Những ngày qua, dư luận phản ứng khá gay gắt trước thông tin xóa sổ xăng RON 95 để thị trường chỉ còn lại duy nhất loại xăng sinh học E5. Vì sao dư luận phản ứng như vậy?
E5 chưa đủ niềm tin?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ quan điểm chưa thể khai tử xăng RON 95 ở thời điểm hiện tại khi cho rằng: “Nhà quản lý cần có chính sách để giá xăng E5 RON 92 thực sự hấp dẫn, đi kèm đó là chất lượng đảm bảo. Nhà điều hành cần tính toán, cân nhắc tới giá cả và quyền được chọn lựa của người dân, không nên áp đặt quyền mua bán trên thị trường”.
Hiện tại, xăng sinh học E5 vẫn chưa được người tiêu dùng tin tưởng. Điều này thể hiện khá rõ khi chuyển từ bán xăng RON 92 sang E5 từ ngày 1/1/2018, thị phần giảm đi rất nhiều. Ghi nhận của chúng tôi tại một số điểm đổ xăng ở Hà Nội cho thấy xăng sinh học chưa nhận được sự hưởng ứng của người dùng.
Ngày 7/5, tại cửa hàng xăng dầu số 31 (111 đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) các trụ bơm xăng sinh học E5 và xăng Ron 95 được đặt cạnh nhau theo từng cột cho khách dễ lựa chọn. Ghi nhận cho thấy, những khách hàng chọn xăng Ron95 chiếm số lượng nhiều hơn.
Các trụ xăng RON 95 vào giờ tan tầm luôn rất đông khách đứng xếp hàng chờ đến lượt đổ, thì ở cột xăng sinh học E5 khá vắng.
Tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu CTM - GGE (đại chỉ số 1174, đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội), phần lớn khách hàng đến đây đổ xăng đều chọn xăng RON 95.
Anh Hồ Sĩ Phú (một khách ghé vào đổ xăng) cho hay anh sử dụng dòng xe AirBlade được 2 năm nay, và chỉ đổ loại xăng RON 95. Theo khách hàng này, xăng RON 95 là loại nhiên liệu phù hợp với xe tay ga, xe số có công nghệ phun xăng điện tử (Fi).
Hiện tại, chênh lệch giữa 2 loại xăng đang có trên thị trường gần 2.000 đồng/lít nhưng khách hàng vẫn chọn loại đắt hơn. Điều này chứng tỏ xăng sinh học E5 vẫn chưa khiến người dùng tin tưởng dù đã bước sang tháng thứ 5 đi vào sử dụng đại trà trên toàn quốc.
Đề xuất bỏ xăng RON 95 đang “gây bão”. Ảnh: HP
Chỉ mới là đề xuất
Mới đây, đại diện Bộ Công thương khẳng định, việc bỏ xăng RON 95 mới là đề xuất của một doanh nghiệp.
Bộ Công thương đang tổng hợp ý kiến, xem xét nhiều vấn đề như thuế môi trường với xăng E5 đã hợp lý chưa, thuế TTĐB, lượng ethanol có đủ để pha phối trộn không, có đảm bảo tiêu dùng cho cả nước không, có đảm bảo tính cạnh tranh giá thành không?
“Về việc này, chúng tôi sẽ xem xét rất kỹ các nội dung liên quan, cụ thể: Thứ nhất, trong thời điểm hiện nay, ethanol (E100) để phối trộn thành E5RON92, E5RON95 có đủ hay không? vì hiện ở Việt Nam chỉ có 1 DN là Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp ethanol, ngoài lượng ethanol nhập khẩu. Thứ hai, giá ethanol đó có hợp lý, cạnh tranh hay không? Tất nhiên, chúng ta đã cho phép nhập khẩu ethanol chứ không chỉ sử dụng ethanol sản xuất trong nước; cũng không phải chỉ sử dụng ethanol của 1 DN là Tùng Lâm. Chúng tôi cũng rất mong muốn làm tốt việc sản xuất ethanol trong nước - tức là tạo ra công ăn việc làm, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, nhất là những người nông dân trồng sắn, nhưng cũng phải bảo đảm cạnh tranh lành mạnh để không làm tăng giá thành xăng sinh học, kể cả E5RON92 và E5RON95 làm ảnh hưởng đến người dân, DN sản xuất, kinh doanh”, ông Hải cho biết.
Người phát ngôn Bộ Công thương, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, nếu Bộ Công thương trình lên Chính phủ vấn đề này thì sẽ phải xem xét rất kỹ.
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ của Chính Phủ tháng 4/2018, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến xăng E5. Theo đó, theo lộ trình, từ ngày 01/01/2018, xăng E5 (xăng E5RON92) đã được bán đại trà trên phạm vi toàn quốc. Trong năm 2017, lượng xăng E5 được tiêu thụ chỉ 8-9%, tuy nhiên, trong những tháng đầu tiên của năm 2018, nhất là 2 tháng đầu năm, theo báo cáo của các DN đầu mối về xăng dầu, xăng E5 đã đạt tỉ lệ tiêu thụ trên tổng số lượng tiêu thụ là 42%, xăng RON 95 đạt 58%. Trước khi có việc bán đại trà, xăng RON95 chỉ đạt tỉ lệ khoảng 30%.
E5 cần chứng minh khả năng đáp ứng với nhiều loại xe PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, mỗi động cơ sẽ được quy định mức tỉ số nén khác nhau, vì thế xăng cũng được chia ra nhiều mức Octan nhằm tối ưu hóa khả năng hoạt động của động cơ. Do đó, nếu gượng ép chỉ sử dụng xăng sinh học E5 có thể ảnh hưởng đến một số loại xe. Trong khi đó tại Việt Nam, xăng sinh học E5 vẫn chưa giành được nhiều thiện cảm của người tiêu dùng vì nhiều lý do. Nếu có căn cứ thử nghiệm của các trường đại học, chứng minh khả năng đáp ứng của xăng sinh học E5 với nhiều loại xe khác nhau thì đề xuất này mới có sức thuyết phục. |