư hao nhiều nên tăng giá để bù chi phí.

Nước nha đam mát ruột, đẹp da pha từ hóa chất

Với công thức pha chế từ nguyên liệu chính là hương liệu nha đam, đường hóa học và nước, người bán có thể pha chế ra hàng trăm chai nha đam đường phèn với giá chỉ từ 8.000 - 10.000đ/chai (500ml).

Hương nha đam thì mua ở chợ… hóa chất. Người bán đã pha chế bằng cách cho trực tiếp hương liệu nha đam vào nước lạnh. Đem đun sôi, sau đó cho thêm vào một ít lá nha đam để tạo sự hấp dẫn người mua. Còn về vị ngọt, chủ yếu là do đường hóa học tạo nên. Tuy nhiên, đường hóa học có độ ngọt gắt, nên khi nấu, cho thêm vào ít đường phèn để đánh lừa vị giác người uống.

Công thức của loại nước này là Hương liệu + đường hóa học + nước = Nha đam đường phèn được quảng cáo có tác dụng giải nhiệt, đẹp da.

Theo Nhị Anh (Vietnamnet)

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn