Liên quan đến vụ Sữa thành thực phẩm dinh dưỡng, bộ Tài chính cho biết đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ Y tế chủ trì phối hợp với bộ Tài chính xem xét việc kê khai giá đối với những sản phẩm này.
Theo bộ Tài chính, từ tháng 4.2013 đến nay không có đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa gửi thông báo, kê khai, đăng ký điều chỉnh mức giá bán đến bộ Tài chính, trong khi trước đó, từ tháng 1 đến tháng 4.2013, nhiều công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi (như công ty TNHH Mead Johnson Nutrison, công ty TNHH phân phối Tiên Tiến, công ty TNHH Dinh Dưỡng 3 A Việt Nam, công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, công ty TNHH Nestle Vietnam) đều gửi thông báo giá bán sản phẩm của công ty đến cục Quản lý giá, dù cho trong thông báo cũng đều đã ghi là các sản phẩm dinh dưỡng chứ không còn là sữa.
Trước tình trạng trên, bộ Tài chính đã hai lần có công văn gửi bộ Y tế về việc phân loại các sản phẩm sữa và về việc tên gọi mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa gửi một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối mặt hàng sữa, đề nghị cung cấp danh sách tên mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi và các sản phẩm dinh dưỡng.
Bộ Tài chính đề nghị: các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi phải thực hiện bình ổn giá theo quy định của luật Giá.Ảnh: Thanh Hảo
Đơn cử, ngày 12.3, cục Quản lý giá có công văn gửi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ: Để có chính sách quản lý phù hợp trong thời gian tới đối với các sản phẩm sữa và sản phẩm, cục Quản lý giá đề nghị quý đơn vị cung cấp danh sách các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa, sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng hay thức ăn công thức... của các công ty sản xuất, phân phối, kinh doanh sữa để làm cơ sở theo dõi và đối chiếu trong công tác quản lý giá.
Tiếp đó, đến tháng 8.2013, thứ trưởng bộ Tài chính Trần Văn Hiếu có công văn gửi bộ Y tế, cho hay: Với tên gọi mới như thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng... thì theo quy định các sản phẩm này không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Nhà nước. Vì vậy, theo chức năng nhiệm vụ được giao và để thống nhất trong công tác phối hợp quản lý, bình ổn giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi theo quy định của luật Giá cũng như các văn bản hiện hành của bộ Y tế; bộ Tài chính đề nghị quý bộ cung cấp danh sách các công ty sản xuất, kinh doanh sữa, danh mục các sản phẩm đã được cấp chứng nhận sản phẩm là sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi phải thực hiện bình ổn giá theo quy định của luật Giá và danh mục các thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới sáu tuổi theo dự kiến quy định của Chính phủ.
Bộ Tài chính: “Không còn tên sữa” Theo báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của bộ Y tế thì hiện nay không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi; tên được chính thức sử dụng trên nhãn mác sản phẩm là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức. |
Cùng thời gian đó, cục Quản lý giá cho hay, ngày 7.8, đơn vị này đã có công văn gửi các doanh nghiệp về việc tên gọi mặt hàng sữa, các sản phẩm từ sữa và đã có 17/18 doanh nghiệp báo cáo lại. Tuy nhiên, theo báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa, theo quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa, sản phẩm dinh dưỡng của bộ Y tế thì hiện nay không còn sản phẩm nào (theo giấy phép chứng nhận của bộ Y tế) có tên là sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tuổi; tên được chính thức sử dụng trên nhãn mác sản phẩm là sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức.
Không chỉ dừng lại việc đánh công văn, theo thứ trưởng bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, bộ Tài chính đã có buổi làm việc với bộ Y tế, bộ Công thương về việc quản lý giá sữa để đề nghị các bộ cần chuẩn hoá tên mặt hàng trước đây là sữa (nay là thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng...), nhằm xem xét, đánh giá tổng thể về tính thiết yếu của mặt hàng này đến người tiêu dùng, qua đó kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa mặt hàng này vào danh mục mặt hàng bình ổn giá nếu cần thiết. Và trong văn bản mới nhất báo cáo Thủ tướng, bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm: “Nếu các sản phẩm trên thực chất là sữa hoặc có công dụng như sữa thì bộ Y tế cần trình Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục bình ổn giá”!