Quyết định chuyển hơn 2ha đất đồi núi từ trồng ổi sang trồng chanh đào, nhưng 2 năm nay, anh Doãn Ngọc Tuấn ở Lương Sơn, Hòa Bình lại rơi vào cảnh thất thu.
“Chanh đào 2 vụ nay đều có giá rất thấp, giá đầu mùa còn được 15.000 đồng/kg, nhưng vào chính vụ thì thương lái thu mua tại vườn chỉ còn 6.000 đồng/kg, và từ tháng 9 tới nay thì chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình không buồn cắt bán, cứ để già tại vườn”, anh Tuấn cho hay.
Không chỉ riêng gia đình anh Tuấn, mà hàng nghìn hộ nông dân trồng chanh đào 2 – 3 năm trở lại đây đều rơi vào cảnh thất thu vì giá chanh quá rẻ. Theo khảo sát tại một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội như chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), chợ đầu mối Long Biên (Long Biên, Hà Nội), chợ đầu mối Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), giá chanh đào được đổ buôn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg.
Sở dĩ giá chanh đào liên tục rớt giá trong 2-3 vụ gần đây là bởi, những năm trước, việc trồng chanh đào mang lại thu nhập cao nên nông dân ở khắp nơi đã mở rộng diện tích trồng, như Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh,… khắp nơi đều trồng chanh đào, dẫn tới cung vượt cầu. “5 – 6 năm trước, người dân đổ xô ngâm chanh đào với mật ong, đường phèn để chữa ho, dùng rất tốt nên chanh đào mới được giá. Thời điểm đó, giá chanh đào thường ở mức 50.000 – 60.000 đồng/kg, thậm chí là 70.000 đồng/kg. Thấy có lời nên nông dân đua nhau trồng đã khiến chanh đào rơi vào cảnh thừa thãi, giá rớt thảm hại”.
Chanh đào rớt giá thảm hại nhiều nơi nông dân đã tính chặt bỏ, chuyển đổi cây trồng khác.
Theo chị Đồng Thị Khánh, một tiểu thương buôn bán hoa quả ở chợ đầu mối phía Nam, ngoài nguyên nhân thị trường đã bão hòa, cung đang vượt cầu thì năm nay, nắng nóng cũng ít, chủ yếu mưa mát trời nên lượng chanh mà người dân sử dụng cũng giảm đi đáng kể.
Do chanh đào liên tục mất giá trong 2 – 3 vụ gần đây, nên nông dân ở một số nơi đã bắt đầu chặt bỏ chanh đào để chuyển sang những loại cây trồng khác như mít, na. Tại Hòa Bình, nhiều hộ nông dân ở TP Hòa Bình, huyện Tân Lạc, Cao Phong, Lương Sơn, Kim Bôi đã bày tỏ ý định sau khi kết thúc vụ chanh năm nay sẽ chặt bỏ để trồng mít, bưởi hoặc cam.
Anh Nguyễn Xuân Trường ở xóm Mới, xã Thu Phong (Cao Phong, Hòa Bình) cho biết: “Cũng như năm ngoái, nhiều thương lái đi xem vườn rồi chê quả nhỏ, quả xấu, trả giá rẻ như cho. Nếu tính công cắt thì người trồng không được là mấy. Không như các loại hoa quả khác, chanh thu hoạch rất khó bởi nhiều gai, quả nhỏ. Thuê người đi cắt chanh cũng khó và công cao. Người cắt quen mỗi ngày được trên dưới 1 tạ. Trả công cắt, người trồng chỉ còn được 2.000 - 3.000 đồng/kg. Trước tình hình giá chanh rẻ như vậy, nhiều người tận dụng thu rồi chặt bỏ cây mặc dù đang kỳ trưởng thành cho năng suất cao. Cuối vụ, tôi cũng chặt tỉa cây để đỡ công chăm sóc và cho cây khác lên”.
Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nếu cứ còn tình trạng nông dân nuôi trồng theo phong trào thì việc “được mùa rớt giá” sẽ lặp đi lặp lại, không chỉ đối với chanh mà với tất cả cây trồng, vật nuôi khác. Để giảm tình trạng này, giảm thiệt hại thì nông dân phải chủ động, tiếp cận, tìm hiểu thị trường, cộng với định hướng của cơ quan chuyên môn để có phương án sản xuất.
“Đã sang thế kỷ XXI, cách mạng công nghệ 4.0, nông dân không thể chỉ dựa vào Nhà nước, mà phải chủ động trong sản xuất, nắm bắt thị trường để sản xuất theo thị trường, bỏ dần thói quen sản xuất theo phong trào”, một chuyên gia nông nghiệp bày tỏ.